Đề xuất cho phép Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo
Đoàn kiểm tra đề nghị Chính phủ có Nghị quyết cho phép Bộ Công Thương được thu hồi giấy phép xuất khẩu đã cấp cho trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gạo không trung thực...
Như vậy là chậm hơn 2 ngày so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/3, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công Thương đã hoàn tất báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất khẩu gạo.
Để góp phần bảo đảm mục tiêu điều hành xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay, Đoàn kiểm tra liên ngành thống nhất đề xuất thực hiện một số biện pháp hỗ trợ như Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao.
Đồng thời, Đoàn kiểm tra đề xuất chỉ cho xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế ( đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không, đường thuỷ) nơi có đủ trang thiết bị nối mạng để Tổng cục Hải quan có thể theo dõi và phản ảnh theo thời gian thực.
Để đảm bảo lưu thông trong nước, Đoàn kiểm tra đề xuất 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thoả thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Trường hợp không thực hiện thoả thuận, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, Bộ Công Thương được quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.
Chính phủ có Nghị quyết cho phép Bộ Công Thương được thu hồi giấy phép xuất khẩu đã cấp cho trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, khai báo không trung thực cho Bộ theo quy định Nghị định 107/2018/NĐ-CP.
Trước đó, ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo hoả tốc gửi tới các Bộ ngành thành lập Đoàn kiếm tra liên ngành rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung cấp thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/3.
Theo báo cáo số 2237/2020 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, đánh giá tình hình sản xuất, tồn kho gạo trong nước, kiến nghị phương án xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, trong đó vụ đông xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc, sản lượng vùng ĐBSCL ước đạt 10,8 triệu tấn.
Về tác động của hạn mặn, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, diện tích lúa vụ đông xuân bị thiệt hại năm 2020 không đáng kể do Bộ và các địa phương chỉ đạo xuống giống sớm. Bên cạnh đó, vụ đông xuân được mùa, năng suất bình quân gần 7 tấn/ha nên bù đắp được tác động do hạn mặn gây ra. Sản lượng thóc gạo tại ĐBSCL dự kiến tương đương năm 2019.
Về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ NN&PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn thóc. Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn.
Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo.
Trước mắt trong tháng 4, Đoàn kiểm tra kiến nghị cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.
Có thể bạn quan tâm
Tạm dừng xuất khẩu gạo và lỗ hổng số liệu
13:58, 29/03/2020
Ngành Công Thương với xuất khẩu gạo: Đừng để chính sách "giật cục"
08:29, 26/03/2020
Chính phủ yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới ít nhất đến ngày 28/3
15:45, 25/03/2020
Đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo: Bộ Nông nghiệp nói gì?
14:24, 25/03/2020
Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên" sau "lệnh" tạm dừng xuất khẩu gạo
05:49, 25/03/2020
Doanh nghiệp “ngỡ ngàng” với lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo
19:39, 24/03/2020
[COVID-19] Tạm dừng xuất khẩu gạo
18:28, 24/03/2020