Doanh nghiệp kiến nghị đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá
Đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá nhằm có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia vì đây là mặt hàng thường xuyên có biến động lớn, lúc giá hạ phải “giải cứu”, lúc lại cần phải kêu gọi hạ giá.
Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì 15/15 doanh nghiệp lớn tham dự cho biết sẽ đưa giá lợn xuất tại cửa chuồng về mức 70 nghìn/kg từ ngày 1/4 tới đây.
Theo nhiều ý kiến doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng cũng như đề nghị của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, thời gian qua, các doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm mức giá lợn hơi, đơn cử như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam giảm từ 80-85 nghìn đồng/kg thời điểm cuối măm 2019 xuống mức 73-75 nghìn đồng/kg vào đầu năm 2020.
Tuy nhiên, mặc dù một số doanh nghiệp chăn nuôi đã điều chỉnh hạ giá bán lợn hơi, nhưng trên thực tế, người tiêu dùng lại chưa được hưởng lợi do giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng hiện vẫn ở mức rất cao.
Với giá bán lợn hơi ở mức 75.000 đồng/kg, nếu giết mổ, bán tới tay người tiêu dùng thì mức giá thịt lợn chỉ khoảng xoay quanh 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện giá thịt lợn bình quân trên thị trường bán tới tay người tiêu dùng hiện vẫn quá cao, tới 140.000 đồng/kg.
“Các doanh nghiệp đều chung tay với định hướng của Chính phủ, tuy nhiên giá lợn vẫn có chênh lệch cao đã phản ánh vấn đề về cung – cầu. Cùng với đó nằm ở vấn đề giá khâu trung gian, cần kiểm soát chặt chẽ hơn”, ông Đào Mạnh Lương, TGĐ CTCP Tập đoàn Mavin chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: “Thực trạng giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao cho thấy khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lý, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Có thể bạn quan tâm
Người tiêu dùng phải “chống đỡ” COVID-19 và... giá thịt lợn
03:30, 24/03/2020
50.000 tấn thịt lợn nhập khẩu sẽ khiến giá lợn trong nước "hạ nhiệt"
08:59, 22/03/2020
Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tăng trên 200%
00:38, 17/03/2020
Cần “giải cứu” giá thịt lợn cho người tiêu dùng
11:00, 14/02/2020
Đề xuất giảm thuế để tăng nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ
01:00, 12/02/2020
Do đó, Phó Tổng giám đốc C.P Việt Nam cho rằng, nhằm giảm khâu trung gian, thời gian tới, Công ty sẽ trực tiếp đẩy mạnh bán thịt lợn trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Hiện, nhà máy giết mổ của C.P xây dựng tại Chương Mỹ (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thiện và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, với công suất trên 4.000 con/ngày. Điều này sẽ cải thiện được chuỗi cung ứng, giảm khâu trung gian…
Bên cạnh đó, C.P cũng đã xúc tiến triển khai liên kết với các nhà máy giết mổ chế biến để đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát.
Trong khi đó, TGĐ CTCP Tập đoàn Mavin cho rằng, cần những giải pháp dài hạn cho ổn định thị trường thịt lợn tại Việt Nam. Trong đó, điều đầu tiên là cân bằng, ổn định cung-cầu. Do đó, đề nghị Chính phủ cần ban hành Nghị định về chuyên đề cho phát triển chăn nuôi lợn thời gian tới.
“Ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đã trải qua thời gian dài khủng hoảng từ giá cho đến dịch bệnh. Dẫn đến tâm lý của người chăn nuôi ngại tăng đàn, tái đàn. Vì vậy, rất mong có Nghị định riêng với những giải pháp tổng thể về tín dụng, đất đai, các nguồn lực chính sách để thực hiện khuyến khích phát triển, cho hộ chăn nuôi tái đàn”, ông Đào Mạnh Lương kiến nghị.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DABACO cùng đại diện nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi cùng kiến nghị Chính phủ cần sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá nhằm có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia… Bởi đây là mặt hàng những năm qua thường xuyên có biến động lớn, lúc giá hạ phải “giải cứu”, lúc lại cần phải kêu gọi hạ giá.