WB: Kinh tế Việt Nam vẫn tạm thời đứng vững trước cơn bão COVID-19
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn tạm thời đứng vững trước các cú sốc bên ngoài.
Cụ thể, trong Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương số tháng 4/2020 "Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19", các chuyên gia của WB đánh giá, nhìn theo hướng tích cực, Việt Nam vẫn tạm thời đứng vững dù có nhiều biến cố tiêu cực trong 3 tháng đầu năm cũng như đang có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tăng trưởng 8% càng khẳng định khả năng chống chịu trong điều kiện tình hình kinh tế bên ngoài ngày càng bất lợi. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%.
Có thể bạn quan tâm
Đức và Việt Nam thực hiện lâm sàng thuốc điều trị Covid-19
16:06, 31/03/2020
VCCI và World Bank đều quan tâm tới giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ dịch bệnh COVID-19
16:14, 30/03/2020
Nhịp sống kinh tế tuần 23-29/3
14:30, 29/03/2020
“Nền kinh tế GIG” và hậu COVID-19
11:00, 27/03/2020
Mặc dù vậy, triển vọng trung hạn nhìn chung thuận lợi nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh COVID-19. Dự báo mức tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 sẽ giảm xuống từ mức 6,5% xuống 4,9% trong năm 2020..
Áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời. Trong điều kiện nhiều hộ gia đình hiện nay sinh sống phụ thuộc vào lương, kể cả ở các vùng nông thôn, suy giảm trong các ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, sản xuất và chế biến có thể tạm thời làm tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, dự kiến bội chi ngân sách tạm thời tăng lên trong năm 2020 do thu ngân sách thấp hơn và do triển khai gói kích cầu tài khóa nhằm phần nào bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu với nền kinh tế trong nước. Vị thế kinh tế đối ngoại cũng được dự báo sẽ xấu đi chủ yếu do suy giảm về xuất khẩu dịch vụ (du lịch) và dòng vốn FDI đổ vào ít hơn.
Dù vậy trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm hơn nữa do các điều kiện thị trường lao động dự kiến tiếp tục thuận lợi.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia World Bank nhận định, du lịch, chế tạo và chế biến là các ngành chịu tác động tiêu cực nhất của dịch bệnh do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn cũng như có sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp vi mô. Chính vì vậy, chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp nhằm đảm bảo những gói hỗ trợ có thể đến được với những đối tượng bị tác động lớn nhất thuộc các nhóm ngành này.
Bên cạnh đó, WB cũng đưa ra khuyến nghị khi thoát ra khỏi khủng hoảng cần có gói tái kích hoạt nền kinh tế cùng các biện pháp kích thích đầu tư tư nhân. Đẩy mạnh số hóa nền kinh tế như phát triển các dịch vụ dạy học hoặc thanh toán trực tuyến, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử. Đặc biệt, chính phủ Việt Nam cần nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống y tế để có thể kích hoạt ngay trong trường hợp dịch bệnh phát sinh lần nữa.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục phải cân đối giữa hai mục tiêu, vừa duy trì ổn định vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sau những tháng áp dụng chính sách tiền tệ cẩn trọng, NHNN bắt đầu nới nhẹ chính sách vào tháng 9/2019.
Tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng, tương tự các đợt dịch bệnh trước đây. Biến động toàn cầu tăng lên càng cho thấy nhu cầu phải duy trì chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, bao gồm triển khai những cải cách cơ cấu theo kế hoạch, ví dụ như doanh nghiệp nhà nước.
Trong thời gian tới, Việt Nam có thể quản lý được những rủi ro bên ngoài bằng cách đa dạng hóa thị trường thương mại, cải thiện năng lực cạnh tranh và tuân thủ theo các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVTFA.