Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: VCCI đề nghị ban hành Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19

Đỗ Huyền 09/05/2020 13:34

Đây là một trong những vấn đề nổi bật trong báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, VCCI đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp thống nhất trong cả nước trên cơ sở rút kinh nghiệm và hoàn thiện Bộ chỉ số do TP Hồ Chí Minh đã áp dụng đối với các doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian vừa qua.

VCCI đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp.

VCCI đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp.

Đồng thời, VCCI cho rằng cần có văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành hướng dẫn doanh nghiệp tiến hành cách ly, tự cách ly và xử lý tình huống liên quan trong trường  hợp doanh nghiệp có người bị nhiễm bệnh  hay nghi nhiễm, cách hạn chế rủi ro dẫn đến đóng cửa nhà máy nếu xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh tại nơi làm việc (cách ly từng phần hay toàn bộ), các hỗ trợ thiệt hại (nếu có)…

Ngoài ra, cũng cần có các quy định chính sách đối với người lao động trong thời gian cách ly (hưởng bảo hiểm y tế hay doanh nghiệp phải chi trả).

VCCI cho rằng, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ và đồng hành từ phía người lao động và người tiêu dùng.

Do đó, VCCI đề nghị các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn chủ động vận động người lao động sẵn sàng chấp nhận trả một phần lương đủ để đảm bảo cuộc sống, phần còn lại cho doanh nghiệp trả chậm sau một thời gian (theo thỏa thuận) để chung tay với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ngoài ra, đề nghị cho áp dụng sớm điều khoản của Bộ Luật về lao động 2019 (có hiệu lực từ 2021): Khi bị thiên tai dịch bệnh do điều kiện khách quan, cho phép doanh nghiệp được trả lương cho người lao động ở mức tối thiểu 14 ngày, sau đó có thể trả thấp hơn theo thỏa thuận.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, VCCI khuyến nghị bên cạnh những biện pháp cấp bách trước mắt là thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí; chú trọng khai thác thị trường trong nước; tăng cường liên kết các hiệp hội doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển thị trường nội bộ trong các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực. Đồng thời triển khai những biện pháp dài hạn như: Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp; chuyển đổi số; tìm kiếm các mô hình và phương thức kinh doanh mới; quản trị doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững; tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường, chuỗi cung ứng mới

Tranh thủ cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao từ Trung Quốc và một số quốc gia khác vào Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn đầu tư FDI.

"Chẳng hạn Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể hợp tác đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển có nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao", VCCI dẫn chứng.

Dịch COVID-19 cho thấy nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu đối với các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn do thị trường nguyên vật liệu của Việt Nam dựa chủ yếu và Trung Quốc, thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Khi các thị trường này bị phong tỏa bởi dịch bệnh thì nguy cơ ngừng sản xuất rất cao.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần thực hiện đa dạng hóa thị trường cung ứng và xuất khẩu thông qua việc tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất  là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và phù hợp với kinh tế thị trường chung của thế giới

    13:16, 09/05/2020

  • Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cộng đồng doanh nghiệp chủ động vượt qua khó khăn

    13:10, 09/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: VCCI đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021

    12:49, 09/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp chưa hưởng ưu đãi hỗ trợ

    12:20, 09/05/2020

  • Doanh nghiệp phải biết “chiếm chỗ” trong chuỗi cung ứng mới

    12:15, 09/05/2020

  • Cần chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động

    12:14, 09/05/2020

  • Tinh giản, cắt giảm các quy định quản lý rườm rà

    11:44, 09/05/2020

Đỗ Huyền