Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên" sau "lệnh" tạm dừng xuất khẩu gạo
Doanh nghiệp lo ngại sẽ phát sinh chi phí cho lưu kho, đền bù hợp đồng cho đối tác, thậm chí mất thị trường khi việc tạm dừng xuất khẩu gạo được thực hiện tới hết tháng 5/2020.
Tuy vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng dừng xuất khẩu gạo là quyết định chính xác trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có diễn biến khó lường, cùng với đó là tình trạng hạn mặn tại ĐB SCL ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Năng lực sản xuất trong nước năm 2020 dự kiến đạt 43,5 tiệu tấn thóc, đảm bảo nguồn cung trong nước cho 90 triệu dân.
“Nguy cơ mất mùa là nhãn tiền cùng dịch bệnh đang hoành hành chưa biết tới lúc nào mới kết thúc, do đó, chiến lược an ninh lương thực quốc gia phải đặt lên hàng đầu là điều không thể tranh cãi”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK Sài Gòn (SSI), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn PAN khẳng định.
Trên thực tế, đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua khiến nhiều người ở khắp các nước đổ về các cửa hàng, siêu thị "hốt" sạch mọi loại thực phẩm, để lại quầy kệ trống trơn... đã cho thấy vai trò rất quan trọng của an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh an ninh lương thực của Việt Nam hiện chỉ xếp 55/113 quốc gia.
Ngay cả khi Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với hơn 6 triệu tấn/năm, thu về hàng tỉ ngoại tệ, việc phải có đủ nguồn cung lương thực cùng một hệ thống phân phối đảm bảo vận hành thông suốt, đáp ứng bất kể lúc nào trong tình hình đại dịch COVID-19 lan tràn khắp thế giới hiện nay càng trở nên cấp thiết.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại, việc tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 trong Thông báo số 121/TB-VPCP sẽ khiến doanh nghiệp sẽ chịu nhiều tổn thất.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Intimex Group cho rằng, nếu chúng ta xử lý không khéo được vấn đề này có thể ngành xuất khẩu gạo sẽ "vỡ trận" chứ không phải chỉ ảnh hưởng một vài doanh nghiệp. Đặc biệt, người chịu thiệt hại nặng nề trước nhất là nông dân trồng lúa. ngân hàng.
“Tầm ảnh hưởng của quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến toàn xã hội. Sau khi có thông tin dừng xuất khẩu gạo, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng ngồi không yên, họ như ngồi trên lửa và bỏ cả ăn cơm”, ông Nam chia sẻ.
Đồng thời cho biết, nếu dùng lý do bất khả kháng để dừng xuất khẩu gạo là không thuyết phục được quốc tế, vì hiện nay vụ Đông Xuân không bị mất mùa, không tổn thất nặng nề, vụ Hè Thu chưa tới… như vậy các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu đứng trước nguy cơ bồi thường cho đối tác trong khi còn lo tiền để trả nợ vay.
Báo cáo từ Bộ NN&PTNT, năm 2020 Việt Nam dự kiến đạt sản sản lượng 43,5 tiệu tấn thóc. Trong đó, vụ Đông Xuân 6 tháng đầu năm đạt 20,1 triệu tấn thóc, con số này ở vụ Hè Thu, Mùa, Thu Đông trong 6 tháng cuối năm dự kiến là 23,4 triệu tấn. Được biết, đến nay, toàn bộ diện tích lúa Đông Xuân của các tỉnh phía Nam đều an toàn.
Thậm chí, ngành nông nghiệp cũng đã có kế hoạch nâng diện tích 750 nghìn ha lúa Thu Đông lên mức 800 nghìn ha do đánh giá nhu cầu thế giới năm 2020 có thể tăng 3,7 triệu tấn trong khi sản lượng thế giới giảm 2,7 triệu tấn.
Về tình hình xuất khẩu, tính đến ngày 15/3, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,298 triệu tấn tăng 26,5% và giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, con số xuất khẩu gạo cả năm 2019 nằm ở mức 6,37 triệu tấn gạo. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam hoàn toàn đủ gạo để tiêu thụ trong nước phục vụ hơn 90 triệu dân, có thể tiêu thụ tới cuối năm mà vẫn không hết gạo.
Soi chiếu vào tiền lệ năm 2008, nhiều chuyên gia cho rằng, việc dừng xuất khẩu cũng đặt ra vấn đề các đối tác sẽ chuyển hướng thị trường để tìm nguồn cung mới. Do đó, khi chúng ta mở cửa xuất khẩu lại vào tháng 6/2020, chúng ta rất có thể đã mất thị trường.
Theo đó, năm 2008, giá gạo thế giới tăng cao từ đầu năm, và đến khoảng tháng 4-5 thì giá tăng dữ dội, chỉ trong 1 tháng (từ tháng 4 sang tháng 5), giá gạo trong nước đã tăng thêm 36%. Giá gạo thế giới cũng tăng chóng mặt và nguy cơ thiếu hụt gạo hiện hữu toàn cầu. Việt Nam đã vội vã đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo để bảo vệ thị trường trong nước. Sau đó, cơn sốt gạo qua đi, mọi việc trở lại bình thường, thậm chí giá gạo lại xuống thấp theo các chu kỳ lên xuống của ngành hàng nông nghiệp.
“Giới kinh doanh đánh giá Việt Nam đã đánh mất một cơ hội xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và giá rất tốt. Sau này, nhiều chuyên gia cũng đánh giá là ở Việt Nam, gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3-4 tháng, nên việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung đã dẫn tới việc đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo (nông dân) lẫn các nhà xuất khẩu”, TS Nguyễn Đức Thành, Nguyên Viện trưởng VEPR, thành viên Liên Minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp “ngỡ ngàng” với lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo.
19:39, 24/03/2020
[COVID-19] Tạm dừng xuất khẩu gạo
18:28, 24/03/2020
Xuất khẩu gạo "ngược dòng" tăng mạnh giữa khó khăn do COVID-19?
01:06, 23/03/2020
Độc đáo mô hình khởi nghiệp từ hạt gạo và tre của thanh niên vùng cao
04:12, 22/03/2020
Xuất khẩu gạo "lên ngôi", mừng hay lo?
02:27, 21/03/2020
“Việt Nam nên bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá, tăng lượng mua này, và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận. Giá cả và nhu cầu có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh, trong các tháng 4-5, chúng ta vẫn nên chủ động đi theo con sóng đó”, TS Nguyễn Đức Thành nói.
Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần có độ giãn thời gian thực hiện chính sách. Đơn cử kiến nghị hoả tốc của Bộ Công Thương ngay trong chiều 24/3 kiến nghị tạm hoãn thực hiện việc tạm dừng thông quan xuất khẩu gạo đã cho thấy sự lo lắng của cộng đồng doanh nghiệp.
“Cần một khoảng thời gian trước khi lệnh cấm có hiệu lực để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thực hiện các hợp đồng đã ký, giải quyết với đối tác và tính toán sắp xếp cả nguồn trả ngân hàng…”, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng đề xuất.
Cùng nỗi lo, Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho rằng, chỉ nên dừng các lô hàng ký kết sau thời điểm ngày 24/3, còn những hợp đồng đã ký kết trước phải giải quyết cho doanh nghiệp để tránh gây thiệt hại về vi phạm hợp đồng, chi phí phát sinh... “Đã ký hợp đồng rồi, khách hàng chuyển tiền rồi, gạo không xuất được là doanh nghiệp khổ”, ông Sơn nói.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin
- "Dịch Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ lo ngại nguồn cung lương thực bị sụt giảm nên yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo, khẩn trương mua đủ số lương thực dự trữ" - Đó là kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 ngày 23/3, được Văn phòng Chính phủ phát đi. Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020, nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành sản xuất gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước. - Sau đó, chiều ngày 24/3, Tổng cục Hải quan có công văn hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc về vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo. Cụ thể, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3. Đồng thời, giải quyết thủ tục thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên. - Đáng nói ngay tối 24/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị tạm hoãn thực hiện mục b và 1 phần mục c, khoản 2 của Thông báo 121ngày 23-2 thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 do Thủ tướng chủ trì ngày 23/3. |