[KINH TẾ HẬU COVID-19] Vấn đề thiết thân của kinh tế hậu COVID-19
Sau dịch bệnh, mọi quan hệ từ bên ngoài, các mối bang giao kinh tế và bạn hàng đều sẽ có những thay đổi nhất định. Chúng ta cũng sẽ phải thay đổi để hồi phục, thích ứng, vươn lên.
Kinh tế thế giới và bất cứ ở đâu được định hình bởi 2 mối quan hệ: Sự dịch chuyển con người đi lại, làm ăn, giải trí, học tập; và 2 là sự cung ứng hàng hoá sản phẩm, dịch vụ cho con người. Bây giờ cách con người đi lại, giao dịch với nhau đang và sẽ thay đổi rất sâu. Dẫn đến sự cung ứng sản phẩm dịch vụ cũng sẽ thay đổi.
Điều này dẫn tới sự định hình lại cho một mô hình kinh tế mới. Vậy quốc gia, doanh nghiệp sẽ phải định vị mình ở đâu để thích nghi với mô hình kinh tế mới, và phù hợp với vị thế, với lĩnh vực kinh doanh của mình?
Tự chủ động cho hồi phục
Vào lúc này, không thể phủ nhận là kinh tế đã khó khăn, có phần tổn thương do dịch. Ngay những công ty lớn tầm cỡ cũng kiệt quệ. Khi hồi phục, các công ty này cũng sẽ tiếp tục khó khăn khi các nhà thầu phụ, nhà cung ứng trong chuỗi/hệ sinh thái đã đuối sức, thậm chí phá sản.
Như được biết, nhóm DN SMEs đóng góp trên 45% GDP của nền kinh tế. Nhóm này sử dụng lực lượng lao động rất lớn và nếu dịch bệnh kéo dài, họ rất khó tồn tại để cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn hơn. Tất cả chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự chặn dòng chu chuyển hàng hóa và con người trong nền kinh tế do Covid-19 gây ra, khiến hệ quả chung kéo dài và trầm trọng.
Về phía Nhà nước, nếu xem Nhà nước là một doanh nghiệp lớn nhất, thì đây cũng là “doanh nghiệp” đang thấm khó khăn, do dòng thu giảm, chi nhiều hơn bao gồm miễn giảm thuế phí, dịch vụ công và gia tăng các gói hỗ trợ.
Ở trên bình diện chung, từ Nhà nước, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ đều khó khăn nhất định. Do đó, nếu tình hình tốt hơn, chúng ta vẫn phải xác định sức bật cả nước sẽ rất yếu.
Phía bên ngoài, dịch nạn nay đã lan rộng toàn cầu. Ai cũng sẽ có nỗi lo của họ. Các quốc gia lớn trong khó khăn vẫn có trách nhiệm với bạn hàng và cộng đồng các quốc gia nhỏ hơn thông qua các gói hỗ trợ. Nhưng sẽ không đáng kể để chúng ta dựa dẫm vào đó. Tính toán để trông đợi các dòng vốn nhằm hồi phục và kích thích nền kinh tế sớm tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, sẽ không thể hiệu quả cho bằng tự chủ động cho phục hồi. Sự chủ động này là nan đề khó, trong hoàn cảnh khó khăn nhất mà chưa ai trong thế hệ này có kinh nghiệm, đã trải qua, để xử lý.
Có thể bạn quan tâm
[GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19] Không được để đồng tiền của người dân đi "lạc đường"
13:16, 10/04/2020
[GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19] Thủ tướng yêu cầu có các kịch bản phục hồi kinh tế sau dịch trong tuần tới
12:30, 10/04/2020
[GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19] Đảm bảo ổn định tỷ giá, tiếp tục giảm lãi suất cho vay
12:00, 10/04/2020
[GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19] Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15-17%
11:18, 10/04/2020
Linh hoạt thích ứng môi trường, hệ sinh thái mới
Thay đổi của thế giới bên ngoài đặc biệt trong các mối quan hệ song phương và đa phương của các quốc gia, sẽ khiến mối quan hệ song phương và đa phương của Việt Nam với các bạn hàng, các nền kinh tế, cũng phải thay đổi. Chúng ta một mặt xác định thế mình ở vị trí như thế nào để có giá trị cạnh tranh với các bạn hàng. Mặt khác, đặt mình trong sự thay đổi mô hình thế giới với tầm nhìn ít nhất 5 năm, từ đó truy ngược lại, mà xây dựng chiến lược thích nghi và định hình mới.
Đáng nói là hiện nay chúng ta chưa thể nhận diện được thay đổi đó ra sao, bởi dịch bệnh vẫn phức tạp mỗi ngày và các nền kinh tế chưa thể ổn định. Cách người ta sống, làm ăn với nhau trong tương lai ra sao cũng chưa thể rõ ràng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam luôn linh hoạt, dễ thích nghi với mọi điều kiện. Hơn 30 năm trước, thời đất nước đổi mới, doanh nhân Việt cũng không biết chuyện gì đang xảy ra. Họ đứng trước một tương lai không thấy được, và không biết cần phải làm ăn ra sao để tốt. Nhưng chỉ trong 10 năm sau, thì doanh nhân Việt đã thích nghi và ngày càng phát triển hơn. Sự thích nghi này trước hết được đến từ động lực chính là nguồn năng lượng trong dân, là khao khát muốn làm ăn muốn vượt nghèo nên bắt buộc phải sáng tạo.
Cái khó của bây giờ là xã hội tuy khó khăn hơn, dịch bệnh khiến nhiều thành phần kiệt quệ nhưng động lực thoát nghèo của nhiều bộ phận giảm đi. Động lực “thoát nghèo có thể không còn như hơn 30 năm trước.
Song chúng ta có cái may là thế hệ bây giờ lại có điều kiện tiếp cận thông tin và nắm bắt xu hướng mới nhanh hơn, công cụ làm ăn nếu biết nắm bắt và phát huy sẽ hiệu quả hơn. Doanh nhân Việt có thể chọn chiến lược “đi tắt đón đầu”, dùng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ quốc tế và hồi phục các mối quan hệ kinh doanh, xác lập lại các mối quan hệ với các bạn hàng và hướng đến ngang hàng với doanh nghiệp thế giới.
Sự linh hoạt, khả năng thích nghi, động lực mới…muốn được lan tỏa, cần được đặt trong mẫu số chung về vĩ mô là môi trường kinh doanh thông thoáng, hành lang pháp lý công minh, Nhà nước ý thức cao đóng vai trò hỗ trợ cho doanhh nghiệp hồi phục, phát triển và thật sự phát triển kinh tế tư nhân. Chi tiết hỗ trợ ra sao phải tùy thuộc vào từng ngành nghề.
Như vậy, hậu COVID-19, bức tranh quan hệ kinh doanh của thế giới bên ngoài sẽ thay đổi. Việt Nam cần sẵn sàng để thích nghi để thay đổi phù hợp.
Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận thế giới mới và môi trường kinh doanh mới một cách bình đẳng hơn, nhưng chắc chắn phải có sự nỗ lực lớn, một sự quyết tâm phát huy nội lực trong dân, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân năng động là xương sống của nền kinh tế ở các nước phát triển.