TP.HCM kiến nghị tạm dừng bậc thang giá điện
Chủ tịch UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm giá điện 10% như hiện nay và tạm dừng áp dụng bậc thang giá điện cho đến khi hết dịch.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất, giá trị các ngành công nghiệp trọng yếu và thu ngân sách suy giảm do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, thành phố có hơn 1.600 doanh nghiệp đã giải thể trong quý I, tăng 17,8% cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế của TP.HCM vẫn có những điểm sáng. Cụ thể, TP.HCM đã giải ngân đầu tư công tăng gấp đôi so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt mức cùng kỳ năm 2019.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển thời gian tới, người đứng đầu chính quyền TP. HCM kiến nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như thời gian vừa qua.
Đặc biệt, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm giá điện 10% như hiện nay với người dân, doanh nghiệp và dừng áp dụng việc tính giá điện theo bậc thang cho đến khi công bố hết dịch.
"Thời gian qua, Bộ Công Thương đã áp dụng giảm giá điện 10%, từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề là việc áp dụng mức tính bậc thang khiến các doanh nghiệp tăng chi phí trong thời gian hoạt động trở lại", Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận cho các doanh nghiệp giảm tiến độ nộp tiền sử dụng đất với các khoản phát sinh từ tháng 3 đến tháng 6. Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ mong muốn Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được kéo dài tiến độ đối với khoản phí này trong 5 tháng.
Theo Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, trong 3 tháng đầu năm, thành phố có 7.773/250.000 doanh nghiệp phá sản hoặc đóng cửa, chiếm 3%. Dù có thiệt hại nhưng 97% năng lực sản xuất còn nguyên. Do đó, nếu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giữ người lao động, giảm áp lực chi trả vay nợ đủ thanh khoản thì từ tháng 5 trở đi, bộ máy doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, hiện có 15 quốc gia/vùng lãnh thổ là đối tác đóng góp 80% tổng thương mại, 80% thu hút đầu tư nước ngoài và 80% khách du lịch. Trong đó, có 8 quốc gia/vùng lãnh thổ đã chuyển giai đoạn về phòng, chống dịch trong nước và đang tiến đến trạng thái kiểm soát để không có quá 10 người nhiễm/triệu dân.
Về đầu tư, 5 trong số 6 quốc gia/vùng lãnh thổ chiếm 80% tổng đầu tư là Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan đã kiểm soát được, có triển vọng giao thương và giúp khôi phục 65-70% đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Về du lịch, 5/8 quốc gia/vùng lãnh thổ là nguồn khách du lịch chính gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan đã kiểm soát tốt và Việt Nam có thể phục hồi 33% lượng khách du lịch quốc tế, tương đương 6 triệu người. Tuy nhiên, việc kiểm soát lượng khách này là bài toán cần giải quyết.
“Vật liệu xây dựng, sản xuất và dịch vụ phục vụ người dân có thể sớm phục hồi. Dịch vụ phục vụ nước ngoài triển vọng phục hồi trong quý III. Công nghiệp phục vụ trong nước, hàng tiêu dùng phục vụ xuất khẩu, sản xuất thiết bị máy móc là những lĩnh vực có thể phục hồi trong quý II, III” - Bí thư Thành ủy TP. HCM nhận định.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Vì sao giải thoát cho những công trình sai phạm xây dựng từ năm 2008?
15:52, 07/05/2020
TP.HCM sẽ có thêm tuyến metro gần 68.000 tỉ đồng
13:00, 06/05/2020
Vì sao đề xuất Thành phố phía Đông TP.HCM liên tục bị "vướng"?
07:00, 06/05/2020
TP.HCM: Siết việc giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam
04:00, 02/05/2020
TP.HCM kiến nghị thay đổi xếp loại nguy cơ dịch bệnh COVID-19
20:08, 20/04/2020