Bình ổn giá thị lợn: (Bài 1) Ai mua được thịt lợn với giá rẻ?
Ai sẽ mua được thịt lợn với “giả rẻ” như các doanh nghiệp đã cam kết và chỉ đạo của Thủ tướng, đang là câu hỏi đi tìm đáp án được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày cách ly toàn xã hội.
Ngỡ ngàng với giá thịt lợn
Nhiều người dân, đặc biệt là những bà nội trợ cảm thấy ngỡ ngàng khi giá thịt heo vẫn còn cao ngất ngưỡng, giữ nguyên mức giá từ tháng 3, trước thời điểm các công ty chăn nuôi lớn đã cam kết với Chính phủ “đưa giá heo hơi về 70.000 đồng/kg từ ngày 14/4”.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thu Hương - Quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: Kể từ khi lệnh cách ly toàn xã hội về phòng phòng chống dịch COVID -19, chị rất hạn chế ra đường và chỉ ra để mua thực phẩm thiết yếu phục vụ cho gia đình trong những ngày này.
Sau khi nghe chương trình thời sự về việc Thủ tướng đã chỉ đạo đưa giá thịt lợn hơi xuống còn 70.000 đồng/kg, chị Hương đã quyết định đi chợ để mua thịt lợn và một số thực phẩm thiết yếu, nhưng khi ra chợ thì quá ngỡ ngàng vì giá vẫn còn khá cao, thậm chí còn nhỉnh hơn cả thời điểm Tết.
Trước những nghi ngờ trên, chị quyết định ra các cửa hàng tiện ích (co.opfood), trên đường Thống nhất, Quận Gò Vấp, TP.HCM, nhưng cuối cùng thì cũng chẳng có hy vọng gì. "Giá còn quá cao và không như những gì trên ti vi phát sóng. Một số sản phẩm mặc dù đã nằm trong chương trình “khuyến mãi” nhưng có giá vẫn khá cao" - chị Hương nói.
Dẫn chứng về vấn đề trên, chị Hương cho biết, đơn cử, giá thịt ba rọi rút xương mặc dù đã “khuyến mãi” nhưng vẫn có giá 212.500 đồng/kg, sườn non 238.500 đồng/kg (trên thực tế thì các sản phẩm này không còn để mua).
Theo giải thích của nhân viên bán hàng tại cửa hàng này thì sản phẩm đã hết nhưng vẫn đề biển khuyến mãi, cuối giờ mới tháo.
Tương tự, ghi nhận thực tế của phóng viên tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP.HCM cho thấy, giá thịt lợn cũng không giảm chút nào.
Tại siêu thị BigC Q.Tân Phú (TP.HCM), thịt sườn non heo giá 225.000 đồng/kg, ba rọi rút xương 220.000 đồng/kg, nạc vai 140.000 đồng/kg, nạc đùi heo 161.000 đồng/kg, chân giò (móng) 128.000 đồng/kg…
Đặc biệt, tại các siêu thị Co.op Mart khu vực TP.HCM, thịt heo của Vissan tăng mạnh, giá cao hơn nhiều so với siêu thị khác và so với chợ dân sinh.
Cụ thể, sườn non 280.000 đồng/kg, ba rọi thường 179.000 đồng/kg, ba rọi rút xương lên đến 250.000 đồng/kg, sườn già 145.000 đồng/kg, cốt lết 200.000 đồng/kg.
Trước Tết, thời điểm giá thịt tăng mạnh, thịt sườn non tại siêu thị Co.op Mart cao nhất là 252.000 đồng/kg.
Trong khi đó, bảng giá thịt lợn bình ổn cũng tương đương giá chợ. Thịt nạc dăm 161.000 đồng/kg, thịt vai lợn 139.000 đồng/kg, thịt đùi lợn 140.000 đồng/kg, ba rọi lợn 179.000 đồng/kg, cốt lết 138.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp kiến nghị đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá
14:42, 30/03/2020
Người tiêu dùng phải “chống đỡ” COVID-19 và... giá thịt lợn
03:30, 24/03/2020
50.000 tấn thịt lợn nhập khẩu sẽ khiến giá lợn trong nước "hạ nhiệt"
08:59, 22/03/2020
Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tăng trên 200%
00:38, 17/03/2020
Cần “giải cứu” giá thịt lợn cho người tiêu dùng
11:00, 14/02/2020
Đề xuất giảm thuế để tăng nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ
01:00, 12/02/2020
Chưa có dấu hiệu giảm giá
Tại một số doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống số lượng lớn cho các bếp ăn tập thể tại Q.1, Q.3, TP.HCM cho thấy: Bảng giá bán lẻ thịt lợn ra thị trường vẫn chưa được thay đổi từ ngày 1/4 đến nay.
Theo phản ánh của một cửa hàng trong chuỗi cửa hàng bán lẻ, giá thịt đầu vào chưa giảm, nên công ty chưa thể giảm được.
Hiện giá thịt bán dao động trong khoảng 76.000 - 180.000 đồng/kg. Trong đó, thịt ba rọi 170.000 đồng/kg, nạc xay 130.000 đồng/kg, ba rọi rút xương 175.000 đồng/kg, ba rọi 150.000 đồng/kg, nạc lưng 132.000 đồng/kg, cốt lết 130.000 đồng/kg
Đáng chú ý, ngày 31/3/2020, cam kết với Chính phủ tại cuộc họp, các công ty chăn nuôi như GreenFarm Asia, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Dabac ở Việt Nam, Công ty TNHH Dinh dưỡng Quốc tế Việt Đức đã có văn bản thông báo đưa giá lợn hơi thương phẩm xuất chuồng về mức 70.000 đồng/kg; Các công ty như Japfa, Hòa Phát, CP Nông nghiệp BAF cũng tương tự.
Tuy nhiên, thực tế trên thị trường thì giá thịt lợn lại khác hoàn toàn với chỉ đạo của Thủ tướng. Tính bình quân chênh lệch giữa giá thịt lợn (hơi) và thịt lợn (cân móc, thịt thành phẩm) như cam kết đang cao hơn gấp 2, thậm chí gấp 3 – 4 lần là ngoài sức tưởng tượng.
Như vây, rõ ràng giá thịt lợn trên thị trường từ chợ đến siêu thị hoàn toàn chưa có dấu hiệu giảm giá như kỳ vọng mà một số cơ quan báo chí đã phát đi thông tin từ cơ quan quản lý Nhà nước, khiến người dân thất vọng.
Điều đáng nói, đây là ngày thứ 6 mà các doanh nghiệp đã cam kết đưa giá thịt heo về đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Và trên thực tế thì những cam kết này chỉ dừng lại và thực hiện theo kiểu “gõ trống, đánh chuông”, việc ai đó làm.
Ai chịu trách nhiệm khi người dân vẫn phải mua thịt lợn với giá cao? Ai là người quản lý và kiểm soát giá bán tại các siêu thị, chợ, các cửa hàng tiện ích…? Xem ra vẫn còn là câu hỏi khó, và đau đầu không chỉ dành cho lực lượng quản lý Nhà nước đã được phân vai rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ. Mà còn làm thêm đau đầu cho nhiều ngành chức năng khác, đang phải cố gắng, miệt mài ngày đêm thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội mà Thủ tướng đã chỉ đạo.
>>> Mời độc giả đón đọc Bài 2: Lực lượng Quản lý thị trường đang ở đâu?