Doanh nghiệp muốn gia hạn cơ chế giá FIT để thúc đẩy phát triển điện gió

Linh Khánh 08/05/2020 05:30

Bên cạnh vấn đề quy hoạch, dịch COVID-19 gây khó khăn cho các dự án điện gió trong việc cung cấp thiết bị, linh phụ kiện, cũng như hoạt động di chuyển của chuyên gia...

Theo ông Lê Anh Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Ecotech Việt Nam, hiện tại các dự án điện gió đang được gia hạn giá FiT đến 1/11/2021. Theo quy trình, đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió phải mất 18 tháng nhưng từ nay đến thời điểm đó còn không đủ 18 tháng, do đó, nếu không kịp đóng điện đúng thời điểm gia hạn sẽ không được hưởng giá FiT. 

Ông Tùng cho rằng, nhà máy phải có rất nhiều đơn vị gia công tổ hợp như: đơn vị gia công cánh, đơn vị gia công cột, đơn vị gia công cột... Một trong những dây chuyền bị ngừng hoạt động do COVID-19 thì quy trình làm ra một tuabin sẽ bị đình trễ. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hãng tuabin không đủ hàng cung cấp, trong khi lượng hàng tồn trong nước hạn chế. Vì thế, giá thành sẽ bị đẩy lên cao và doanh nghiệp mua cũng không thể đàm phán giảm giá được.  

Hơn nữa, các doanh nghiệp không thể đầu tư thiết bị chỉ để làm 1 dự án. Trong thời điểm hiện nay, nếu bắt buộc phải mua thì chi phí sẽ bị đội lên. Vì thế, "nếu Chính phủ giữ nguyên thời hạn đến tháng 1/11/2021 thì các nhà thầu thi công sẽ không làm được”, ông Tùng nói.

Chủ đầu tư các nhà máy điện gió hiện gặp khó với FiT

Chủ đầu tư các nhà máy điện gió hiện gặp khó với FiT

Theo ông Tùng, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cần gia hạn thời gian hưởng giá FiT. Ví như, do ảnh hưởng của dịch nên bị chậm trong 6 tháng thì Chính phủ kéo dài thêm 6 tháng; ảnh hưởng COVID-19 chậm 1 năm thì Chính phủ kéo dài thêm 1 năm...

Nếu gia hạn như vậy, chủ đầu tư có đủ thời gian thực hiện mà không bị các hãng cung cấp ép giá. Ngược lại, nếu thời gian thực hiện giá FiT không kéo dài thì sẽ rất ít nhà đầu tư cán mốc được. Trường hợp có chủ đầu tư cán mốc được thì sẽ bị đội giá rất cao.

"Như doanh nghiệp của chúng tôi có thể cán mốc nhưng sẽ bị đội giá lên khoảng 20%. Nếu đơn vị nào đàm phán tốt thì dao động giá sẽ tăng từ 14 – 15%. Trong thời điểm hiện nay, vấn đề trên sẽ rất khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam" - vị này nói.

Nhiều chủ đầu tư cho biết, gia hạn đối với dự án điện gió đã là một hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp. Bởi khi đó, doanh nghiệp không phải đội vốn để chạy tiến độ.

Ông Jean-Francois Pierre Peron, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vòng Tròn Xanh Việt Nam cho biết, "chúng tôi mong muốn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với đề xuất của Bộ Công Thương theo Công văn 2491 về việc kéo dài FiT đến hết 31/12/2023. Thêm vào đó, giá FiT hiện tại (1.928 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT, tương đương 8,5Uscents/kWh đối với các dự án điện gió trong đất liền; và 2.223 đồng/kWh, chưa gồm VAT, tương đương 9,8 UScent/kWh đối với các dự án điện gió trên biển) phải được giữ nguyên hết 31/12/2023".

Ông Đào Hùng Cường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Hải thì nhận định rào cản lớn nhất hiện nay chính là về tiến độ. Nếu bắt tay vào việc làm ngay từ bây giờ thì vẫn làm kịp nhưng phải có điều kiện chuẩn bị như nguồn vốn. Tuy nhiên, vốn vay trong nước hiện quá cao, khoảng 12%, với giá đó thì không thể sinh lời được.

Ông Cường cũng cho rằng, điện gió phức tạp hơn mặt trời. Theo đó, thời gian nghiên cứu, thẩm định, lựa chọn công nghệ, thời gian thi công điện gió cũng lâu hơn. Hơn nữa, các công trình lưới điện phải được rà soát đồng bộ và xây dựng kịp tiến độ phát điện. Ngành điện EVN đầu tư dự án đường dây ít nhất phải 3 năm mới hoàn thành. Nếu nhà máy phát điện mà không có đấu nối thì sẽ xảy ra tình trạng quá tải giống điện mặt trời bây giờ. Ngoài ra, ông Cường đề nghị giãn tiến độ giá FiT ưu đãi hiện tại đến hết 2023.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian ngắn hạn, Việt Nam sẽ cần sự đầu tư vào điện gió và là một trong những động lực phát triển kinh tế cho giai đoạn hậu COVID-19 nhằm tránh suy thoái. Còn, về trung và dài hạn, Việt Nam sẽ cần xây dựng nền công nghiệp năng lượng tái tạo của riêng mình, bao gồm nền công nghiệp điện gió, để nắm bắt cơ hội quý giá từ làn sóng chuyển dịch năng lượng sắp tới.

Đề xuất mới nhất của Bộ Công thương: 

- Kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg tới hết ngày 31/12/2023.

- Giao Bộ Công thương đề xuất giá mua điện gió mới áp dụng từ ngày 1/11/2021 đến ngày 31/12/2023 để Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

- Sau năm 2023, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.

Có thể bạn quan tâm

  • Phú Yên: Yêu cầu tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án điện gió!

    Phú Yên: Yêu cầu tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án điện gió!

    05:10, 14/04/2020

  • Doanh nghiệp điện gió cần chính sách

    Doanh nghiệp điện gió cần chính sách "khơi thông" đường tải

    04:00, 07/04/2020

  • Điện gió tăng tốc bất chấp quá tải

    Điện gió tăng tốc bất chấp quá tải

    11:00, 13/03/2020

Linh Khánh