[XUẤT KHẨU GẠO] Doanh nghiệp An Giang sốt ruột vì lượng gạo tồn đọng tới 82.275 tấn
Tối muộn ngày 18/4, đại diện Angimex-Kitoku (AKJ) cho biết, sau văn bản kiến nghị gửi đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam về đề xuất cho giải phóng ngay số gạo tồn đọng, đơn vị chưa nhận được phản hồi.
Bà Trần Ngọc Châu - Phó giám đốc Công ty TNHH Angimex-Kitoku (AKJ) cho biết, vào trưa ngày 18/4, doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị gửi đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam về đề xuất cho giải phóng ngay số gạo tồn đọng tại Cảng Mỹ Thới (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Bà Châu còn cho biết, mọi động thái hiện nay của AKJ đều trông chờ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ. AKJ hiện còn 17 container với sản lượng hơn 350 tấn gạo (trị giá trên 220.000 USD) đã đóng hàng nằm gần một tháng nay tại cảng Mỹ Thới chưa xuất được, thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp này.
“Bây giờ chúng tôi tha thiết mong Chính phủ cho các doanh nghiệp xuất ngay các lô hàng đã có số công rõ ràng tại cảng, hoặc cho chúng tôi tạm ứng hạn ngạch tháng 5/2020 để xuất ngay lô hàng đang nằm chờ tại cảng, vì phí lưu container phải mất 20-30 USD/container/ngày nên khó khăn chồng chất”, bà Châu cho biết.
Được biết, vào chiều ngày 17/4, UBND tỉnh An Giang đã họp với 9 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn để lắng nghe ý kiến, đề xuất trong bối cảnh hàng chục ngàn tấn gạo ùn ứ tại cảng. Tại cuộc họp này, phía Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã kiến nghị UBND tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ cho xuất khẩu bình thường loại gạo thơm, gạo hạt dài và gạo dẻo chất lượng cao. Bởi các loại gạo này do Angimex liên kết với nông dân trồng và bao tiêu xuất khẩu, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.
“Kiến nghị Chính phủ nên đưa hạn ngạch xuất khẩu về các tỉnh, để tỉnh căn cứ vào số lượng xuất khẩu năm rồi chia lại hạn ngạch xuất khẩu cho các doanh nghiệp để công bằng hơn như hiện nay. Chúng tôi ký hợp đồng với đối tác 10.000 tấn gạo/tháng nhưng tháng này chỉ xuất được có 2.700 tấn, thì không có tiền thanh toán cho nông dân nữa”, một vị lãnh đạo Angimex than.
Trước đó ngày 5/4, bà Võ Thị Ánh Xuân (Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) ký văn bản số 13/ĐĐBQH gửi đến Thủ tướng Chính phủ, về việc kiến nghị xuất khẩu gạo. Theo văn bản này cho biết, vào ngày 5/4/2020, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nhận được công văn số 331/UBND-KTN ngày 3/4/2020 của UBND tỉnh An Giang về việc tình hình sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh An Giang và kiến nghị về xuất khẩu gạo.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp lần thứ tư gửi đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ
18:10, 18/04/2020
Cơ chế xuất khẩu gạo đang thụt lùi! (Kỳ 1): An ninh lương thực có bị “đe dọa”?
11:20, 18/04/2020
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất của VCCI về xuất khẩu gạo
18:45, 17/04/2020
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Chính, Công thương báo cáo vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm
08:00, 16/04/2020
Hải quan mở tờ khai “thần tốc”, doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưng hửng
04:08, 15/04/2020
Theo đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang thống nhất với nhận định của UBND tỉnh về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời để hỗ trợ việc tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trân trọng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ như sau.
Thứ nhất, được ưu tiên xuất khẩu nếp và các giống lúa Japonica (hạt tròn). Tỉnh An Giang hiện có diện tích gieo trồng nếp hàng năm khoảng 115.000ha (tương đương 747.500 tấn nếp chưa bốc vỏ và khoảng 10.000ha lúa Japonica (hạt tròn) như: ĐS1, Hana, Kinu, Akita… sản lượng 75.000 tấn lúa/năm. Do mục tiêu sản xuất hai loại sản phẩm này chủ yếu là để xuất khẩu. Từ nhiều năm nay nông dân và doanh nghiệp đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ có hiệu quả.
Thứ hai, được tiếp tục thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đang có hiệu lực. Cho phép doanh nghiệp tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo; trong đó ưu tiên cho xuất khẩu sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng và số lượng gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020; nhằm giúp các doanh nghiệp hạn chế thiệt hại do phải vi phạm hợp đồng và giữ ổn định giá lúa trên thị trường.
Theo đó, đến hết tháng 4/2020, toàn tỉnh An Giang có khoảng 48.475 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký, tương đương trên 23,6 triệu USD (ước giá xuất bình quân 487 USD/tấn) của 16/18 doanh nghiệp. Trường hợp tiếp tục tạm dừng xuất khẩu đến tháng 5/2020 thì tiếp tục có khoảng 33.800 tấn gạo không xuất được. Khi đó toàn tỉnh sẽ còn khoảng 82.275 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký.
Cũng theo văn bản trên, lượng lúa gạo sẽ sản xuất trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang dự kiến khoảng 4 triệu tấn lúa, quy ra khoảng 2 triệu tấn gạo. Đề nghị Chính phủ căn cứ vào yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực có chủ trương cho xuất khẩu phù hợp.