[BÀI TOÁN NHÂN SỰ HẬU COVID-19] Tấm phao cứu sinh cần đủ rộng!

Thy Hằng 01/05/2020 07:30

Trước tình trạng lao động giảm giờ làm, mất việc gia tăng không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, những giải pháp bao gồm cả ngắn và dài cần được gấp rút thực hiện hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế này.

Theo ông Vũ Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty may xuất khẩu Trường Thắng, doanh nghiệp có khoảng 1.000 lao động tuy nhiên do dịch COVID-19 nên số lao động đã bị cắt giảm từ 2 tháng nay.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra dự báo, đến cuối quý II/2020, dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6-10,3 triệu lao động Việt Nam vì bị giảm giờ làm, giảm lương và mất việc.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, đến cuối quý II/2020, dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6-10,3 triệu lao động Việt Nam vì bị giảm giờ làm, giảm lương và mất việc.

5 triệu lao động tạm nghỉ, mất việc 

“Từ đầu tháng 3, chúng tôi gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào do dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc bùng phát mạnh, khi giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào thì các đối tác ở Châu Âu, Mỹ thông báo hủy đơn hàng vô thời hạn. Do vậy, hiện chúng tôi hiện đã phải cắt giảm gần 30% lao động", ông Thắng chia sẻ.

Khó khăn tương tự cũng xảy đến với doanh nghiệp ngành gỗ, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT CTCP Lâm Việt cho biết, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, công ty sử dụng 1.000 lao động để làm đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ và EU với lượng xuất khẩu bình quân 150 container/tháng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 triệu USD/năm.

“Tuy nhiên, trong bối cạnh dịch bệnh và nguồn tài chính đầu vào không còn, Công ty đã phải giảm 300 lao động vào cuối tháng 3 vừa rồi và giảm tiếp thêm 300 lao động vào đầu tháng 4.2020, lượng lao động hiện chỉ còn 400 người”, ông Liêm chia sẻ.

Khẳng định đây là khó khăn chung của doanh nghiệp, người lao động ngành gỗ, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập cho biết, khoảng 80% khách hàng thị trường Mỹ và EU đã dừng hoặc đang hủy đơn hàng với doanh nghiệp Việt. Điều này kéo theo người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

“Trong số 105 doanh nghiệp chúng tôi khảo sát đã phản hồi rằng có khoảng 45% lượng lao động trong các doanh nghiệp này bị mất việc. Không chỉ vậy, còn hàng nghìn lao động tại các làng nghề cũng đang không có việc làm”, ông Đỗ Xuân Lập thông tin.

Không phải khó khăn riêng của ngành gỗ hay dệt may, đại dịch COVID-19 kéo dài đang khiến nhiều doanh nghiệp của nhiều lĩnh vực lâm vào tình trạng khó khăn, phải cắt giảm lao động. Thống kê mới đây nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính tới giữa tháng 4, số lao động bị ảnh hưởng với COVID-19 là gần 5 triệu người.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1,2 triệu lao động; thứ 2 là ngành bán buôn, bán lẻ 1,1 triệu lao động; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với 740.000 lao động.

Trong tổng số 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, có 59% là tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 13% là mất việc.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi từ 15 cũng ở mức cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1/2020 là 2,22%, tăng 0,07% so với quý trước và 0,05% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ chưa bằng một nửa của cùng kỳ năm trước đó.

Chuẩn bị cho kịch bản tệ hơn

Thậm chí, bức tranh thực tế có thể còn tệ hơn khi Báo cáo nhanh mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra dự báo, đến cuối quý II/2020, dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6-10,3 triệu lao động Việt Nam vì bị giảm giờ làm, giảm lương và mất việc.

Theo kịch bản này, sẽ có 3,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 2,6 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn bán lẻ, sửa chữa xe gắn máy, xe máy và 1,4 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng. 

Cũng theo ILO, trong 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19, việc làm phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt là trong những ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, lao động phi chính thức chiếm tới hơn 81%.

ILO cũng từng đưa ra nhận định, cú sốc cho thị trường lao động mà đại dịch COVID-19 gây ra có thể sẽ lớn hơn nhiều lần so với cú sốc từ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Có thể bạn quan tâm

  • COVID-19 gây khủng hoảng lao động cho ngành du lịch

    05:45, 27/04/2020

  • Gần 5 triệu lao động mất việc làm vì dịch COVID-19

    13:04, 24/04/2020

  • Đã đến lúc phải sửa Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

    00:10, 21/04/2020

  • [DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] Vinatex chịu áp lực từ tài chính đến lao động

    11:00, 17/04/2020

  • Ninh Bình: Báo động nguy cơ hàng chục nghìn lao động thất nghiệp

    07:00, 15/04/2020

  • Thất nghiệp tạo đà cho phương thức lao động mới

    11:30, 10/04/2020

  • Hỗ trợ tối đa 3 tháng lương cho lao động mất việc do COVID-19

    11:08, 08/04/2020

  • Cứu lao động là cứu doanh nghiệp và nền kinh tế

    11:00, 02/04/2020

  • "Cú sốc" COVID-19 và cơ hội tái cơ cấu lực lượng lao động

    09:00, 23/03/2020

Phát tiền hay đào tạo lại?

Không thể phủ nhận những chính sách hỗ trợ người lao động đã được Chính phủ triển khai như gói an sinh 62.000 tỷ đồng bắt đầu được chuyển tới những đối tượng đầu tiên đã cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, hệ thống chính trị tới những đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng những điều kiện kèm theo cho mỗi nhóm đối tượng lao động được hỗ trợ còn rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc chi trả hỗ trợ nhanh và đúng đối tượng cũng được đặt ra. TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia tư vấn (Tổ chức Forest Trends) nhận định, điều quan trọng tiếp theo là làm thế nào để thực hiện các cơ chế chính sách này nhanh và hiệu quả, kịp thời và đúng với các nhóm đối tượng cần hỗ trợ.

“Các chính sách và cơ chế này cũng cần có độ phủ rộng hơn, quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ngành, bao gồm các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình tại các làng nghề và lao động tại các làng nghề cũng như tại các cơ sở sản xuất và chế biến quy mô nhỏ”, TS Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đáng nói hơn, chuyên gia cho rằng, những gói hỗ trợ này cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế, giải quyết khó khăn trước mắt. Về lâu dài, căn cơ hơn vẫn phải là giải quyết việc làm cho người lao động.

“Cơ bản vẫn phải đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm cho người lao động trong đại dịch. Và quan trọng hơn, chú trọng giải quyết cho được vấn đề việc làm. Thực hiện hỗ trợ lao động đào tạo tay nghề để có cơ hội làm việc mới. Thậm chí, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo cho lao động để chuyển đổi vị trí công việc phù hợp với tình hình hiện nay”, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho rằng đào tạo lạilà một biện pháp để doanh nghiệp giữ chân lao động, chờ tới thời điểm kết thúc dịch là đẩy mạnh sản xuất để bù lại tăng trưởng. "Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, thiếu thốn nguồn lực nên Chính phủ hoàn toàn có thể hỗ trợ người lao động đi đào tạo nâng cao tay nghề, chuyển nghề khác phù hợp hơn”, ông Tiến đánh giá.

Nhấn mạnh hơn tới vai trò của Chính phủ, TS Phạm Minh Huân cho rằng, Chính phủ cần có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho lao động có nhu cầu trong thời gian thất nghiệp để họ có cơ hội việc làm tốt hơn sau khi hết dịch, bước vào thời kỳ kinh tế phục hồi. Đặc biệt, trong trung và dài hạn là phải có chiến lược cơ cấu lại thị trường lao động gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế.

Thy Hằng