Giá thịt lợn "cố thủ" ở mức cao: 3 Bộ giải quyết cách nào?

Sông Hàn 09/04/2020 05:00

Mặc dù giá lợn hơi đã được các doanh nghiệp lớn điều chỉnh, nhưng trên thực tế giá vẫn đắt, cao hơn cả thời điểm chưa có dịch COVID-19.

Hình ảnh được ghi nhận tại cửa hàng tiện ích (co.opfood), trên đường Thống nhất, Quận Gò Vấp, TP.HCM: Giá thịt ba rọi rút xương mặc dù đã “khuyến mãi” nhưng vẫn có giá 212.500 đồng/kg, sườn non 238.500 đồng/kg (trên thực tế thì các sản phẩm này không còn để mua).

Hình ảnh được ghi nhận tại cửa hàng tiện ích (co.opfood), trên đường Thống nhất, Quận Gò Vấp, TP.HCM: Giá thịt ba rọi rút xương mặc dù đã “khuyến mãi” nhưng vẫn có giá 212.500 đồng/kg, sườn non 238.500 đồng/kg (trên thực tế thì các sản phẩm này không còn để mua).

Bên lề cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp ứng phó nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 7/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lý giải nguyên nhân vì sao giá thịt lợn vẫn cao trong khi giá lợn hơi xuất chuồng được các doanh nghiệp điều chỉnh xuống 70.000 đồng/kg.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, về giá thịt lợn cao, nguyên nhân thứ nhất là do chăn nuôi hiện tại chưa đủ sản lượng phục vụ nhu cầu thị trường. Thống kê trước khi có dịch tả lợn châu Phi, mỗi quý thị trường cần tới 910.000 tấn nhưng vừa qua chỉ đạt 820.000 – 830.000 tấn.

Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn hiện trong bối cảnh vẫn còn dịch tả lợn châu Phi nên chi phí phòng dịch bệnh, đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học chống dịch khiến giá thành cũng cao hơn so với trước đây.

Cũng theo ông Cường, để điều tiết thị trường thịt lợn, Bộ NN-PTNT đã làm việc với 15 doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi bàn các giải pháp hạ giá. Bắt đầu từ ngày 1/4, các doanh nghiệp này đồng loạt hạ giá lợn hơi xuất chuồng đồng đều ở mức 70.000 đồng/kg. Nhưng số lượng lợn ở những doanh nghiệp này chưa đủ lớn, dẫn đến chưa đủ sức chi phối thị trường.

Mặt khác, lợn được giết mổ chủ yếu ở các cơ sở nhỏ lẻ, lưu thông qua nhiều kênh phân phối nhỏ lẻ, khiến người dân chưa thể tiêu dùng thịt lợn với mức giá thấp như chúng ta mong muốn. 

Có thể bạn quan tâm

  • Bình ổn giá thị lợn: (Bài 1) Ai mua được thịt lợn với giá rẻ?

    11:00, 06/04/2020

  • Doanh nghiệp kiến nghị đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá

    14:42, 30/03/2020

  • Người tiêu dùng phải “chống đỡ” COVID-19 và... giá thịt lợn

    03:30, 24/03/2020

  • 50.000 tấn thịt lợn nhập khẩu sẽ khiến giá lợn trong nước "hạ nhiệt"

    08:59, 22/03/2020

  • Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tăng trên 200%

    00:38, 17/03/2020

  • Đề xuất giảm thuế để tăng nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ

    01:00, 12/02/2020

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: CPI “bất thường” do thịt lợn neo ở giá cao

    17:01, 02/02/2020

Những tính toán cho thấy, giá sản xuất hiện khoảng dưới 50.000 đồng/kg. Khi đưa ra mức giá mục tiêu 70.000 đồng/kg, Chính phủ, Bộ NNPTNT đã tính toán để đảm bảo mỗi tạ lợn, người dân đã có lãi 2 triệu đồng. Song song, mặt hàng thịt lợn cơ bản chiếm gần 60% trong cơ cấu rổ thực phẩm nên giá tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, vấn đề lạm phát.

Có thể nói, giá lợn hơi cao dẫn đến giá thịt trên thị trường khó giảm, “gây khó” cho người tiêu dùng trong mùa dịch. Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng cần sự chia sẻ từ các doanh nghiệp, nhà trung gian kinh doanh trong việc giảm giá thành của thịt lợn, giúp người tiêu dùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Một vấn đề được đặt ra ở đây là: Có nên bình ổn giá mặt hàng thịt lợn? Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nên đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá nếu Chính phủ muốn thực sự kiểm soát và không cho tăng giá quá mức mặt hàng này.

Còn nhớ, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần kiên quyết đưa giá thịt lợn xuống trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.

Hoặc, hồi giữa tháng 3, tại một hội nghị liên quan đến ngành chăn nuôi lợn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hạ giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đồng/kg. Bởi, ông cho rằng, mức giá 75.000 đồng/kg như hiện tại thì lãi quá cao, dư địa giảm vẫn còn. Song, bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, giá thịt lợn hơi xuất chuồng dịp này vẫn cố thủ ở mức cao.

Dù chưa cao đến mức gọi là sốt, là khủng hoảng, nhưng sự chênh lệch giữa giá cam kết, giá mục tiêu và giá thực tế, lại đang cho thấy câu chuyện hiệu quả quản lý nhà nước khi tồn tại một thứ “giá trên giấy” và “giá thực tế”. Tức là, nói như người dân thì giữa “giá tivi” - giá mà cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cam kết và giá ngoài chợ là hoàn toàn khác nhau.

Từ câu chuyện ngành chăn nuôi lợn phải giải cứu hàng loạt, cho đến giá thịt lợn cao “treo lơ lửng” trên đầu nguời tiêu dùng nhưng lợi nhuận của người nông dân trực tiếp sản xuất lại không cao. Những vấn đề hiện hữu này không phải lỗi thuộc về bà con nông dân. Mà nói thẳng ra, vấn đề chỉ đạo, quy hoạch của Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp các cấp có một phần trách nhiệm.

Trong thời điểm dịch COVID-19, mọi vấn đề kinh tế xã hội đều bị ảnh hưởng, và mặt hàng chiếm gần 60% trong cơ cấu rổ thực phẩm của người dân vẫn “cố thủ” ở mức cao là điều khó chấp nhận được.

Ai giải cứu người tiêu dùng lúc này và có nên bình ổn mặt hàng thịt lợn hay không? Ai chịu trách nhiệm khi người tiêu dùng phải mua thịt lợn với giá cao? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan, cụ thể là 3 Bộ: Bộ NN&PTNT, Công thương, Tài chính nên sớm giải quyết, thực hiện nghiêm túc về đảm bảo cân đối cung cầu và kiểm soát giá thịt lợn để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội ở thời điểm khó khăn nhất mà dịch họa COVID-19 đang mang lại.

Sông Hàn