[GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19] Mặt trận kinh tế đang chờ để có thể bật lên như “lò xo bị nén lại”
Hôm nay (10/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp ứng phó tổng thể với những tác động từ dịch COVID-19.
Thực tế, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của của Việt Nam cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%) nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, chuỗi cung ứng và lưu chuyên thương mại bị gián đoạn. Đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Báo cáo mới đây của Bộ KH&ĐT cho thấy, dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Trong đó nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.
Theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô. 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc. 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc và 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc.
Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Bối cảnh suy thoái thậm chí còn được nhìn nhận nặng nề hơn cả khủng hoảng tài chính năm 2008. Chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.
Quyết tâm vực dậy nền kinh tế, Việt Nam cũng đã có nhiều quyết tâm, các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực đã được đưa ra.
Ngay trước thềm Hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường và nhất trí cao với sự cần thiết của việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ.
Chính phủ cũng liên tiếp ban hành các Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực thi luật; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành, 8/4/2020, một chính sách hết sức có ý nghĩa với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.
Với 4 nội dung chính là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, sau Hội nghị, sẽ có sản phẩm là một Nghị quyết hay một văn bản để thúc đẩy vấn đề này.
Như vậy, trong khi nhiều quốc gia đang lúng túng với các giải pháp thì ngay khi dịch bệnh mới bắt đầu ở Vũ Hán, Việt Nam đã xác định rõ những mục tiêu của mình. Chính phủ khẳng định rõ: An toàn người dân là trên hết, thậm chí có thể hi sinh tăng trưởng kinh tế. Quan điểm hết sức quyết liệt và rõ ràng ngay từ đầu.
Việt Nam được đánh giá là có sự điều phối nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Hôm 16/3, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11 đưa ra những giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình dịch bệnh phức tạp.
Trọng tâm của Chỉ thị là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng. Chính sách tài khoá thì nhiều doanh nghiệp, người dân biết rồi, đã triển khai từ cuối tháng 2, tập trung vào giãn, hoãn nợ, chậm các khoản phải nộp như BHXH... thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Có thể bạn quan tâm
"Luồng gió mới" giúp khởi động thời kỳ vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch
15:24, 09/04/2020
Sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về các giải pháp ứng phó COVID-19
00:34, 10/04/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được chủ quan, mất cảnh giác với COVID-19 như tình trạng ở một số nước
19:14, 09/04/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không bắt doanh nghiệp phải trả nợ trong bối cảnh khó khăn
21:02, 08/04/2020
TS. Vũ Tiến Lộc: Kinh doanh an toàn để sống chung với dịch
06:35, 10/04/2020
TS. Vũ Tiến Lộc: Cần thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác đặc biệt để trợ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
15:00, 09/04/2020
Với chính sách tiền tệ thì hôm 17/3, NHNN đã công bố những quyết định quan trọng về lãi suất. Trong đó, tất cả lãi suất điều hành đã được giảm cùng một lúc như lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng VNĐ được giảm 0,5%/năm; Các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, vay vốn qua đêm trong thanh toán điện tử giữa các NHTM với nhau hay cho vay bù đắp thiếu hụt vốn giữa NHNN và NHTM đã giảm 1%/năm.
Những điều chỉnh này được đánh giá là vẫn phù hợp với chính sách tiền tệ cẩn trọng của Việt Nam. Tức là sử dụng và huy động những nguồn vốn có sẵn trong nền kinh tế mà không phải bơm tiền.
GS. TS. Nguyễn Đức Khương, PGĐ phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris), & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đánh giá: “Việt nam đã không tung ra một gói kích cầu như những năm 2007 – 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Điều này tạo ra sự cộng hưởng nhịp nhàng với giải pháp tài khoá đã được thực hiện tạo được niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư, trong đó Chính phủ vẫn thể hiện vai trò chủ động trong kiến tạo môi trường, điều tiết vĩ mô”.
Mặc dù vậy, việc triển khai cụ thể trong thời gian tới các chính sách này vẫn là mối quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và mọi chủ thể trong nền kinh tế. Doanh nghiệp kỳ vọng, “Hội nghị Diên Hồng” hôm nay sẽ khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19.
Hàng chục triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang chờ đợi các chính sách hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống, mặt trận kinh tế đang chờ để có thể bật lên như “lò xo bị nén lại”.