[eMagazine] Giá dầu giảm sốc sẽ ảnh hưởng tới lạm phát tháng 4 ra sao?
Giá xăng, dầu trong nước trong kỳ tính toán CPI tháng 4 giảm mạnh với mức giảm lên tới gần 5.000 đồng/lít so với tháng 3. Do vậy, ước tính chỉ số nhóm giao thông giảm 18% trong tháng 4…
Kiềm chế lạm phát thông qua kiểm soát giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chịu tác động rất lớn từ giá của một số mặt hàng chủ chốt như giá thịt lợn, giá xăng dầu, giá điện, giá gạo.
Nhìn lại số liệu của Tổng cục Thống kê trong quý 1 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước của tháng 1/2020 tăng cao ở mức 1,23%, tháng 2/2020 giảm nhẹ 0,17% và tháng 3/2020 giảm 0,72%. CPI tháng 3/2020 so với tháng 12/2019 tăng 0,34%; tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thịt lợn và do dịch COVID-19 là nguyên nhân chủ yếu tác động tới CPI ở quý này. Theo đó, giá thịt lợn có mức tăng khá cao so với dự báo, giá thịt lợn quý I/2020 tăng 58,81% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 2,47%. Một nguyên nhân nữa là do dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 1 và biến chuyển nhanh nên nhu cầu về một số mặt hàng thuốc y tế, điện và nước sinh hoạt tăng cao làm cho giá các mặt hàng này tăng…
Điều phát sinh trong tháng 4 chính là giá xăng, dầu giảm mạnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, giá xăng dầu đã có lần giảm thứ 7 liên tiếp và hiện xăng E5RON 92 tối đa 11.343 đồng/lít; RON 95-III ở mức 11.939 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 10.823 đồng, dầu hoả 8.639 đồng và mazut 9.327 đồng/kg...
Giá xăng, dầu trong nước trong kỳ tính toán CPI tháng 4 giảm mạnh với mức giảm lên tới gần 5.000 đồng/lít so với tháng 3. Nhóm phân tích Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính chỉ số giá xăng, dầu sẽ giảm khoảng 26% so với tháng trước, và do vậy chỉ số nhóm giao thông ước tính giảm 18% trong tháng 4.
Tính từ ngày điều chỉnh gần đây nhất là 13/4, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm. Đặc biệt, thị trường giá dầu thế giới giảm mạnh kỷ lục kể từ khi các số liệu về biến động giá được ghi nhận vào năm 1983. Và theo theo dữ liệu từ Dow Jones Market, đây cũng là mức giá đóng cửa thấp kỷ lục mọi thời đại.
Ông Trịnh Quang Khanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết trong phiên hôm 21/4, lúc đầu, mức giá dầu WTI rơi xuống tận - 40,32 USD/thùng rồi quay ngược lại mức -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch.
Giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore duy trì diễn biến đi xuống như 3 tuần qua khi hai ngày gần đây xoay quanh mốc 20 - 22 USD/thùng. Dầu diesel thành phẩm loại 0,05 có giá gần 34 USD/thùng. Với mức giá xăng dầu thành phẩm này, dự báo kỳ điều chỉnh tới vào cuối tháng 4 này, giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm, tiệm cận mức 10.000 đồng/lít xăng là rất có thể.
Trong tháng 4, giá thịt lợn trong nước có xu hướng giảm trong tháng 4 nhờ những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ. Cụ thể, vào cuối tháng 3, Thủ tướng đã yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá, tăng đàn, tái đàn, đồng thời cho phép tăng nhập khẩu thịt để kéo giá lợn hơi xuống khoảng 70,000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tính trung bình trong tháng 4, mức giảm của giá lợn hơi so với tháng 3 vẫn ở mức tương đối ít (khoảng 1,5%), do cần thời gian để đảm bảo đủ nguồn cung trên thị trường. Do đó tác động của mặt hàng này đến chỉ số CPI tháng 4 là không lớn như tháng 3 vừa qua. Khi đó, giá thịt lợn được ví như “ngòi nổ” lạm phát năm 2020.
Giá gạo trong nước chỉ tăng nhẹ mặc dù giá gạo xuất khẩu trên thị trường quốc tế tăng vọt lên cao nhất trong vòng 7 năm qua nhờ những cam kết của Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
Giá điện giảm 10% theo nghị quyết số 41 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Tuy nhiên, do kỳ tính hóa đơn tiền điện có độ trễ, do vậy mức giảm này sẽ chỉ phản ánh vào chỉ số CPI tháng 5.
CPI tháng 4 sẽ giảm tới 1,8%?
Cập nhật các số liệu vĩ mô, các chuyên gia phân tích KBSV cho rằng, Chính phủ đang thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát thông qua các biện pháp kiểm soát giá cả trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, chỉ số CPI tháng 4 tiếp tục xu hướng giảm mạnh và áp lực từ lạm phát trong thời gian còn lại của năm không quá lớn
KBSV ước tính, CPI tháng 4 giảm tới 1,8% so với tháng trước và chỉ còn tăng 2,66% YoY. Lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm tăng 4,84% YoY.
Cũng theo nhóm phân tích với việc áp lực đến từ lạm phát trong giai đoạn còn lại của 2020 không còn lớn nhờ mức nền cùng kỳ 2019 bắt đầu chịu ảnh hưởng của giá thịt heo cao, và sức cầu nhìn chung sẽ duy trì ở mức thấp tương đối do ảnh hưởng của bệnh dịch, NHNN sẽ có thêm dư địa để áp dụng các chính sách tiền tệ nới lỏng bao gồm việc bơm thanh khoản cho ngân hàng thông qua kênh OMO với kỳ hạn dài (lớn hơn 3 tháng), tiếp tục hạ các lãi suất điều hành, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ, giảm tỷ lệ LDR …
NHNN nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì mức tăng trưởng cung tiền (M2) và tín dụng trong biên độ tăng trưởng 10-14% YoY (tương đương với khoảng 1 triệu tỷ VND) xuyên suốt năm, nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu và bong bóng giá tài sản (ví dụ như bất động sản) như giai đoạn 2009 - 2011.
Mức tăng trưởng này là phù hợp và là mục tiêu NHNN duy trì trong 2 năm qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng, khi chỉ số tín dụng/GDP của Việt Nam sau khi điều chỉnh GDP vẫn ở mức cao trong khu vực (khoảng 110%).
Tháo “ngòi nổ” tiềm ẩn “bom” lạm phát
Lạm phát từng nhiều lần ‘bùng nổ” với mức tăng trên 2 con số. Điển hình như lạm phát năm 2008 tăng 23%; gấp khoảng 3 lần mức tăng GDP; năm 2010 ở mức 11,75%, gấp gần 2 lần mức tăng GDP. Lạm phát năm 2011 ở mức 18,58%, do giá thực phẩm, lương thực tăng mạnh. Nguyên nhân là những năm đó (2008 - 2010) tín dụng được “bơm” mạnh vào nền kinh tế (năm 2009 tín dụng tăng 37,7%). Sau này, Chính phủ luôn kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, giảm áp lực cung tiền vào hệ thống.
Ngay từ đầu khi nhiều lo ngại đến lạm phát năm 2020, thì tiềm ẩn "bom" lạm phát này, nguyên nhân chính đến từ giá hàng hóa. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) chỉ ra, lạm phát cuối năm 2020 sẽ chịu tác động của nhiều nhóm yếu tố. Nhóm yếu tố điều hành đã đặt ra từ đầu năm như tăng lương cơ sở từ ngày 1/7; tăng học phí, viện phí theo lộ trình. Nhóm yếu tố thị trường, giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh.
Theo báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế vừa được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới “sức đề kháng” của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Đặc biệt, chính sách vĩ mô sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không một khi bệnh dịch được kiểm soát.
“Bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện thì sau bệnh dịch, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng. Ngược lại, nếu để xảy ra lạm phát, mất ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch, lúc đó nền kinh tế sẽ đình trệ…”, báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, với những diễn biến phức tạp của thị trường giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước trong quý I và đầu quý II cho thấy, mặc dù có khó khăn nhưng việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra có thể thực hiện được.
Phát biểu tại cuộc họp mới đây về điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh đến việc giữ mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4% và đây là chỉ tiêu quan trọng, bởi nếu CPI tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Theo Thủ tướng Chính phủ, hiện giá xăng dầu đang giảm xuống mức thấp nhất, tuy nhiên, nguy cơ tăng giá mặt hàng này trong năm nay đối với nước ta vẫn ở mức cao; do đó, Ban Chỉ đạo cần chủ động, đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Trong nhóm các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành đặc biệt chú ý đến giá thịt lợn. Hiện giá bán thịt lợn đến tay người tiêu dùng còn cao hơn nhiều so với giá thành, vậy liệu có chuyện làm giá hay không; thành phần nào hưởng lợi từ việc tăng giá này.
Thủ tướng cũng lưu ý cần đánh giá rõ tác động của các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra đối với mặt bằng giá cả như thế nào. Cùng với đó là tác động của việc tăng lương vào ngày 1/7/2020, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như tác động của tình hình dịch bệnh cũng như vấn đề giá điện, nước, vật tư y tế, sách giáo khoa, dịch vụ vận tải, giá vật liệu xây dựng…
Đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Với những diễn biến phức tạp của thị trường giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước trong quý I và đầu quý II cho thấy, mặc dù có khó khăn nhưng việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất (CPI sẽ tăng hơn mức 4%) vẫn có thể xảy ra. Do đó, Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng, cần phải tiếp tục quyết liệt điều hành với các giải pháp mạnh để bảo đảm cân đối cung – cầu, nhất là với giá thịt lợn, điều hành giảm giá thịt lợn xuống mức 60.000 đồng/kg; đồng thời có giải pháp quản lý phù hợp để giữ bình ổn giá gạo trong nước không để tăng đột biến.