[GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19] Điều quan trọng nhất là kịch bản sau dịch sớm đi vào thực thi
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc sớm chuẩn bị kịch bản với các giải pháp vực dậy nền kinh tế sau dịch là quan trọng và cần thiết.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 diễn ra sáng nay (10/4); Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dịch COVID-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Không thể đứng ngoài hoặc đi sau “cuộc chơi”
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho rằng cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới theo hướng tích cực qua đại dịch COVID-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng, mạng sản xuất bị đứt gãy.
Theo đó, các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư...) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Đây là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay, bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc về dịch bệnh toàn cầu; hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp tòa cầu và khu vực trong xử lý các cú sốc kiểu COVID-19.
Như vậy, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để có các quyết sách đúng đắn và kịp thời. Theo đó, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh... nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch (dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh). Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra.
Trong bối cảnh như vậy, theo Bộ trưởng, nhiều quốc gia đã thực hiện nhiều giải pháp, với ưu tiên cao nhất là kiểm soát và “dập” dịch sớm nhất có thể; đồng thời, triển khai khẩn cấp các giải pháp mạnh để giảm thiểu tác động của dịch và sớm chuẩn bị các giải pháp “bắc cầu” giữa giai đoạn “trong dịch” và “hậu dịch” để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Quốc gia nào càng kết thúc dịch sớm, càng chuẩn bị sớm các điều kiện phục hồi thì sẽ càng nắm bắt được cơ hội để thay đổi và phát triển theo xu hướng chung là tập trung vào thị trường trong nước trước để tạo lực rồi mới vươn ra thị trường nước ngoài.
“Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến Quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Kịch bản ‘vực dậy’ nền kinh tế cần sớm đi vào cuộc sống
Trước Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo đó, tập trung vào 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.
Các mục tiêu các chính sách bao trùm và nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống gồm 04 đối tượng: người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trao đổi với DDDN trước Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở 06 quan điểm của Chính phủ Việt Nam là: Xây dựng và tổ chức thực hiện ngay các chính sách; kịp thời hỗ trợ cuộc sống người lao động, người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là một chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân. Chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách trong bối cảnh dịch COVID-19 là trách nhiệm của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và sự tham gia của toàn xã hội.
Đối tượng hỗ trợ là người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch.Tiêu chí, cách làm phải đơn giản, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện và dễ quản lý, giám sát. Tăng cường phân cấp cho địa phương trong tổ chức thực hiện và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và nền tảng số để triển khai.
Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chính sách hỗ trợ phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay chưa có chính sách nào của Nhà nước hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc nhóm yếu thế, người khuyết tật. Một số nhà tài trợ gặp khó khăn kinh tế do dịch COVID-19 đã thông báo rút các khoản hỗ trợ thường xuyên như gạo, đi lại...đã khiến nhiều người khuyết tật, yếu thế cảm thấy mình như đang bị xã hội bỏ rơi.
Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tín dụng (như tín dụng từ các ngân hàng chính sách, gói tín dụng ưu đãi) và khuyến khích người sử dụng lao động chi trả đủ lương theo đúng quy định cho người lao động có hợp đồng ký kết nhưng bị ngừng việc. Việc này giúp doanh nghiệp duy trì lực lượng lao động, sẵn sàng hoạt động bình thường trở lại khi dịch kết thúc, giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo lại lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng trả lương (kể cả trong trường hợp sau khi được vay ưu đãi nêu trên), khuyến khích họ cam kết hoặc thỏa thuận với người lao động tạm ngừng, tạm hoãn hợp đồng và không hưởng lương, không đuổi việc người lao động. Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cuộc sống cho người lao động, khi có điều kiện, người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay.
Hỗ trợ hộ kinh doanh và người lao động phi chính thức có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động của các biện pháp cách ly, hạn chế đi lại, để bảo đảm an sinh cuộc sống. Góp phần duy trì tổng cung và tổng cầu cho nền kinh tế.
Về các việc cần làm, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước tiên, cần kiểm soát dịch thành công, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, qua đó củng cố thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước; nâng cao uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiếp theo, cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế - xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi.
Dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhưng ở một góc độ khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đó chính là “cơ hội” cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.
“Cần hình thành sớm các kịch bản ‘vực dậy’ nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Phải tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.