Việt Nam làm gì để phát triển kinh tế hình chữ V?
“Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp vào phát triển, kinh tế sau dịch phải hình chữ V, chứ không phải chữ U, càng không phải chữ W”.
Đó là lời khắng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn và phục hồi kinh tế.
Phát triển kinh kế hình chữ V
Đây là lần thứ tư, Thủ tướng chủ trì một hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam vẫn theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, là vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế, để ‘ngọn lửa tăng trưởng phải cháy, sớm bùng lên trở lại khi dịch được kiểm soát’.
Thực tế, để duy trì hoạt động trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm chi phí, lực lượng lao động, tạm dừng hoạt động… Nhưng Chính phủ Việt Nam đã lãnh đạo, hạn chế được số người nhiễm bệnh, Việt Nam cũng đạt được những thành tích đáng nể về kinh tế qua các báo cáo về chỉ số vĩ mô trong quý I/2020, trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm.
Các nhà kinh tế học thường chọn chữ cái La Mã để dự đoán khả năng phục hồi của kinh tế với COVID-19. Mô hình chữ V hàm ý sự phục hồi nhanh tương đương với đà sụt giảm. Mô hình chữ U cho thấy kinh tế sẽ ở đáy lâu hơn trước khi phục hồi. Mô hình chữ W hàm ý về khả năng đi lên rồi có thể suy thoái trở lại trước khi phục hồi hoàn toàn.
Nên khách quan mà nói, trước khó khăn của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, nền kinh tế. Khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đi qua thì nền kinh tế sẽ như chiếc lò xo nén lại, giờ là lúc phải bung ra đúng lúc, đúng thời điểm.
“Lúc này chúng ta phải khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng 5%, cao hơn dự báo của IMF và kiểm soát lạm phát dưới 4%... Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp vào phát triển, kinh tế sau dịch phải hình chữ V, chứ không phải chữ U, càng không phải chữ W” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Muốn đạt mục tiêu này, Thủ tướng đề cập năm mũi giáp công là thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, trước hết là đầu tư tư nhân. Kế đó là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Vì thế, đây chính là thời điểm mà như người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh: “Phải vực dậy nền sản xuất để giải quyết việc làm, tăng trưởng bằng các biện pháp căn cơ, mạnh mẽ”; “phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch”.
Phải coi trọng việc “nâng cấp” môi trường kinh doanh
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh phát triển, thúc đẩy kinh tế theo hình chữ V, thì việc “nâng cấp” môi trường kinh doanh là yêu cầu tối cần thiết ở thời điểm này.
Thực tiễn cho thấy, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh với 2 nhóm giải pháp quan trọng là Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành hàng năm (kể từ năm 2014 đến nay) và Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp, chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Tuy nhiên, để có một sự đồng thuận, đồng bộ trong công tác thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ về nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một điều đáng quan tâm hiện nay. Vì nỗ lực cải thiện, “nâng cấp” môi trường kinh doanh đang có hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”.
Bằng chứng là mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019.
Một trong những thông tin đáng chú ý được TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết trong bài phát biểu và đánh giá đó vẫn là vấn đề nhức nhối là chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.
Thông thường, chi phí này được hạch toán vào giá thành sản phẩm, làm cho giá sản phẩm tăng cao và hậu quả là không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Lợi thế luôn thuộc về doanh nghiệp bỏ ra chi phí không chính thức nhiều hơn. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng, triệt tiêu sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế, gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp nhiều nhất.
Theo đó, một trong những việc cần kíp lúc này để “nâng cấp” môi trường kinh doanh là phải xóa bỏ được cái gọi là ‘chi phí không chính thức’ vì nó trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.
Kế nữa là tạo sự công bằng trong chính sách, đặc biệt là chính sách thuế và ưu đãi về đất đai đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; cần rà soát lại chính sách ưu đãi và lựa chọn doanh nghiệp FDI. Đẩy mạnh cải thiện nguồn thu trực tiếp cho ngân sách từ việc nâng mức đóng góp của doanh nghiệp FDI, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, nuôi dưỡng nguồn thu từ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Chính phủ và các cơ quan quản lý chuyên ngành cần phải thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ, hoạt động tham vấn Chính phủ và hợp tác với các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp tư nhân và FDI, hàng tháng và hàng quý để đánh giá các tiến triển. Đồng thời phải xác định “các mục tiêu cụ thể” để cải thiện môi trường kinh doanh.
Muốn làm được như vậy, chúng ta phải chống lại cái gọi là ‘virus trì trệ’. Như lời của người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo: “Chúng ta đã chứng kiến tinh thần chống dịch như chống giặc, giờ đây là lúc chống trì trệ như chống dịch. Tinh thần này cần phải được thúc đẩy. Chúng tôi nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu? Đừng nhìn người khác, cơ quan tổ chức khác, bộ ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính chúng ta, tổ chức chúng ta, cộng đồng doanh nghiệp chúng ta”.
Có thể nói, các biện pháp của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19 đang trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo. Việc phục hồi kinh tế cũng là một cơ hội và theo các chuyên gia, chính thời điểm này, chứ không phải là khi dịch chính thức qua đi, mới là “thời điểm vàng” để chúng ta tiến hành vực dậy, phục hồi nền kinh tế.
William Arthur Ward – nhà văn người Mỹ từng nói rằng: “Cơ hội giống như bình minh. Nếu bạn chờ quá lâu, bạn sẽ bỏ lỡ nó”. Và Việt Nam cần phải biết nắm bắt cơ hội này.
Có thể bạn quan tâm
Đòn bẩy phục hồi kinh tế TP.HCM hậu COVID-19
22:01, 12/05/2020
Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và phù hợp với kinh tế thị trường chung của thế giới
13:16, 09/05/2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Kiến nghị nhanh chóng khai thác "kinh tế ban đêm" trên toàn quốc
13:00, 09/05/2020
Những tín hiệu giúp kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại
05:30, 06/05/2020
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói về ba bước trong kịch bản phục hồi kinh tế sau COVID-19
02:16, 06/05/2020