"Gỡ lệnh" dừng xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp mừng, Bộ Tài chính lo

Ninh Thới - Nam Sơn 12/04/2020 06:40

Xuất khẩu gạo được “nối” trở lại doanh nghiệp và nông dân đều vui mừng nhưng Bộ Tài chính thì lo lắng vì kho gạo dự trữ vẫn còn đang “trống trơn”!

Doanh nghiệp trút gánh nặng "kẹt" hàng ở cảng

Nông dân, Chính quyền các tỉnh thành vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều vui mừng vì quyết định cho xuất khẩu gạo trở lại, sớm đã ngăn chặn được nguy cơ thiệt hại cả ngàn tỷ đồng. Những thiệt hại do bị kẹt lại hàng ở cảng trong hơn 10 ngày nay là không đáng kể so với việc cả nước cùng lo chống dịch COVID-19. Người dân và các cấp các ngành chắc chắn yên tâm vì xuất khẩu gạo có cơ sở, có đảm bảo an ninh lương thực kể cả dịch bùng phát”, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An-Phạm Thái Bình đã chia sẻ với DĐDN qua zalo như vậy.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo, giá lúa, gạo tại ĐBSCL đã bắt đầu tăng trở lại, doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân ĐBSCL đều bày tỏ niềm vui mừng vì vụ Đông xuân vừa trúng mùa, vừa được giá. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp thì với mức xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 này vẫn còn thấp so với nguồn cung mà doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn.

Nông dân tỉnh An Giang khẩn trương thu hoạch lúa Đông xuân còn lại.

Văn bản số 4355/BTC-QLG ngày 10-4 của Bộ Tài chính

Tuy vậy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV - Nguyễn Văn Thành băn khoăn rằng với hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn thì sản lượng gạo đang nằm chờ ở cảng 200.000 tấn đã chiếm 50%, phần còn lại 200.000 tấn chia đều cho gần 200 doanh nghiệp xuất khẩu thì mỗi doanh nghiệp chỉ được cấp hạn ngạch xuất 1.000 tấn cho cả tháng 4 này thì không đủ tiền để trả lương cho người lao động.

Do vậy, ông đề xuất trong tháng 4 có thể tăng sản lượng xuất khẩu lên và tháng 5 sẽ giảm lại cân đối trong 2 tháng làm sao đủ hạn mức 800.000 tấn, điều hành linh hoạt theo thị trường chứ không nên cứng nhắc, hành chính.

Đồng tình với ý kiến doanh nghiệp, GS. TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng cho rằng số lượng xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 còn rất ít  so với sản lượng của vụ lúa Đông xuân.

Vụ Đông xuân 2020, theo ước tính, sản lượng lúa ĐBSCL khoảng hơn 9 triệu tấn, tính ra chúng ta có khoảng 5,4 triệu tấn gạo. Còn khoảng 2 tháng nữa ĐBSCL thu hoạch hơn 7  triệu tấn lúa, tính ra gạo khoảng 4 triệu tấn nữa. Như vậy, hai vụ Đông Xuân và Hè Thu gộp lại ta có khoảng 9 triệu tấn gạo.

Vị GS.TS giải thích thêm, việc hạn chế xuất khẩu gạo có thể làm cho doanh nghiệp đã thu mua tạm trữ gặp khó khăn, làm cho nông dân mất cơ hội bán lúa được giá do giá lúa gạo thế giới tăng giá. Các đối tác mua gạo của Việt Nam họ không trông đợi, có thể họ sẽ mua gạo từ các nước xuất khẩu khác. Trong lịch sử chúng ta có những lần bỏ lỡ cơ hội bán gạo cho thế giới giá cao. Lần này ta có thể rút kinh nghiệm.

Để đảm bảo cho lúa gạo lưu thông tốt, không bị đầu cơ, tích trữ, tăng giá, khan hiếm giả tạo...  Nhà nước cần truyền thông cho nhân dân biết việc Chính phủ đảm bảo an ninh lương thực cho dân, người dân không cần phải mua lương thực tích trữ. Tạo điều kiện cho thị trường lúa gạo thông suốt, tránh đầu cơ, tăng giá, tạo ra khan hiếm giả. Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương cân đối gạo xuất khẩu theo kế hoạch gạo, đảm bao an ninh lương thực để an dân. Có như thế chúng ta mới đảm bảo an ninh lương thực vừa cung ứng gạo cho thị trường thế giới”, GS Xuân hiến kế.

Bộ Tài chính lo lắng

Trong khi doanh nghiệp và nông dân vui mừng vì lệnh dừng xuất khẩu gạo được gỡ bỏ thì ngày 10/4, Bộ Tài chính có văn bản số 4355/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương về tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo.

Văn bản số 4355/BTC-QLG ngày 10-4 của Bộ Tài chính

Văn bản số 4355/BTC-QLG ngày 10/4 của Bộ Tài chính

Bộ Công thương cũng đã có văn bản trả lời Bộ Tài chính, đối với tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng và không thực hiện thương thảo hợp đồng cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát quy định của pháp luật về hợp đồng, đấu thầu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chế tài phù hợp đối với đối tượng này tránh tình trạng này diễn ra trong thời gian tới…

Trong văn bản nêu trên, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Tổng cục dự trữ Quốc gia đã đấu thầu và trúng được 178.000 trên 190.000 tấn gạo kế hoạch mua dự trữ năm 2020.

Tuy nhiên, theo ông Hải, do giá gạo trên thị trường đang cao hơn giá trúng thầu nên hầu hết doanh nghiệp trúng thầu đã có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng theo quy định với số lượng gạo chiếm hơn 90% lượng gạo đã trúng thầu (160.300 tấn /178.000 tấn).

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép thực hiện xuất khẩu gạo với những doanh nghiệp đã trúng thầu với Cục dự trữ Quốc gia khu vực và phải ký hợp đồng, giao gạo xong cho các Cục dự trữ Quốc gia khu vực và chỉ được thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6/2020. 

Có thể bạn quan tâm

  • Gạo Việt có đánh mất cơ hội “vàng”?

    Gạo Việt có đánh mất cơ hội “vàng”?

    04:36, 12/04/2020

  • Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo

    Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo

    11:00, 11/04/2020

  • Chính thức “nối lại” xuất khẩu gạo vào 0 giờ 11/4

    Chính thức “nối lại” xuất khẩu gạo vào 0 giờ 11/4

    10:51, 11/04/2020

  • Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo trở lại nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

    Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo trở lại nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

    07:49, 11/04/2020

Tại văn bản số 4355/BTC-QLG Bộ Tài chính cũng đề nghị không được ký hợp đồng xuất khẩu gạo tẻ thường mới (kể cả phụ lục bổ sung các hợp đồng đã ký làm thay đổi tổng số lượng xuất khẩu), tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo kế hoạch.

Điều đáng nói là trước đó, Bộ Tài Chính cũng đã ký  văn bản số 3905/BTC-QLG gửi Bộ Công thương cũng với nội dung tương tự như trên.  

Ninh Thới - Nam Sơn