Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: "Ví không có cảnh đông tàn. Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”

Thy Hằng 09/05/2020 08:39

Nhắc tới bài thơ "Tự khuyên mình" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đây là cơ hội vàng cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi và thiết lập vị trí mới trên trường quốc tế.

Sáng ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Đây là lần thứ tư “Hội nghị Diên Hồng” này được tổ chức.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Diên Hồng lần thứ 4 vào sáng ngày 9/5 trong

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Diên Hồng lần thứ 4 vào sáng ngày 9/5/2020

Đặc biệt, Hội nghị diễn ra trong “trạng thái bình thường mới” với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhận định, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam.

Theo Người đứng đầu Chính phủ, trong bối cảnh khó khăn như vậy, những doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh là những doanh nghiệp có năng lực thích nghi tốt nhất. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc tới những doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải toả thời gian qua là điều đáng buồn. 

Nhắc tới con số tăng trưởng kinh tế quý I/2020 tại một số đầu tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, TP HCM có mức tăng trưởng quý I/2020 so với cùng kỳ là 1,43%, Hà Nội tăng trưởng trên 3,5%, Hải Phòng tăng trưởng hơn 14,9%.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 3,82% trong quý I/2020, mặc dù là mức thấp trong nhiều năm qua nhưng là mức cao so với nhiều nước, thậm chí là mức tăng trưởng cao nhất trong các nước ASEAN ở quý I/2020. 

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 ở mức 2,7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong các nước ASEAN 5 Việt Nam được dự báo là có mức tăng trưởng tốt nhất.

Theo Thủ tướng, trước thách thức của dịch bệnh, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển để ngọn lửa tăng trưởng vẫn có thể bùng lên khi dịch kết thúc.

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2020 được thực hiện theo hình thức trực tuyến

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2020 được thực hiện theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp

Sau 23 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, chưa có người tử vong vì COVID-19, Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, nếu mỗi người chịu hi sinh một phần lợi ích nhỏ của mình thì tất cả sẽ chiến thắng. “Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.

Về kinh tế, Thủ tướng nhận định: “Năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn”.

Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ, nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng, thị trường cổ phiếu dù nhìn chung đi xuống nhưng vẫn nhiều mã cổ phiếu tăng cao. Có được điều này là do các doanh nghiệp này phát triển bằng các giá trị cốt lõi, bền vững, không phải các giá trị ảo, thiếu bền vững. 

Khẳng định khi nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nhịp đập kinh tế sẽ như lò xo bị nén lại giờ bật tăng, Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Đồng thời, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Muốn vậy, Người Chính phủ nhắc tới 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này, đó là thu hút đầu tư tư nhân, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Để hiện thực những yêu cầu đó, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải chứ U hay chữ W.

“Hội nghị không phải dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ mà phải là dịp đóng góp, hiến kế cho phát triển. Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp sản xuất nhưng có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất. Tăng năng suất mới là yếu tố phát triển bền vững. Do đó, các địa phương, các doanh nghiệp dành thời gian hiến kế cho sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành phải "xắn tay", các địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Đặc biệt không phải quyền anh quyền tôi lúc này, mà phải vì dân tộc, vì đất nước, phải hợp tác để cùng thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế được đánh giá rất cao, Thủ tướng khẳng định đây cũng là cơ hội cho nền kinh tế tận dụng thời cơ vàng, là cơ hội cho doanh nghiệp, trước hết là cơ hội cho doanh nghiệp nội địa, nhưng nếu không biết nắm bắt sẽ trượt mất.

Việt Nam có mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045. Dịch bệnh không làm thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này. Vậy xin hỏi tầm nhìn 2045 của doanh nghiệp là gì? Đang ở đâu?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thủ tướng Chính phủ cho biết hiện tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn tầm quốc tế, nhưng chưa có doanh nghiệp nào lọt vào top 500. Thủ tướng đặt câu hỏi liệu năm 2045, Việt Nam có doanh nghiệp tầm cỡ hay không?

25 năm nữa là có thể xuất hiện các đế chế ở Việt Nam hay không? 25 năm trước chưa ai nghĩ đến Google, Alpha, Alibaba… Không gì là không thể, doanh nghiệp không sợ thất bại, phải biến ước mơ thành hiện thực”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định, sau thời gian giãn cách xã hội, đây là cơ hội trăm năm cho doanh nghiệp, nếu không nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy.

Thủ tướng cho rằng, việc gì quá dễ dàng thì kém có ý nghĩa, thành công không phải vì đã đạt được, mà là trở ngại đã và sẽ vượt qua. Thủ tướng nhấn mạnh lúc gai góc nhất là lúc thể hiện tinh thần dân tộc, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí.

Cuối cùng, dẫn bài thơ “Tự thương mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng động viên doanh nghiệp: “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”.

Người đứng đầu Chính phủ đưa ra 6 đề nghị tới cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ nhất, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp yêu tổ quốc, làm gì cũng phải nghĩ đến tổ quốc, thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ. Thủ tướng Chính phủ cảm ơn tinh thần chia sẻ của nhiều doanh nghiệp với Chính phủ, nhiều hộ kinh doanh cá thể nhường cơm sẻ áo trong lúc dịch bệnh.

Thứ hai, cần đoàn kết, mất đoàn kết là tự làm yếu mình.

Thứ ba, không nản chí, nản chí là tự bỏ cuộc.

Thứ tư, năng động, quyết đoán, thụ động lưỡng lự là mất cơ hội.

Thứ năm, sáng tạo, thiếu sáng tạo là tự thụt lùi.

Thứ sáu, có niềm tin, tự mình chối bỏ mình nếu không có niềm tin.

Có thể bạn quan tâm

  • TRỰC TIẾP: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp

    08:13, 09/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Dệt may kiến nghị "nới" điều kiện dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất

    07:00, 09/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp: Yêu cầu hạn chế, kiểm soát việc doanh nghiệp bị "thâu tóm"

    16:14, 08/05/2020

  • 4 nhóm vấn đề sẽ thảo luận tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2020

    14:52, 07/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: “Có chí thì nên” chứ không “than nghèo, kể khổ”

    14:13, 06/05/2020

  • Đề xuất bảo lãnh tín dụng 150.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp du lịch vượt khó

    14:47, 08/05/2020

Thy Hằng