Dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng: Cần “tỉnh táo” khi quyết định!

Sông Hàn 22/03/2020 11:00

Tại sao không củng cố tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai thực hiện tốt logistics để vận chuyển hàng hoá mà phải xây dựng tuyến mới?

Hướng phóng tuyến đường sắt được quy hoạch theo nét kẻ đỏ trên bản đồ.

Hướng phóng tuyến đường sắt được quy hoạch theo nét kẻ đỏ trên bản đồ.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn 1.435m, có tổng mức đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đồng, lộ trình dự kiến nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt này giai đoạn sau 2020.

Bộ GTVT cho biết, hiện đã làm việc với đơn vị tư vấn phía Trung Quốc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này, đồng thời làm việc với các địa phương, để lấy ý kiến thỏa thuận về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga… làm cơ sở dành quỹ đất phục vụ dự án đầu tư trong tương lai.

Trong trường hợp có nhà đầu tư, sẽ xin ý kiến chỉ đạo để triển khai sớm.

Theo quy hoạch do liên danh tư vấn Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) và Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc lập, tuyến đường sắt được quy hoạch đi qua 8 tỉnh, TP từ Lào Cai đến Hải Phòng dài khoảng gần 390 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km, xây dựng theo hướng đông, đi qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130 km, 25 hầm dài tổng cộng 25 km, 38 nhà ga (29 ga xây mới). Dự báo năng lực vận tải là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Kinh phí cho việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng được Chính phủ Trung Quốc viện trợ.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng: Cân nhắc tính hiệu quả và rủi ro!

    11:00, 29/11/2019

  • Bộ GTVT nói gì về quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng?

    00:00, 26/11/2019

  • Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng dài gần 400km

    07:23, 15/11/2019

  • COVID-19 giai đoạn 2: Có nên thu tiền ăn của người bị cách ly?

    05:40, 22/03/2020

  • [COVID-19] Hà Nội thêm 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 trở về từ Đông Âu

    19:28, 21/03/2020

  • Thủ tướng quán triệt mục tiêu ngăn chặn, hạn chế tối đa lây lan COVID-19 ra cộng đồng

    19:27, 21/03/2020

  • [COVID-19] Ngày đầu tiên ở phố Trúc Bạch sau lệnh gỡ bỏ cách ly

    18:28, 21/03/2020

Dĩ nhiên, kể từ khi manh nha về đề xuất dự án này đã có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều chuyên gia về quy hoạch - giao thông lên tiếng không đồng ý vì nó chưa thật sự cần thiết, lãng phí trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều dự án trọng điểm quốc gia mang tính cần kíp hơn, đó là chưa kể đến yếu tố an ninh - quốc phòng của dự án.

Thực tế, nhiều năm qua, tuyến đường sắt phía Bắc đang rơi vào tình trạng thua lỗ, xin dừng chạy, thu không đủ chi, phải xin nhà nước hỗ trợ, bù lỗ. Mỗi chuyến tàu giờ chỉ lác đác vài hành khách, chất lượng phục vụ không tốt, làm ăn chụp giật, mất uy tín.

Việc xây dựng thêm 1 tuyến đường sắt sẽ chia sẻ lưu lượng xe trên các tuyến cao tốc, vừa không hiệu quả, vừa lãng phí, cạnh tranh chính giữa 2 lĩnh vực đường sắt và đường bộ. Trong khi đó, giao thương vận tải hàng hóa giữa các tỉnh Lào Cai và miền núi phía bắc về Hải Phòng để xuất khẩu không nhiều đến mức cần làm 1 tuyến đường sắt có chi phí tới 100.000 tỷ đồng như vậy.

Nhiều chuyên gia giao thông cùng chung quan điểm rằng, nếu kỳ vọng vào hàng hóa Trung Quốc sẽ vận chuyển nhiều hơn trên tuyến đường sắt này để xuất khẩu thông qua cảng Lạch Huyện cũng cần phân tích liệu có thật sự như vậy không hay hàng hóa từ Côn Minh sẽ vẫn di chuyển qua cảng Phòng Thành (Trung Quốc) để xuất khẩu. Không thể vẽ ra hàng loạt mục tiêu tốt đẹp nhưng bỏ tiền đầu tư xong lại thất vọng.

Đáng quan tâm, thận trọng hơn ở chỗ là dự án nhận tiền tài trợ nghiên cứu quy hoạch của Chính phủ Trung Quốc, đây là việc rất không nên vì không ai cho không ai cái gì.

Liên quan đến vấn đề này PGS Lê Cao Đoàn - Viện Kinh tế Trung ương thẳng thắn cảnh báo: “Phải cẩn trọng với bài toán kinh tế ‘một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc. Đây là một cách rắc thính quen thuộc của nhà đầu tư Trung Quốc nhắm tới các quốc gia đang phát triển, cần tiền để đầu tư hạ tầng. Từ chỗ miễn phí lập quy hoạch sẽ tiến tới là tư vấn lập dự án, rồi cho vay vốn đầu tư, buộc sử dụng nhà thầu, lao động, công nghệ của Trung Quốc”.

Hơn nữa, lúc này Bộ GTVT nên giải quyết xong đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho dân nhờ đã, tiếp theo là để dành nguồn lực cho dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ thiết thực hơn. Chứ chi hơn 100.000 tỷ đồng đề đầu tư tuyến đường sắt mới này cần hết sức cân nhắc, tránh đi theo những vết xe đổ của những dự án trước đây, đầu tư rồi phơi nắng, gây lãng phí rất lớn.

Có cảm giác, chiến lược phát triển này của Bộ GTVT là theo kiểu “mỳ ăn liền”. Tức là cái gì ngon, đầu tư nhiều tiền thì làm trước. Như vậy là lãng phí khi đầu tư đường sắt gấp 3,4 lần đường bộ mà hiệu quả lại ở ngưỡng 50/50, nếu không nói là dễ đi vào thất vọng, thất bại.

Tại sao Bộ GTVT không củng cố tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai thực hiện tốt logistics để vận chuyển hàng hoá mà phải xây dựng tuyến mới? Đó là câu hỏi mà dư luận, cũng như nhiều chuyên gia cần và muốn có lời giải đáp thỏa đáng về dự án 100.000 tỷ đồng – nguồn tiền viện trợ từ Trung Quốc này.

Sông Hàn