Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Bộ Tài chính nêu 10 giải pháp về chính sách tài khóa, thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp
Khẳng định đã đạt "kỷ lục" soạn thảo các quy định hướng dẫn về thuế, Bộ Tài chính cho biết tiếp tục đưa ra giải pháp chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp.
Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như Nghị định 41, phối hợp với các bộ ngành ban hành các văn bản miễn giảm thuế, phí, lệ phí… Bên cạnh đó là tích hợp dịch vụ thuế lên Cổng Thông tin hành chính Quốc gia.
"Kỷ lục" soạn thảo các quy định hướng dẫn gia hạn thuế
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc miễn, giảm thuế như thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (số thuế dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 15.500 tỷ đồng mỗi năm); điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc dẫn đến giảm thuế thu nhập cá nhân (số thuế dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 10.800 tỷ đồng mỗi năm); tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 (dự kiến số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn có tác động hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm).
Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản của 18 Bộ, trong đó có 15/18 Bộ đề xuất giảm các khoản phí, lệ phí đến hết năm 2020. Ngay khi nhận được đề xuất của các Bộ, Bộ Tài chính đã xây dựng 19 dự thảo Thông tư quy định miễn, giảm phí, lệ phí và gửi xin ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đến nay đã ban hành được 8 Thông tư và sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành các Thông tư khác cơ bản trong tuần tới.
Đánh giá thu ngân sách giảm lớn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết có 4 yếu tố chính đó tác động là: Tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn mục tiêu; giá dầu thô giảm sâu; điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp chậm…
Thực tế tiến độ thu NSNN đang có dấu hiệu giảm dần: tháng 1 thu 11% dự toán, tháng 2 thu 6,3% dự toán, tháng 3 thu 7% dự toán, tháng 4 thu 5,9% dự toán, trong khi cùng kỳ thu tháng 4 các năm gần đây đạt 8,5-10% dự toán). Tổng thu NSNN luỹ kế trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019 và dự báo cả năm 2020, thu NSNN sẽ giảm khoảng 130 nghìn – 150 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, về chi ngân sách, phải tăng chi cho các hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội đồng thời, vẫn phải đáp ứng đủ nguồn lực cho chi đầu tư phát triển để góp phần duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.
10 giải pháp trọng tâm
Do vậy, Bộ trưởng Tài chính cho rằng: Việc điều hành cân đối ngân sách đang là thách thức lớn và là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn của Chính phủ, các cấp, các ngành trong năm 2020.
Việc khôi phục dần các hoạt động trên cơ sở nới lỏng giãn cách xã hội cũng đang là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển và đây cũng chính là thời điểm bước vào giai đoạn mới của thực hiện nhiệm vụ kép vừa tiếp tục chống dịch vừa thực hiện phục hồi kinh tế - xã hội. Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nắm bắt được các cơ hội phát triển, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Theo đó, Bộ Tài chính đề ra 10 giải pháp chủ yếu, thứ nhất, tiếp tục bám sát các nội dung về thuế đã báo cáo với Quốc hội và Thường vụ Quốc hội để sớm ban hành và tổ chức triển khai, thực hiện tốt ngay sau khi được ban hành. Đó là các chính sách miễn giảm thuế TNDN với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 2025.
Thứ hai, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành 2 Nghị định mà Bộ đã trình là Nghị định sửa đổi Nghị định số 134 và 125 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã đề xuất giảm thuế 24 nhóm mặt hàng, miễn thuế toàn bộ nguyên liệu, linh kiện, vật tư để sản xuất các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, gia công sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, các quy định trong 2 Nghị định đã tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may, da giày, nông lâm thủy sản.
Thứ ba, Bộ sớm trình Chính phủ văn bản giảm tiền thuê đất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do dịch bệnh Covid-19.
Thứ tư, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành địa phương, tiếp tục rà soát cắt giảm phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đã ban hành để người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ. Thứ sáu, giảm tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp sản xuất trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan hải quan ấn định thuế GTGT.
Thứ bảy, xem xét thực hiện gia hạn thời hạn nộp chứng từ. Thứ tám, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Thứ chín, phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Thứ mười, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Dệt may không chọn cho lao động nghỉ việc để nhận hỗ trợ từ Chính phủ
17:20, 09/05/2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Giảm giá thành logistics, đón đầu sóng đầu tư vào miền Trung
13:40, 09/05/2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Kiến nghị nhanh chóng khai thác "kinh tế ban đêm" trên toàn quốc
13:00, 09/05/2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Korcham kiến nghị nối lại đường bay Việt Nam - Hàn Quốc
11:12, 09/05/2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: VASEP kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp "đón sóng" đầu tư
09:53, 09/05/2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: "Ví không có cảnh đông tàn. Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”
08:39, 09/05/2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Dệt may kiến nghị "nới" điều kiện dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất
07:00, 09/05/2020