Doanh nghiệp điện gió cần chính sách "khơi thông" đường tải

Phương Thanh 07/04/2020 04:00

Mặc dù bị ảnh hưởng từ COVID-19, ngành điện gió vẫn đang nỗ lực tăng tốc, thực hiện hoá mục tiêu đưa hàng tỷ kWh điện mỗi năm, đấu nối vào lưới điện quốc gia...

fs

Nhiều nhà đầu tư kiến nghị EVN cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án truyền tải đồng bộ với các dự án điện gió tránh việc quá tải như điện mặt trời...

Nhiều nhà đầu tư kiến nghị EVN cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án truyền tải đồng bộ với các dự án điện gió tránh việc quá tải như điện mặt trời...

Với sự phát triển ngày càng cao của xã hội thì nhu cầu về điện tiêu dùng và sản xuất ngày càng tăng. Những năm qua, các nguồn điện như nhiệt điện, thủy điện, điện khí… đã bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng lớn đến xã hội và môi trường.

Nhưng vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp điện gió trong nước đang ngày càng phát triển, cụ thể tại các tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ như; Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên... đã bắt đầu hình thành các dự án điện gió tiềm năng, hứa hẹn đóng góp khối lượng "điện sạch" lớn vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, nếu có chính sách tốt cùng với các điều khoản chặt chẽ, minh bạch thì Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia thuộc tốp đầu ASEAN có bước phát triển vượt bậc về ngành năng lượng tái tạo.

Tín hiệu mừng

Theo thống kê của Ban Thị trường điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đầu năm 2020, ngoài 9 dự án điện gió đã được cấp chứng nhận vận hành thương mại còn có 31 dự án với tổng công suất 1.645 MW đã ký hợp đồng mua bán điện. Ngoài ra, khoảng 60 dự án đã bổ sung quy hoạch đến năm 2025 với tổng công suất khoảng 2.700 MW.

Theo đó, vào giữa quý I năm 2020, hai nhà đầu tư doanh nghiệp FDI là Công ty Janakuasa Pte Ltd (Singapore) và Công ty CP Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh tổ chức lễ động thổ Dự án Nhà máy Điện gió Hiệp Thạnh công suất 78 MW tại tỉnh Trà Vinh.

Chủ tịch Công ty CP Năng lượng tái tạo Ecotech, ông Ti Chee Liang cho biết: Dự án có vốn đầu tư gần 3.400 tỉ đồng, sử dụng gần 2.800 ha mặt đất và mặt nước, sản lượng 300 triệu KWh điện/năm. Với tốc độ triển khai khả thi của dự án, chủ đầu tư đặt tham vọng tới đầu năm 2021 sẽ đưa các tua-bin gió đầu tiên vào hoạt động và hoàn thành toàn bộ dự án vào giữa năm 2021.

Cũng vào đầu tháng 3/2020 Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng đã khởi công một dự án điện gió khác tại thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng với quy mô 129 MW và Công ty TNHH BPP Vĩnh Châu Wind Power cũng khởi công xây dựng nhà máy Điện gió số 3 tại tỉnh Sóc Trăng với công suất giai đoạn I là 29,4 MW có tổng mức đầu tư 1.365 tỉ đồng.

Trước đó, Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam đã đưa vào vận hành giai đoạn 2 dự án điện gió với công suất 64 MW, sản lượng khai thác đạt 182 triệu kWh/năm, bao gồm 16 trụ gió, công suất mỗi trụ 4 MW tại xã Bắc Phong, H.Thuận Bắc, Tỉnh Ninh Thuận.

Đại diện Trungnam Group cho biết, Tổ hợp năng lượng tái tạo xây dựng này có tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng và điện mặt trời có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, được đấu nối trực tiếp với hệ thống điện quốc gia qua Trạm biến áp 220KV Tháp Chàm. Hàng năm tổng sản lượng khai thác của tổ hợp năng lượng điện gió, điện mặt trời Trung Nam đạt khoảng 950 triệu đến 1 tỷ kWh điện mỗi năm. Đây là tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này.

Theo ông Scott Powers, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Công ty Siemens Gamesa Renewable Enegry Vietnam - đơn vị cung cấp thiết bị cho các dự án điện gió tại Việt Nam, Chính phủ cho phép tính mức giá 9,8 cent/KWh cho dự án điện gió ngoài khơi và 8,5 cent/KWh cho dự án trên bờ, được đánh giá là khá tiềm năng cho thị trường điện gió Việt Nam.

Cần cơ chế tốt

Tuy nhiên trước những kết quả và tình hình khả quan trên, ông Phạm Minh Tuấn - PTGĐ điều hành BAMBOO CAPITAL GROUP (BCG) cho biết, hiện Luật Quy hoạch tại Việt Nam còn nhiều bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đầu tư dự án năng lượng tái tạo. Chẳng hạn như Luật Quy hoạch còn nhiều điều khoản chồng chéo, vướng mắc lẫn nhau, trong đó quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng lại không đồng nhất với quy hoạch tại địa phương và quy hoạch ngành...

Đặc biệt, Luật Quy hoạch sửa đổi mới đây cũng chưa xác định rõ phạm vi nguồn và lưới điện được tích hợp trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch tỉnh, điều này đã gây khó khăn cho việc thẩm định, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, nhất là đối với các dự án nguồn điện có công suất đến 50MW và lưới điện cấp điện áp 110kV trở xuống.

"Do đó, các cơ quan quản lý phải sớm có phương án để bổ sung, điều chỉnh những điều khoản tại Luật Quy hoạch phù hợp hơn với Quy hoạch ngành trong thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực điện sạch" - ông Phạm Minh Tuấn nói.

Trong đó nhiều nhà đầu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Nông Lâm Đồng, cũng kiến nghị EVN cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án truyền tải đồng bộ với các dự án điện gió tránh việc quá tải như điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vừa qua, đồng thời cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch phù hợp tại các địa phương.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng vấn đề truyền tải cần được Nhà nước can thiệp kịp thời. Vì sự mất đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió vừa qua đã gây ra các điểm nghẽn về truyền tải, các doanh nghiệp phải giảm 30-40% hoặc hơn công suất. Điều này gây thất thoát làm giảm khả năng cung cấp của các nguồn năng lượng tái tạo, giảm lòng tin và động lực đối với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió cho rằng, các bộ ngành đã đùn đẩy cho nhau, trong đó có sự tồn tại độc quyền của EVN nên chưa đưa ra được phương án điều phối, khơi thông lưới tải, chưa có sự quy hoạch đồng bộ từ phát điện đến truyền tải điện, khiến các nhà đầu tư phải cắt giảm công suất, gây lãng phí và khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng.

Ủng hộ mục tiêu xã hội hoá vào lưới điện truyền tải, các chuyên gia cho rằng, vướng mắc hiện nay là Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, trong khi truyền tải gồm đầu tư, quản lý vận hành. Do đó, cần có Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội để làm rõ hơn khái niệm độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải, theo đó Bộ Công Thương cũng cần đề xuất, giải thích độc quyền Nhà nước là độc quyền quản lý, vận hành còn đầu tư cho phép xã hội hoá.

Do đó nhằm góp phần đáng kể trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia, giảm thải các tác nhân gây ô nhiêm môi trường từ nhiệt điện, thì cần có chính sách thông thoáng giúp ngành năng lượng tái tạo trong nước phát triển, góp phần đưa Việt Nam sớm thuộc nhóm nước dẫn đầu khu vực về lĩnh vực điện gió.

Phương Thanh