COVID-19 làm "vỡ trận" phương án tài chính, Bộ GTVT kiến nghị "cứu" doanh nghiệp BOT
Hàng loạt các dự án BOT có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính trong khi không được tăng phí theo lộ trình hợp đồng đã ký kết khiến nhà đầu tư gặp khó khăn.
Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo Bộ GTVT, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ đã báo cáo, kiến nghị giải pháp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp BOT do doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo phương án tài chính.
Qua tổng hợp số liệu thống kê các doanh nghiệp BOT báo cáo (cập nhật đến hết ngày 22/4/2020, khi đã xuất hiện dịch COVID-19), có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo.
Như vậy, dịch COVID-19 đã làm gia tăng khoảng cách giữa doanh thu thực tế với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hầu hết các hợp đồng BOT, từ đó ảnh hưởng rất lớn tới khả năng trả nợ của các doanh nghiệp BOT.
Trong khi đó, các ngân hàng thường yêu cầu trả nợ theo kế hoạch, tức là doanh nghiệp BOT phải bù thêm từ nguồn vốn khác khi doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo dẫn đến các doanh nghiệp BOT rất khó khăn và không có nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì công trình dự án dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống tín dụng...
“Việc xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BOT vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là hợp lý và cũng là thực hiện đúng cam kết của cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký và quy định pháp luật”, lãnh đạo Bộ Giao thông lo ngại.
Trước những khó khăn phát sinh, các doanh nghiệp BOT đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tập trung vào các nội dung như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không chuyển các doanh nghiệp BOT sang nhóm nợ xấu. Giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2019 và 2020. Miễn, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời, hỗ trợ, giảm lãi suất vay của các khoản vay đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; kiến nghị giảm từ 2-3%/năm so với hiện nay lãi suất vay đang dao động khoảng 10-11%/năm. Bố trí ngân sách Nhà nước để bù đắp phần doanh thu sụt giảm khi doanh nghiệp BOT thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét trưng mua một phần hoặc toàn bộ đối với các dự án có trạm thu phí chưa được tổ chức thu phí do không đảm bảo an ninh trật tự.
Về mức thu phí, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí (khi cần thiết).
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Đồng thời, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch COVID-19. Việc phương án tài chính bị ảnh hưởng là do chính sách giá khi điều hành kinh tế vĩ mô (miễn, giảm phí; chưa tăng phí theo lộ trình) và các yếu tố khách quan dẫn đến doanh thu thu phí thấp hơn doanh thu dự báo trong hợp đồng dự án.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng, giao Bộ GTVT tính toán kinh phí Nhà nước cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với doanh thu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký và các dự án chưa được thu phí. Trường hợp cần thiết, đề xuất để Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cân đối kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. Chấp thuận cho các doanh nghiệp BOT giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2019, 2020.
Có thể bạn quan tâm