[KINH TẾ HẬU COVID-19] Lựa chọn "bệ đỡ" nền kinh tế sau đại dịch 

Hoài Bắc 10/04/2020 08:00

LTS: Hôm nay (10/4), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để tìm các giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề định hình lại mô hình kinh tế Việt Nam hậu dịch COVID-19 cũng là yêu cầu được đặc biệt quan tâm. 

 Nông nghiệp công nghệ cao sẽ “bệ đỡ” sau đại dịch.

Nông nghiệp công nghệ cao sẽ “bệ đỡ” sau đại dịch.

Thời gian này vô cùng quan trọng để Việt Nam điều chỉnh lại các chính sách đã được thông qua trước đó, nhằm phù hợp với diễn biến của đất nước và thế giới, trước diễn biến của đại dịch.

Dự báo và kế hoạch cho việc phát triển kinh tế Việt Nam và hầu hết các quốc gia vùng lãnh thổ đã bị đảo chiều. Bức tranh kinh tế 2020 – 2025 với gam mầu tươi sáng đã chuyển sang mầu tối, không chỉ về kinh tế mà còn hệ luỵ đến tâm, sinh lý con người khi thực hiện chỉ thị cách ly xã hội thời gian dài. Nếu Việt Nam không thay đổi cách nhìn và có chính sách phù hợp thì kinh tế Việt Nam sẽ khó có cơ hội khắc phục nhanh và mạnh.

Bối cảnh

Chính phủ Đài Loan đã hỗ trợ về vốn với lãi suất 0% để các doanh nghiệp trong nước tập trung đầu tư thiết bị, dây chuyền, gia công sản xuất Chip Set cung cấp cho toàn thế giới.

Việt Nam và Thế giới đã ngấm đòn cực mạnh và cực đau của đại dịch COVID-19. Với nền kinh tế còn nghèo, mỏng và thặng dư ngân sách trong quốc khố chỉ khoảng hơn 75 tỷ USD. Tăng trưởng quốc nội (GDP) năm 2019 đạt 267 tỷ USD.

Nhưng vào thời điểm hiện tại Việt Nam đã phải chi ra theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hơn 62 ngàn tỷ đồng tương đương gần 3 tỷ USD để hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội và còn hàng chục tỷ USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong kinh doanh sản xuất như: Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thu thuế tài nguyên, giảm nợ lãi ngân hàng, thất thu bảo hiểm xã hội và Y tế… số tiền này ước tính cũng lên tới nhiều chục tỷ USD.

Đặc biệt các Tập đoàn và tổng công ty do Nhà nước quản lý đang báo lỗ, sụt giảm doanh thu với con số kinh khủng hàng tỷ USD. Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và doanh nghiệp nhà nước đều gặp khó khăn chưa từng có tiền lệ. Dòng vốn quan trọng để đầu tư trung hạn và dài hạn là thị trường chứng khoán giảm 30% -35% so với trung tuần tháng 12/2019. Đứng trước diễn biếp phức tạp và xấu đi bằng con số biết nói, cân đo, đong đếm được ta thấy mức độ nguy hiểm của nó. Chính phủ các nước trong đó có Việt Nam đã phải bơm ra thị trường hơn 5.000 tỷ USD và còn tăng cao hơn nữa để hỗ trợ người dân và cứu vãn thị trường.

Dòng vốn cho đầu tư trong nước thông qua Thị trường chứng khoán đã giảm hơn 30% so với tháng 12/2019. Tỷ giá USD biến động theo chiều tăng lên từng ngày. Giá dầu thô giảm kỷ lục chỉ còn 20USD/thùng so với giá khai thác của Việt Nam gần 50USD/thùng. Đầu tư nước ngoài FDI thấp kỷ lục theo báo cáo đã giảm 35%, có dấu hiệu thoái vốn và chững lại.

Dòng tiền kiều hối năm nay theo dự đoán của tôi sẽ không đạt 5 tỷ USD (17 tỷ USD năm 2019). Nguồn tiền này hỗ trợ cho cán cân thanh toán ngoại hối cực kỳ quan trọng cho kinh tế Việt Nam nhiều năm qua.

Quả bom nợ công của Việt Nam và Thế giới đang hiện hữu và rơi xuống với tốc độ rất nhanh và khó kiểm soát. Quả bom này sẽ bùng nổ và nổ ra thời điểm nào cũng chưa có ai đoán định trước được. Chỉ khẳng định rằng lực sát thương của nó lên toàn bộ thế giới là rất lớn, mạnh hơn cả thời đại khủng hoảng kinh tế năm 1930 và mạnh hơn cả đại suy thoái kinh tế sau chiến thế giới lần thứ 2 năm 1945. Nạn đói sẽ xẩy ra trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn tới bạo động, tệ nạn xã hội vì đói ăn và thấp nghiệp. Ngòi nổ bùng phát chiến tranh cục bộ truyền thống và phi truyền thống trên nhiều quốc gia.

Giải pháp

Đứng trước tình hình đó đặt ra cho các nhà lãnh đạo Việt Nam phải có tầm nhìn xuyên suốt và chuẩn xác không chỉ 6 tháng hay 1 năm. Tầm nhìn này ít nhất là 3-5 năm để cần và đủ thời gian thực hiện phương án: Khôi phục - Bình ổn - Tăng trưởng. Với thành quả trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 nhiều khả năng dịch bệnh sẽ được đẩy lui và tiêu trừ thời gian sớm nhất là hết tháng 6/2020.

Tiếp theo đó, sản xuất muốn ổn định cần là 9 tháng (tháng 4/2021) ta muốn nhanh cũng không được bởi nguyên vật liệu và thiết bị chúng ta phải nhập khẩu đến hơn 80%. Và đặc biệt, để tăng trưởng kinh tế thì nhà máy hãng xưởng phải tái đầu tư, mở rộng, các dòng vốn phải được phát huy tối đa mới tạo công ăn, việc làm cho người lao động là thời gian bản lề cho phát triển và hội nhập thị trường toàn cầu. Với nhân lực dồi dào và tinh thần quyết vươn lên của 100 triệu dân thì chúng ta tăng trưởng rất nhanh và chỉ cần 12 tháng sau khi bình ổn.

Về an ninh lương thực: Đất nước đã có vựa lúa của Đồng bằng Sông Cửu Long và hỗ trợ từ Đồng bằng Bắc Bộ. Với giống mới và áp dụng công nghệ nuôi trồng tiên tiến, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân cho dù có ngưng trệ sản xuất. Tuy nhiên, Chính phủ cần có chính sách để làm hài hoà lợi ích cho các thành phần tham gia vào chuỗi cung ứng này. Nhưng tuyệt đối không vì lý do gì mà “tham bát bỏ mâm” xuất khẩu ồ ạt khi thấy giá lương thực trên khu vực và thế giới lên cao, lợi sẽ bất cập hại.

Về an toàn đầu tư: Công bằng mà nói kinh tế của Việt Nam sau 30 năm đổi mới dòng vốn FDI là cực kỳ quan trọng góp phần rất lớn cho sự thành công của Việt Nam ngày hôm nay. Với thực tại như trên, nhưng chính sách đầu tư của Việt Nam ngày càng khó khăn hơn, luật chồng chéo, chính sách thay đổi liên tục, các dự án có vốn đầu tư lớn muốn được triển khai đầu tư phải mất nhiều năm, nhiều tháng mới được chấp thuận… Để giải quyết vấn nạn này. Chính phủ cũng nên kích hoạt chính sách đầu tư như thời chiến và không hồi tố chính sách được áp dụng trong giai đoạn nhạy cảm này.

Về công nghiệp sản xuất và phụ trợ: Cần xác định những gì mà các hãng, các nhà máy lớn của thế giới cần và Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ sản xuất này. Nhiều năm qua chúng ta bế tắc trong việc ngành gì, mặt hàng nào là chiến lược cốt lõi, dẫn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ không biết làm gì, làm từ đâu và làm thế nào? Trách nhiệm này thuộc về các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ để có quyết định chính xác dẫn dắt doanh nghiệp thực hiện.

Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần ngay những chính sách đột phá, tạo cú hích mạnh cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định sau đại dịch.

Hoài Bắc