Đại học Kinh tế quốc dân "hiến kế" chống dịch COVID-19
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa đề xuất với Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương một số chính sách ứng phó với dịch COVID-19.
Miễn, giảm một số loại thuế cho doanh nghiệp
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19, cần giảm, miễn một số loại thuế như thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân với quy mô hợp lý, đẩy mạnh xúc tiến triển khai dịch vụ thuế điện tử eTax.
Thứ nhất, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì số thuế được giảm 50% tính trên số thuế còn lại sau khi đã trừ đi số thuế được ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời kéo dài thời gian chuyển lỗ từ 5 lên 8 năm, giãn thời gian nộp quyết toán thuế đến 30/6/2020.
Có thể bạn quan tâm
Cách ly toàn xã hội: Doanh nghiệp đối mặt 5 vấn đề để duy trì hoạt động
10:07, 04/04/2020
Chủ tịch VCCI: Mỗi doanh nghiệp là một "pháo đài", mỗi doanh nhân là một "chiến sỹ"
07:30, 04/04/2020
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TUẦN TỪ 30/3 - 4/4] "Liều thuốc giảm đau" cho nền kinh tế; Mỗi doanh nghiệp là một "pháo đài", mỗi doanh nhân là một "chiến sĩ"
05:39, 04/04/2020
[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Nhà băng cứu doanh nghiệp chính là cứu mình!
05:10, 04/04/2020
Các cá nhân và doanh nghiệp chung tay đóng góp ủng hộ từ thiện (bằng tiền và hiện vật) nhằm chống dịch COVID-19 cho các tổ chức, đơn vị được nhà nước cho phép nhận từ thiện (theo quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP) hoặc cho các bệnh viện (có chứng nhận của bệnh viện) sẽ được khấu trừ vào thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất đồ bảo hộ (găng tay, quần áo bảo hộ), trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 cần được khấu trừ toàn bộ chi phí tài sản cố định (phát sinh khi mở rộng quy mô sản xuất) vào chi phí hợp lý để giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ hai, giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa, dịch vụ gặp khó khăn, giãn nộp thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, xem xét hoàn ngay thuế giá trị gia tăng đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Với dự án đầu tư thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, rút ngắn thời gian xét hoàn từ 40 ngày xuống 20 ngày,… Doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị phòng chống dịch được hoàn 100% thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Thứ ba, miễn và giãn nộp thuế với một số trường hợp cụ thể, miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản thu nhập, trợ cấp và tiền thưởng được trả cho những người làm việc trên tuyến đầu chống đại dịch; Giãn thuế thu nhập cá nhân phải nộp chuyển tới thời kỳ cuối năm 2020; Miễn thuế nhập khẩu các hàng hóa nhập khẩu để phục vụ chống dịch hoặc nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa giúp phòng ngừa và kiểm soát COVID-19; đồng thời giãn tiền thuê đất doanh nghiệp phải nộp trong 6 tháng để doanh nghiệp dồn lực khắc phục những vấn đề do dịch bệnh tác động.
Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến triển khai dịch vụ thuế điện tử eTax. Tổng Cục thuế thay vì triển khai eTax cho 18 tỉnh, thành phố còn lại vào tháng 11 tới như dự kiến, sẽ chuyển sang thực hiện ngay trong tháng 6/2020.
Tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách
Bộ KHĐT cần có kế hoạch giải ngân chi tiết cụ thể các dự án, chương trình lớn; Ban hành tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; có thể hoãn một số chương trình đầu tư chưa quan trọng; nâng hạn mức gói thầu được cho phép chỉ định thầu, đẩy mạnh triển khai đấu thầu qua mạng.
Thứ nhất, có kế hoạch giải ngân chi tiết cụ thể các dự án lớn, quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cho phép tiếp tục giải ngân số vốn còn lại của năm 2019 đến hết tháng 6/2020. Đối với các dự án, công trình quan trọng, cấp bách nhưng chưa bố trí được nguồn vốn thì các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư và chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xử lý nguồn vốn, kể cả việc tạm ứng từ ngân sách nhà nước để thực hiện. Bên cạnh đó, tạm hoãn thu hồi các khoản vốn ngân sách nhà nước đã ứng trước kế hoạch 2020; đồng thời cho phép tiếp tục giải ngân số vốn trái phiếu Chính phủ còn lại của năm 2019 trong năm 2020 và cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư với các dự án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ đã có trong danh mục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ hai, ban hành tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Chính phủ cần tham khảo tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý đầu tư công của quỹ tiền tệ quốc tế để có những giải pháp phù hợp.
Thứ ba, tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách, ví dụ như sân bay Long Thành được đề cập trong Chỉ thị 11. Thực tế, việc đầu tư sân bay là cần thiết, tuy nhiên trong thời gian này nên chuyển các nguồn vốn này sang hỗ trợ các doanh nghiệp. Sau khi nền kinh tế hồi phục sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư dự án này.
Thứ tư, cho phép nâng hạn mức được áp dụng chỉ định thầu. Hiện nay theo Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ/CP, hạn mức gói thầu được áp dụng chỉ định thầu chỉ không quá 500 triệu đồng với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp,… Nếu có thể nâng hạn mức này lên thì đối tượng được chỉ định thầu mở rộng hơn, giải ngân vốn đầu tư nhanh hơn.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu qua mạng, giảm chi phí hành chính và tăng sự tham gia của các đơn vị trong và ngoài nước có đủ năng lực tham gia đấu thầu công khai rộng rãi.