Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Vì sao Bộ GTVT vẫn loay hoay với “phương án đầu tư”?
Mặc dù thời gian đã trôi qua hơn 4 năm kề từ khi Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được Chính phủ phê duyệt. Thế nhưng, tới nay Bộ GTVT vẫn loay hoay với “phương án đầu tư ” là hết sức khó hiểu.
Nửa thập kỷ vẫn chỉ là… “chuẩn bị”?
Liên tiếp là những văn bản đề xuất của Bộ GTVT lên Thủ tướng Chính Phủ về phương án đầu tư cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Tuy nhiên, phương án nào sẽ được lựa chọn để đạt được hiệu quả và tối ưu nhất thì vẫn còn quá mơ hồ. Trong khi, thời gian hoàn thành thì lại vẫn được giữ nguyên như đinh đóng cột khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về năng lực của Bộ GTVT.
Đáng chú ý, sau nhiều lần đề xuất phương án đầu tư nhưng vẫn không thể triển khai thì mới đây, Bộ GTVT lại tiếp tục có thêm một công văn nữa trình Thủ tướng Chính phủ có nội dung liên quan đến các phương án đề xuất đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Cụ thể, tại văn bản số 2200/BGTVT-ĐTCT, ngày 12/3/2020 về một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Trong đó, đối với dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ GTVT có nội dung kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai theo hình thức PPP “để nâng cao hiệu quả tài chính và tạo điều kiện thuận lợi về huy động tín dụng”, với 3 phương án:
Một là, chuyển sang đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ chuyển nhượng quyền khai thác để thu hồi vốn.
Hai là, triển khai theo hình thức PPP, đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư.
Ba là, triển khai theo hình thức PPP, chỉ định nhà đầu tư…
Bị động… thiếu nhất quán?
Cũng theo văn bản này, các phương án kiến nghị Chính phủ đều đưa ra mốc thời gian hoàn thành cơ bản cuối năm 2022 (hoặc Quý I năm 2023), cùng với công trình cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào sử dụng sẽ khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Như vậy, có thể thấy những nội dung văn bản số 2200/BGTVT-ĐTCT của Bộ GTVT về việc triển khai thực hiện đoạn tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, còn khá nhiều bất cập. Điều đáng nói là chỉ với 23 km đường bộ, và đặt trong quyết tâm đầu tư của Chính phủ, mong mỏi của người dân vùng Tây Nam Bộ nhằm kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ để thuận tiện đi lại và phát triển kinh tế, cho thấy các bước đi của cơ quan quản lý chuyên ngành - Bộ GTVT trong thời gian qua là bị động, lúng túng, làm lãng phí nhiều thời gian và công sức của nhiều cơ quan, ban ngành và cả Chính phủ.
Dư luận và người dân sẽ không khỏi rất lấy làm lạ về câu câu chuyện với 23 km cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ nhưng cứ trở đi, trở lại với rất nhiều phương án, đề xuất loanh quanh, luẩn quẩn suốt gần một nhiệm kỳ qua mà vẫn chưa thể “chốt” được phương án cụ thể nào là rất đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, trong văn bản trình Thủ tướng nêu trên, Bộ GTVT cũng dẫn lý do là “cầu Mỹ Thuận 2 đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2023. Do đó, việc rút ngắn thời gian thông xe kỹ thuật cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào năm 2022 sẽ không mang lại hiệu quả cao, đồng thời gây khó khăn cho việc phải bố trí bổ sung 544 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước cho dự án” là hết sức bất cập.
Vì vậy, để thu hồi vốn nhà nước đầu tư cho dự án, Bộ GTVT dự kiến áp dụng hình thức chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công cho dự án. Bộ cũng sẽ lập thành dự án riêng để tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và tổ chức thu phí sử dụng đường bộ như đối với các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Về phía đơn vị được nhượng quyền thu phí sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và thu phí, khoảng 12 năm sẽ thu hồi tổng vốn đã đầu tư cho dự án.
Như vậy, nhìn nhận một cách tổng quát và tính từ ngày Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được Chính phủ phê duyệt đến nay đã hơn 4 năm, một khoảng thời gian gần hết cho một nhiệm kỳ, thế nhưng Bộ GTVT hiện vẫn loay hoay với giai đoạn “chuẩn bị đầu tư” là hết sức khó hiểu.
Điều đáng nói hơn là “sau 2 năm kể từ khi dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt nhưng vẫn chưa triển thể triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong khi, Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn từ nguồn NSNN là 932 tỉ đồng cho dự án. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa thể lựa chọn được nhà đầu tư...
Ngày 21/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại văn bản số 463/TTg-KTN. Ngày 28/8/2017, Bộ GTVT mới phê duyệt dự án, và ngày 3/4/2018, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, giao Ban QLDA Thăng Long thực hiện công tác sơ tuyển. Ngày 29/6/2018, Ban QLDA Thăng Long báo cáo Bộ GTVT kết quả sơ tuyển. Ngày 17/7/2019, Bộ GTVT hủy kết quả sơ tuyển nhà đầu tư. Ngày 8/10/2019, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh Dự án. Ngày 24/3/2020, Bộ GTVT có quyết định giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long làm chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án thay thế cho Ban QLDA Thăng Long. |
Có thể bạn quan tâm
Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
09:37, 21/03/2019
Đầu tư hơn 9.200 tỉ đồng xây đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
00:00, 18/10/2011
6.000 tỉ đồng đầu tư dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
00:00, 11/06/2010