Lộ diện nhà đầu tư trúng sơ tuyển cao tốc Bắc Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn

Anh Duy 01/05/2020 02:45

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. 

Đoạn cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn là 1 trong số 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông triển khai theo hình thức PPP.

Đoạn cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn là 1 trong số 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tổng mức đầu tư dự kiến là 6.333 tỷ đồng.

Theo đó, danh sách ngắn nhà đầu tư trúng sơ tuyển gồm Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Công ty cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô, Công ty cổ phần xây dựng giao thông 18 và Liên danh Công ty cổ phần Licogi 16, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Điền Phước, Công ty cổ phần FECON, Công ty cổ phần Hạ tầng và phát triển đô thị FECON, Công ty cổ phần Đầu tư 468.

Đoạn cao tốc Quốc lộ 45 – Nghi Sơn là 1 trong số 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông triển khai theo hình thức PPP.

Dự án này đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dự án có chiều dài 43 km với điểm đầu tại Km337+000 sau vị trí giao đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa; điểm cuối tại Km380+000 (nút giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành), thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Dự án được thiết kế theo quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến là 6.333 tỷ đồng (vốn hỗ trợ của Nhà nước là 2.003 tỷ đồng, vốn tư nhân là 4.330 tỷ đồng), thời gian hoàn vốn là 24 năm.

Được biết, trong hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu là 60% tổng số điểm (60 điểm) và điểm đánh giá từng nội dung yêu cầu cơ bản tối thiểu là 50% điểm tối đa của nội dung đó.

Cụ thể, trong hồ sơ mời sơ tuyển, năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm).

Có thể bạn quan tâm

  • Xem xét chuyển đổi một số dự án PPP cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công

    00:02, 10/03/2020

  • 8 dự án cao tốc Bắc Nam sơ tuyển nhà đầu tư trong nước

    00:00, 18/10/2019

  • Cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn: Có hay không việc ưu tiên doanh nghiệp “quen biết”?

    09:12, 09/10/2019

  • Đấu thầu trong nước cao tốc Bắc Nam: Phải tính đến khả năng mạo danh doanh nghiệp Việt

    10:00, 25/09/2019

  • Sớm thành lập tổ giám sát đấu thầu chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc Nam

    00:13, 12/08/2019

  • Hé lộ những tiêu chí “lọc” nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam

    16:46, 27/06/2019

  • Đề xuất điều chỉnh trần lãi suất vốn vay cho các dự án PPP cao tốc Bắc Nam

    08:30, 26/08/2018

Hiện nay, Bộ GTVT đã kết thúc sơ tuyển nhà đầu tư tại 4 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam. 4 dự án còn lại đã hoàn thiện thẩm định và đang lấy ý kiến Tổ giám sát liên ngành của Chính phủ. Dự kiến phê duyệt kết quả sơ tuyển 4/08 dự án còn lại trong quý II/2020.

Tuy nhiên, đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chuyển đổi 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sang hình thức đầu tư công, trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. 

Cụ thể, để đáp ứng yêu cầu cấp bách triển khai dự án, song song với công tác chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đề xuất các giải pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu khởi công toàn bộ 8 dự án muộn nhất là tháng 8 năm 2020. Lựa chọn các nhà thầu phải có đủ năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm chất lượng, tiến độ, theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Trong trường hợp việc thực hiện đúng trình tự điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án không bảo đảm tiến độ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2020, Bộ Giao thông vận tải đề xuất cụ thể các giải pháp để xin ý kiến tại Tờ trình Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm đến thời điểm khởi công phải cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện song song các thủ tục cần thiết theo quy định để ngay sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua có thể triển khai ngay.

Anh Duy