Du lịch ĐBSCL: Kích cầu ngay trong mùa dịch
Những người làm du lịch và quản lý du lịch ĐBSCL đang khẩn trương chuẩn bị cho thời kỳ phát triển hậu COVID-19.
Du lịch ĐBSCL chưa dứt niềm vui chung, khi Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO đánh giá là 1 trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019, đã đối mặt với khủng hoảng chưa từng có do tác động của dịch COVID-19 đối với cả nước. Nhiều địa phương lượng khách sụt giảm từ 20 đến 30% thậm chí lên đến 70%.
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết, dự kiến, nếu điều kiện cho phép, khoảng giữa tháng 5/2020, chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị khởi động và kích cầu du lịch, trong đó có mời cả sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh.
“Ngành du lịch miền Tây kích cầu ngay trong lúc còn dịch. Hiệp hội Du lịch TP.HCM và Việt Nam đã chọn Cần Thơ là nơi kích cầu du lịch. Trong đó, chú ý các đơn vị lưu trú, nhà hàng và điểm đến hấp dẫn. Từ đó, mỗi nơi sẽ xây dựng những điểm đến thật sự an toàn…” – ông Phường cho biết.
Chẳng hạn, tại An Giang, ông Trần Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty CP du lịch An Giang cho biết, tận dụng thời gian giãn cách xã hội phòng chống covid-19, chúng tôi cho trùng tu, tôn tạo các khu du lịch thời gian qua xuống cấp, để khi hết dịch, cung cấp cho du khách những sản phẩm du lịch thực sự chất lượng.
Thế mạnh của du lịch An Giang là du lịch tâm linh. Năm 2019, An Giang đón 8 triệu lượt khách du lịch, đến thời điểm cuối quý 1, An Giang đạt gần 3 triệu lượt khách.
Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, thời gian qua, du lịch sông nước ĐBSCL mặc dù đã hình thành nên một dòng sản phẩm du lịch đa dạng. Đó là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch đỏ, du lịch tâm linh…
Dựa vào nhu cầu của du khách, tạo điều kiện của địa phương, doanh nghiệp du lịch bắt tay vào xây dựng sản phẩm phục vụ cho du khách, hình thành nên những vùng du lịch trải dài… Tuy nhiên, du lịch là ĐBSCL thiếu sản phẩm đặc thù. Dù có rất nhiều sản phẩm, nhưng lại trùng lắp. Khắc phục được hạn chế này, sẽ giúp du lịch ĐBSCL phát triển “trù phú” như tiềm năng vốn có.