Từ Uber hóa đến đại học phi học đường

Ngô Tự Lập, Viện Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN 04/05/2020 15:00

Sự xuất hiện gần đây của Uber và Grab ở Việt Nam đã gây nên nhiều tranh cãi và phản đối, đặc biệt là từ phía các hãng taxi truyền thống và cả một số nhà quản lý.

Nhưng Uber hóa là một xu hướng đang trở nên ngày càng phổ biến trong tất cả lĩnh vực của xã hội.

Học trực tuyến vừa là thách thức vừa là cơ hội để học sinh phát huy tinh thần tự học trong thời gian nghỉ học tập trung do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: S.T.

Học trực tuyến vừa là thách thức vừa là cơ hội để học sinh phát huy tinh thần tự học trong thời gian nghỉ học tập trung do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: S.T.

Có thể nói rằng Uber hóa là một trong những biểu hiện tiêu biểu của nền kinh tế mới, hay rộng hơn là của quá trình chuyển đổi số.

Xã hội chia sẻ

Ý tưởng trung tâm của Uber và Grab là huy động xe hơi cá nhân tham gia vào hoạt động vận tải hành khách công cộng, nhờ đó chủ xe có thêm thu nhập, khách hàng được giảm cước phí, thành phố bớt ùn tắc giao thông, môi trường đỡ bị hủy hoại nhờ giảm bớt khí thải.

Th ra ý tưởng này không mới. Từ nhiều thập niên trước, ở nhiều quốc gia đã có dịch vụ đi xe chung (carpooling), được nhiều chính phủ khuyến khích.

Nhưng trước kia carpooling không phổ biến lắm do việc kết nối hết sức khó khăn. Chính những tiến bộ của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, đã cho phép giải quyết một cách hiệu quả việc tìm kiếm và kết nối giữa chủ xe và người có nhu cầu sử dụng xe, biến ý tưởng này thành một hình thức vận tải hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ thông tin, Uber hóa sẽ giúp các cơ sở đào tạo đại học có thể luân phiên sử dụng chung cơ sở vật chất… Ảnh: S.T

Ứng dụng công nghệ thông tin, Uber hóa sẽ giúp các cơ sở đào tạo đại học có thể luân phiên sử dụng chung cơ sở vật chất… Ảnh: S.T

Nhưng taxi Uber và Grab chỉ là một ví dụ. Xu hướng Uber hóa cũng xuất hiện trong lĩnh vực cho thuê nhà ở: những gia đình hoặc cá nhân có một vài phòng dư trong một khoảng thời gian nhất định có thể thông qua một công ty dịch vụ kiểu Uber để cho những người có nhu cầu phù hợp thuê với cái giá thấp phải chăng, giúp tăng thu nhập cho chủ căn hộ, tăng hiệu suất sử dụng căn phòng, đồng thời người thuê cũng được hưởng lợi. Dịch vụ dùng chung cũng có thể áp dụng với những đồ vật hay dụng cụ khác.

Ở Pháp, chẳng hạn, từng có trào lưu mua thuyền buồm. Hàng ngàn chiếc thuyền buồm tư nhân neo buộc tại các cảng khắp nước Pháp nhưng tần suất sử dụng rất thấp. Câu hỏi là liệu có cần hoặc có nên mua những chiếc thuyền đắt tiền để chỉ sử dụng một vài lần mỗi năm? Rộng hơn, nhận thức về môi trường khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: liệu có cần thiết không khi chúng ta sử dụng quá nhiều nguyên vật liệu để sản xuất những đồ vật ít khi dùng đến? Mỗi gia đình có nên có một bộ dụng cụ như máy khoan, máy bơm nước..., hay nên thuê mỗi khi cần đến?

Xu hướng Uber hóa cũng liên quan đến một lối sống chia sẻ đang hình thành. Ngày càng có nhiều bạn trẻ không mua, mà chỉ muốn thuê nhà. Việc thuê nhà cho phép họ sống trong những điều kiện tốt, dễ thay đổi tùy theo ý thích và công việc mà không đòi hỏi đầu tư lớn – điều cực kỳ quan trọng trong một xã hội không ngừng biến đổi, khi các cá nhân thường xuyên thay đổi nơi làm việc, thường xuyên di chuyển, thường xuyên thay đổi đối tác - cả đối tác làm ăn lẫn đối tác tình cảm.

Uber hóa là một xu hướng không thể tránh khỏi vì trái đất của chúng ta đã quá tải. Uber hóa, vì thế, cũng là một thái độ văn minh trong ứng xử với thiên nhiên, phản ánh sự trưởng thành của nhân loại trong tư duy về tài sản. Trong quá khứ, do hoàn cảnh sống bấp bênh, người ta có xu hướng tích lũy tài sản càng nhiều càng tốt. Nhưng khi nền sản xuất đã phát triển, điều kiện sống đã được đảm bảo, việc tích trữ không còn cần thiết.

Về điểm này, Marx đã tiên đoán chính xác. Phương thức sản xuất thay đổi thì tâm lý con người ta sẽ thay đổi. Khi nền cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho phép đảm bảo ở mức cao các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, cái nhu cầu tích trữ và lòng tham tưởng chừng cố hữu của con người cũng sẽ ngày càng giảm đi.

Buổi học trực tuyến qua livestream của sinh viên ĐH Đông Á với hơn 50 SV theo dõi và GV trợ giảng hỗ trợ tương tác câu hỏi liên quan bài học. Ảnh: S.T.

Buổi học trực tuyến qua livestream của sinh viên ĐH Đông Á với hơn 50 SV theo dõi và GV trợ giảng hỗ trợ tương tác câu hỏi liên quan bài học. Ảnh: S.T.

Giáo dục kết nối và đại học phi học đường

Trong giáo dục đại học, chúng ta cũng thấy ngày càng rõ xu hướng Uber hóa các nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, vật lực và chương trình đào tạo.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong môi trường giáo dục đại học

    Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong môi trường giáo dục đại học

    04:05, 22/04/2020

  • Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia giáo dục đại học

    Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia giáo dục đại học

    19:20, 31/03/2020

  • Giáo dục đại học với “miếng bánh” 89 tỷ USD

    Giáo dục đại học với “miếng bánh” 89 tỷ USD

    11:00, 18/02/2020

  • NHG thành lập Hội đồng giáo dục đại học

    NHG thành lập Hội đồng giáo dục đại học

    14:58, 28/02/2019

  • Hải Phòng: Ngành giáo dục thành phố

    Hải Phòng: Ngành giáo dục thành phố "tuyên chiến" với COVID-19

    13:06, 27/04/2020

  • Không cào bằng hỗ trợ khối giáo dục tư thục

    Không cào bằng hỗ trợ khối giáo dục tư thục

    06:13, 10/04/2020

  • Giáo dục trực tuyến làp/giải pháp tối ưu thời dịch bệnh

    Giáo dục trực tuyến là giải pháp tối ưu thời dịch bệnh

    12:41, 02/04/2020

Uber hóa học liệu bắt đầu bằng sự kết nối đơn thuần về mặt thông tin giữa các thư viện thông qua internet nhằm giúp người đọc xác lập được sự tồn tại và tình trạng của các học liệu cụ thể tại các địa chỉ cụ thể, từ đó có thể tiếp cận để khai thác theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, sự kết nối nhanh chóng chuyển sang một cấp độ sâu sắc hơn: Các học liệu được số hóa và chia sẻ, cho phép người đọc dễ dàng tìm kiếm và, trong nhiều trường hợp, tải nội dung xuống để sử dụng. Việc tải nội dung học liệu trong nhiều trường hợp là hoàn toàn miễn phí, nhưng ngay cả khi mất phí thì chi phí cũng giảm đi đáng kể. Xu hướng Uber hóa học liệu không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn làm thay đổi cách chúng ta khai thác học liệu: khả năng liên kết nội văn bản và liên kết liên văn bản giúp ta tìm kiếm, trích dẫn và kiểm tra nguồn học liệu một cách nhanh chóng và chính xác.

Uber hóa cơ sở vật chất ngày càng phổ biến. Hiện nay, các trường đại học đều có những có cơ sở vật chất tương tự nhau: hội trường, phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, sân vận động, phòng tập thể thao… Rất nhiều trong số đó có tần suất sử dụng rất thấp. Việc Uber hóa sẽ giúp các cơ sở đào tạo đại học tổ chức, khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất và hậu cần hiệu quả hơn. Chẳng hạn, nhờ các ứng dụng của công nghệ thông tin, một nhóm các trường đại học và viện nghiên cứu có thể luân phiên sử dụng chung các hội trường, quảng trường…

Uber hóa giảng viên cũng ngày càng phổ biến. Theo chúng tôi, nhiều quy định liên quan đến giảng viên ở Việt Nam (và cả trên thế giới), như quy định về số lượng và tỷ lệ giảng viên cơ hữu, quy định về tỷ lệ giảng viên và diện tích sử dụng trên đầu sinh viên..., trên thực tế đã lỗi thời. Trong xã hội hiện nay, chúng ta cần phải tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, cả nguồn lực con người lẫn nguồn lực vật chất, bằng giải pháp chia sẻ, chứ không nên xem đó là những nguồn dự trữ.

Quy định cứng nhắc về giảng viên cơ hữu còn lỗi thời vì một lý do khác: sự suy giảm vai trò của người thầy. Dựa trên nền tảng là kho học liệu số hóa và Uber hóa, với sự hỗ trợ ngày càng hiệu quả của trí tuệ nhân tạo, người học ngày càng ít cần đến sự hướng dẫn của thầy.

Trong tương lai, người học thậm chí không cần đến trường. Điều quan trọng người học gì và như thế nào, chứ không phải là ở đâu. Sẽ đến lúc trường đại học chỉ cần công bố chương trình, nội dung các môn học và yêu cầu cần phải đạt được, còn người học có toàn quyền lựa chọn học ở đâu và dưới hình thức nào. Nếu người học thi đạt yêu cầu và tích lũy đủ số tín chỉ, họ có thể được cấp bằng. Công tác khảo thí sẽ do một tổ chức độc lập tiến hành. Khi đó, trường đại học sẽ là đại học phi học đường, mà thực chất chỉ là xưởng thiết kế chương trình.

Đại dịch Covid 19 dường như là một cú hích để điều đó đến nhanh hơn.

Kinh doanh nền tảng kết nối giáo dục

Các mô hình nền tảng đang thúc đẩy sự biến đổi ở mọi ngóc ngách của nền kinh tế, từ truyền thông, bán lẻ, vận chuyển và ngay cả giáo dục.

Nền tảng kết nối giáo dục hiện nay đang trở thành một xu hướng mới và có thể sẽ phát triển nở rộ hơn trong tương lai.

Nhưng mức độ rủi ro cao của ngành là một trong những lý do khiến nhiều người phải e dè. Khi Grab đặt nhầm cho khách một chuyến xe, khi Agoda đặt sai một khách sạn cho khách du lịch, thiệt hại cũng xảy ra, nhưng ít nghiêm trọng hơn so với việc kết nối một học sinh đang ôn thi với những khóa học có kiến thức sai lệch, gây ảnh hưởng đến kết quả về sau.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều công ty nền tảng mong muốn gia nhập vào lĩnh vực “nhạy cảm” như giáo dục. Tiêu biểu có thể kể đến Topica, doanh nghiệp công nghệ giáo dục đa quốc gia chuyên cung cấp các giải pháp giáo dục trực tuyến. Hay Blacasa, nền tảng kết nối nhu cầu học tập của người học với những gia sư, giáo viên và chuyên gia uy tín. Việc những công ty ấy đang dần chiếm được vị thế vượt trội là minh chứng rõ nét nhất cho thấy điều trái ngược với suy nghĩ ban đầu. Tuy nhạy cảm và nhiều rủi ro, tiềm năng phát triển của mô hình kinh doanh nền tảng trong ngành giáo dục là rất lớn.

Trong hoàn cảnh ấy, mô hình nền tảng kết nối xuất hiện như một giải pháp có thể giúp xử lý phần nào khó khăn, đồng thời tạo cơ hội sàng lọc chất lượng của những bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ thay các phụ huynh, học sinh, sinh viên tìm kiếm và đánh giá thông tin, giúp họ kết nối dễ dàng với những bên muốn cung cấp dịch vụ học tập thật sự chất lượng, phù hợp với nhu cầu.

Đơn cử như Edutalk, tên đầy đủ là Công ty cổ phần tư vấn đánh giá và phát triển giáo dục Edutalk, là một nền tảng kết nối học viên và giảng viên, trung tâm uy tín, chất lượng, đảm bảo phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu của người học.

“Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn luôn đồng hành và mang đến những lựa chọn phù hợp nhất,
những giải pháp thiết thực nhất cho học viên của Edutalk nói riêng và cho toàn bộ học sinh, sinh viên của Việt Nam nói chung” - Founder của Edutalk nhấn mạnh.

Hướng đi mà Edutalk, hay Topica, Blacasa lựa chọn đều là xây dựng một nền tảng kết nối giáo dục dựa trên công nghệ, nhằm phát triển nền giáo dục nước nhà vươn tầm sánh ngang với các nền giáo dục tiên tiến khác trên thế giới. Trong tương lai, liệu rằng sẽ còn có thêm bao nhiêu doanh nghiệp đi theo con đường mới mẻ đầy tiềm năng này nữa?

Ngô Tự Lập, Viện Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN