Cao tốc đường bộ Bắc-Nam: “Soi” năng lực các “ông lớn” quốc phòng

Linh Nga 30/03/2020 11:10

Bộ Quốc phòng vừa gửi đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ về việc giao thầu thi công các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho doanh nghiệp quân đội thực hiện...

à

Bộ Quốc phòng tiến cử Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn làm 3 dự án cao tốc Bắc - Nam.

Theo đó, Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên chỉ định thầu cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thuộc Binh đoàn 12 được tham gia thi công các gói thầu thuộc 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc- Nam phía Đông dự kiến chuyển đổi theo hình thức đầu tư công là đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45; quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cam kết sẽ chỉ đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chuẩn bị tốt các nguồn lực để triển khai thi công các gói thầu được giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình. 

Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP sang đầu tư công, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền xem xét việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

Việc chỉ định thầu cần được thực hiện theo các nguyên tắc: doanh nghiệp được chỉ định phải có năng lực về tài chính, máy móc, thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự để đảm bảo chất lượng công trình, trong đó ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng; tiến hành rà soát tổng mức đầu tư dự án sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư, bảo đảm không trùng lặp với kinh phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến.

Đề nghị trong việc chỉ định thầu cần quy định tiết kiệm từ 5% - 7% so với dự toán được phê duyệt của gói thầu được chỉ định; nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng với các nhà thầu được lựa chọn để thúc đẩy tiến độ các dự án, trong đó sử dụng chính khoản tiết kiệm nêu trên để trích một phần thưởng cho nhà thầu vượt tiến độ...

Theo một số ý kiến, cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án huyết mạch trọng điểm của đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng là yếu tố quan trọng. Đây cũng là một trong những lý do được Bộ GTVT đưa ra khi quyết định chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước đối với 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT của Dự án. 

Vì thế, việc doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện các gói thầu cũng sẽ phù hợp với yếu tố này. 

Được biết, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn là đơn vị chuyên xây dựng cầu đường của Quân đội có hơn 60 năm xây dựng và kinh nghiệm trong thi công các công trình đường cao tốc lớn, như: Quốc lộ 3 mới, Hà Nội - Thái Nguyên; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Cam Lộ - Túy Loan...

Có thể bạn quan tâm

  • Xem xét chuyển đổi một số dự án PPP cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công

    Xem xét chuyển đổi một số dự án PPP cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công

    00:02, 10/03/2020

  • 8 dự án cao tốc Bắc Nam sơ tuyển nhà đầu tư trong nước

    8 dự án cao tốc Bắc Nam sơ tuyển nhà đầu tư trong nước

    00:00, 18/10/2019

  • Cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn: Có hay không việc ưu tiên doanh nghiệp “quen biết”?

    Cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn: Có hay không việc ưu tiên doanh nghiệp “quen biết”?

    09:12, 09/10/2019

  • Đấu thầu trong nước cao tốc Bắc Nam: Phải tính đến khả năng mạo danh doanh nghiệp Việt

    Đấu thầu trong nước cao tốc Bắc Nam: Phải tính đến khả năng mạo danh doanh nghiệp Việt

    10:00, 25/09/2019

  • Sớm thành lập tổ giám sát đấu thầu chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc Nam

    Sớm thành lập tổ giám sát đấu thầu chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc Nam

    00:13, 12/08/2019

Không chỉ vậy, tên tuổi của doanh nghiệp này cũng gắn liền với nhiều công trình thủy điện, thủy lợi như: Thủy điện Sơn La, Nhà máy Thủy điện Srêpôk 3 ở Đắk Lắk, Thủy điện Buôn Tua Srah ở Đắk Lắk, dự án hồ chứa nước Ngàn Trươi - Hà Tĩnh, dự án hồ Tả Trạch - Thừa Thiên Huế…

Theo Báo Đầu Tư, đầu năm 2020, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven biển từ TP Rạch Giá đi huyện Hòn Đất.

Đây là dự án nhằm góp phần khai thác tài nguyên biển và vùng ven biển; thúc đẩy phát triển du lịch, kích cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự án trị giá 344 tỷ đồng này là 1 trong 4 dự án mà Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn vừa trúng thầu trong tháng 11 và 12 của năm 2019, với tổng trị giá 1.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xây dựng lớn thuộc Bộ Quốc phòng có thể kể đến như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 319, Tổng công ty 789, Tổng công ty Thành An…

Tổng công ty 319 “bén duyên” sớm với dự án PPP giao thông, với Dự án BOT Nâng cấp mặt đường Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai (khoảng 2.000 tỷ đồng); Dự án BOT Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Nghi Sơn (Thanh Hoá) - Cầu Giát (Nghệ An) (hơn 3.600 tỷ đồng), Dự án BOT kết hợp BT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 20 từ Bảo Lộc đi Đà Lạt (hơn 4.000 tỷ đồng); Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (4.213 tỷ đồng); Dự án BT Đường giao thông từ cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa (giai đoạn 1 hơn 4.000 tỷ đồng)… 

Tổng công ty Thành An vừa trúng Gói thầu XL1 thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông với giá trúng thầu 547 tỷ đồng. 

Trước đó, Tổng công ty cũng là nhà đầu tư Dự án BOT Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1063+877 đến Km 1092+577 tỉnh Quảng Ngãi; Dự án BOT Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 1125 đến Km 1153 tỉnh Bình Định.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào giữa tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất chuyển đổi dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, các dự án PPP sẽ thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư là Dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, có chiều dài tuyến là 99 km; Dự án đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến là 63,4 km; Dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài tuyến là 43,2 km. Tổng mức đầu tư 3 dự án vào khoảng 20.500 tỷ đồng.

Ngày 26/3, trong thông báo về chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (8 dự án) và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công.

Bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 cho Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Linh Nga