Chính thức “nối lại” xuất khẩu gạo vào 0 giờ 11/4

Ninh Thới - Nguyễn Việt 11/04/2020 10:51

Theo Quyết định số 1106/QÐ-BCT của Bộ Công thương: kể từ 0 giờ hôm nay 11/4, các doanh nghiệp sẽ được tiếp tục xuất khẩu gạo.

Quyết định 1106 của Bộ Công thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 4 năm 2020 về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, theo đề nghị của Cục trưởng Cục xuất, nhập khẩu, Bộ Công thương quyết định kể từ 0 giờ ngày 11/4 các doanh nghiệp được phép “nối lại” xuất khẩu gạo với hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn đối với mã hàng gạo HS 10.06 trong tháng 4.

Doanh nghiệp sẽ được tiếp tục xuất khẩu gạo vào 0 giờ 11/4.

Về nguyên tắc quản lý hạn ngạch: Thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực ít hơn hơn số lượng đã khai hải quan thì sẽ được cộng, trừ lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho đến khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn ( tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan). Trường hợp tờ khai hải quan không có giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Cửa xuất khẩu chỉ cho phép xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không)…

Trước đó ít giờ, ngày 10/4/2020, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký công văn hỏa tốc số 2827/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, xét đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 2412, ngày 6/4/2020 về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hạn hán và xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau:

Đồng ý chủ trương về phương án số lượng gạo xuất khẩu 400 ngàn tấn trong tháng 4/2020 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sau khi đã lấy ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính thức “nối lại” xuất khẩu gạo vào 0 giờ 11/4

    12:15, 11/04/2020

  • Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo

    11:00, 11/04/2020

  • Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo trở lại nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

    07:49, 11/04/2020

  • Bộ Tài chính kiến nghị xuất khẩu gạo nếp, dừng xuất khẩu gạo tẻ đến hết ngày 15/6

    18:07, 08/04/2020

  • Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang "ngồi trên đống lửa"

    04:36, 07/04/2020

  • Xuất khẩu gạo: Tìm cơ hội trong thách thức!

    11:00, 06/04/2020

  • Xuất khẩu gạo và bài toán hài hòa lợi ích "ba nhà"

    11:00, 01/04/2020

Thủ tướng yêu cầu các bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra kiểm tra về các nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan, theo thẩm quyền khẩn trương quyết định, và triển khai thực hiện phương án xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật hiện hành đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, và tình hình dịch bệnh Covid-19, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân, và các tổ chức kinh doanh có liên quan, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5 trước ngày 25/4/2020, xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài kể cả đến hết năm 2020.

Như vậy, sau 18 ngày tạm dừng xuất khẩu, mặt hàng gạo đã chính thức được phép xuất khẩu lại. Theo đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam: do lệnh dừng xuất khảu gạo được ban hành đột ngột nên có 200.000 tấn gạo của doanh nghiệp hội viên bị kẹt ở các cảng với tổng chi phí lưu cảng, thuê container đến nay đã hơn 43 tỷ đồng, đó là chưa kể khi dừng xuất khẩu đột ngột hàng triệu tấn lúa của nông dân bị giảm giá bán làm cho nông dân giảm thu nhập lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ninh Thới - Nguyễn Việt