Thủ tướng: Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GDP trên 5% năm 2020

Thy Hằng 05/05/2020 19:02

Theo đó, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, không phải để mức tăng trưởng thấp chỉ 2,7% như dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 vào chiều ngày 5/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế.

Theo đó, Thủ tướng nhận định doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và một bộ phận không ít người lao động không có thu nhập, nghỉ việc. Do đó, phải nhận thức rõ tình hình khó khăn này để chúng ta có biện pháp xử lý trong tháng 5 và các tháng tiếp theo.

Trên thực tế, báo cáo kinh tế-xã hội cho thấy, kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2020 được duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững. Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt, kinh tế tăng trưởng quý I đạt 3,82%, dù thấp hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều nhưng cũng ở mức cao nhất trong khu vực ASEAN và châu Á.

Cụ thể, về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 1,54% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh, giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội; CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ, tuy thấp hơn tháng trước (5,56%) nhưng ở mức cao.

Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu, thanh khoản thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam sang tháng 4 đã có dấu hiệu khởi sắc nhờ công tác kiểm soát dịch hiệu quả của Chính phủ, đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số nghị định, chỉ thị, nghị quyết đúng đắn, kịp thời và đã đi vào cuộc sống.

Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng cho biết, nghị quyết sẽ có một nội dung về sửa Nghị định 68, yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thống nhất để sửa một số điểm về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong bối cảnh chưa sửa kịp Nghị định 68, để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư xây dựng hiện nay.

Với nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, cần ban hành ngay thông tư để hướng dẫn trong tháng 5.

Chính phủ cũng thống nhất quan điểm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới. "Đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thực hiện nới lỏng để phát triển kinh doanh, nhất là các vùng công nghiệp trọng điểm, các đô thị lớn, những điểm tham quan nổi tiếng để phát triển mạnh du lịch nội địa”, Thủ tướng nói và giao cho chính quyền địa phương căn cứ thực trạng tình hình trên địa bàn thực hiện các biện pháp, đối sách phù hợp.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, Thủ tướng quán triệt tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”, chung sức, đồng lòng, quyết liệt trên mặt trận sản xuất, kinh doanh và cảnh giác dịch bệnh. Một tinh thần quyết tâm vượt khó khăn, thách thức trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, phát triển mạnh sau dịch.

Thủ tướng đề nghị từng đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương sâu sát hơn, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển.

Tất cả các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên. Phải xắn tay áo lên, vào cuộc, tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển ngành, địa phương mình trong phạm vi được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. "Các thành viên Chính phủ thể hiện bản lĩnh trí tuệ, đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, “không phải quyền anh, quyền tôi lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%.

Đồng thời, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.

Trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng khó khăn, nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta lại hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó, cần xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Việc này cần làm ngay và báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp tới.

Với tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP, các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách, bội chi và nợ công.

Về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, tạo khí thế mới trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với giáo dục và đào tạo, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các sở, các trường về bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại, Đồng thời lưu ý việc giãn cách học sinh phù hợp với điều kiện thực tế, không cứng nhắc, cực đoan.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá nhiều mặt hàng giảm nhưng giá thịt lợn vẫn "cố thủ" mức cao vì đâu?

    18:49, 05/05/2020

  • Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 4 tháng chỉ tăng 1,8%

    18:07, 05/05/2020

  • Thủ tướng: Phải sớm phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội

    11:00, 05/05/2020

  • Chủ tịch VCCI: PCI 2019 và niềm tin vào "mùa vàng" kinh tế

    10:13, 05/05/2020

  • COVID-19 và trật tự kinh tế thế giới mới

    11:30, 02/05/2020

Thy Hằng