Chủ tịch VCCI: PCI 2019 và niềm tin vào "mùa vàng" kinh tế

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 05/05/2020 10:13

Kết quả PCI 2019 cho thấy dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng điệu hơn, bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng, niềm tin của doanh nghiệp vào "mùa vàng" kinh tế.

LTS: Sáng 5/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019. Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đảng ta đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Tiếng nói tiếng của khu vực tư nhân là tiếng nói từ cơ sở - nơi sinh kế của hàng chục triệu gia đình. Cảm nhận và niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Nhận thức được vấn đề này từ năm 2005, VCCI đã khởi động chương trình nghiên cứu và công bố chỉ số PCI.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay, dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn. Ảnh: Quốc Tuấn

PCI là tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân là "cánh chim không mỏi" của tinh thần cải cách trong việc truyền tải những thông điệp, những kỳ vọng và những khuyến nghị từ khu vực tư nhân đến với các cấp chính quyền để nâng cao năng lực điều hành của các địa phương.

Hàng năm chúng ta công bố chỉ số PCI của các điạ phương nhưng đóng góp quan trọng nhất của PCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân. Và không chỉ khuyến cáo ở tầm định tính, chung chung, thông điệp cải cách từ PCI là những con số biết nói, và những câu chuyện cụ thể có thể “cân, đong, đo, đếm” và áp dụng được ngay. Cách tiếp cận thực tiễn là đặc sản của PCI.

Có đến “Một ngàn lẻ một” câu chuyện cải cách đang được chia sẻ giữa các địa phương. “Cà phê Doanh nhân”- “sự chụm đầu” thân thiện và hiệu quả giữa Anh Chị em chính quyền và doanh nghiệp được thai nghén từ Đồng Tháp giờ đã là nếp sinh hoạt đẹp không thể thiếu được trên 40 tỉnh, thành phố ở nước ta.

DDCI - một phiên bản PCI ở cấp sở, ban ngành, quận huyện, được Quảng Ninh tiên phong thực hiện mạnh mẽ, hiện cũng đã được nhân rộng ra trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các mô hình khác như: Hiệp hội doanh nghiệp nhất thể hoá ở cấp tỉnh, Trung tâm dịch vụ hành chính công, Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA), Bác sỹ doanh nghiệp, các thực tiễn tốt trong đối tác công tư (PPP)... cũng được lan tỏa giữa các địa phương theo hành trình PCI suốt hơn một thập kỷ qua. PCI là cánh chim không mỏi mang tinh thần cải cách tới mọi miền đất nước.

Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử PCI, là một ngày rất là đặc biệt năm 2020, 20 người tham dự lễ công bố PCI nhưng cũng có hàng ngàn người ở các địa phương ở Việt Nam và thế giới đang theo dõi Sự kiện.

Lễ công bố PCI 2019 được công bố đặc biệt với hình thức trực tuyến để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Kết quả PCI - 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ này của Đại hội Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn. Bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn.

Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80 % doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy. Ở thời điểm giữa năm 2019, khi chúng tôi tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Người dân hăng say thành lập doanh nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên. Đó là những con số của niềm tin!

Điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59 % doanh nghiệp có công trình xây dựng trong hai năm qua cho biết họ gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng gần tương đương với tỷ lệ 63% doanh nghiệp gặp khó khăn về khách hàng – khó khăn lớn nhất trên thương trường. Suy ngẫm về con số này, tôi luôn có một điều ước giản dị, giá như doanh nghiệp nước mình không phải gian nan đối phó với thủ tục để toàn tâm toàn ý đối diện với thị trường thì đất nước sẽ còn phát triển đến đâu. Tương tự như vậy, những cải cách thủ tục trong lĩnh vực đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội… theo phản ánh của doanh nghiệp cũng đang còn những dư địa lớn.

Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Đây vẫn là vấn đề nhức nhối. Và một điều quan trọng nữa chưa được như mong đợi là, trong khi các địa phương ở nhóm thấp ở bảng xếp hạng vượt lên thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu, thì các ngôi sao cải cách mấy năm qua vẫn chưa có được những bứt phá nào đáng kể. Đang có hiện tượng “đụng trần” thể chế khi Luật pháp chồng chéo, bất cập đang gây rủi ro cho những nỗ lực sáng tạo để vượt lên.

Gần đây chúng ta phấn khởi đón nhận tin vui vì có những quyết sách kịp thời, quan trọng của Quốc hội, của Chính phủ về việc khẩn trương rà xét, xóa bỏ những chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật và quy định của Bộ Chính trị Đảng ta về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung… Chúng ta tin rằng những quyết sách đó khi được triển khai sẽ giúp tạo ra nhiều động lực mới và trang bị “tấm áo giáp sắt” an toàn cho sự phát triển năng động của chính quyền cấp tỉnh, nhất là các tỉnh thành phố giữ vai trò dẫn dắt, mở đường...

Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân 3 năm liên tiếp. Chúc mừng Đồng Tháp, Vĩnh Long và Bắc Ninh đã có sự tiến bộ vượt bậc. Chúc mừng Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội, Hải Phòng đã có những nỗ lực đáng trân trọng để góp mặt trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu. Và chúc mừng tất cả các địa phương khác đều đã cố gắng vượt lên chính mình trên hành trình cải cách, góp những sắc mầu tươi sáng hơn cho môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh, với tư cách một điểm nhấn đặc biệt, Báo cáo PCI năm nay đã lựa chọn chủ đề: tự động hoá và chuyển đối số trong doanh nghiệp – cơ hội và thách thức đối với vấn đề lao động và việc làm ở nước ta. Trong bối cảnh thời Covid, việc đặt vấn đề nghiên cứu chủ đề này là dễ hiểu, bởi đây là vấn đề đang được quan tâm nhiều nhất. Nhưng việc chọn chủ đề này ngay từ giữa năm 2019, đã phần nào cho thấy PCI đã gần gũi với hơi thở của cuộc sống đến chừng nào.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng: lao động và việc làm sẽ là những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới và chìa khoá để hoá giải vấn đề này, là phải đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, cải cách giáo dục phải được gia tốc mạnh mẽ hơn, phải tăng cường vai trò của giới doanh nghiệp trong đầu tư và định hướng các chương trình đào tạo. Cùng với việc nâng cao kỹ năng của người lao động thì một chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân để nâng cấp, quốc tế hoá và số hoá doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo định hướng phát triển có trách nhiệm và bền vững phải là một yếu tố cấu thành quan trọng bậc nhất của chương trình quốc gia tái khởi động và phục hồi nền kinh tế.

Một điểm cần nhấn mạnh, phục hồi không phải trở lại ngày hôm qua và tái khởi động không phải là vẫn làm theo cách cũ. Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm hơn. Chúng ta trong thời cơ vàng này để tái khởi động, để phục hồi khi chúng ta là một trong số ít những nền kinh tế đã sớm kiềm chế được dịch bệnh để mở cửa nền kinh tế. Sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đem đến cho chúng ta như vận hội mới. Các địa phương sẽ có cơ hội vàng để đón nhận các dòng vốn đầu tư mới với chất lượng cao hơn. Và cải cách thể chế, cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nền tảng quan trọng nhất để chúng ta đón nhận dòng đầu tư đó.

Chúng tôi đã chọn chủ đề trang bìa của Báo cáo PCI năm nay là mầu vàng của mùa lúa chín và những mẻ lưới đầy trong bức tranh Fisher của Hoạ sỹ người Việt Nam Thân Trọng Dũng, để gửi gắm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào những Mùa vàng kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cũng chọn nhạc nền của chương trình công bố Báo cáo PCI là bài hát “ Tình ta biển bạc đồng xanh” của nhạc sỹ p Hoàng Sông Hương với cùng một ý tưởng như vậy. Và để kết lại tôi xin có mấy vần nôm na về mối quan hệ giữa chính quyền các địa phương và doanh nghiệp trên hành trình PCI của chúng ta:

“Tình ta biển bạc, đồng vàng

Chính quyền, doanh nghiệp đồng lòng, chung tay

Mẻ cá đầy, lúa vàng trĩu hạt

Doanh nghiệp phát tài, địa phương phát triển, ấm no”

Có thể bạn quan tâm

  • [TRỰC TIẾP] Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019

    09:30, 05/05/2020

  • 5/5: Công bố trực tuyến Chỉ số PCI 2019

    11:00, 04/05/2020

  • Phú Yên: Đánh giá DDCI để nghiên cứu các giải pháp nâng cao chỉ số PCI!

    18:25, 20/02/2020

  • Đồng Tháp: Đầu xuân, chính quyền nói về cải thiện PCI!

    12:57, 04/02/2020

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam