THẾ GIỚI HẬU COVID-19: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và khoa học kỹ thuật (Phần 7)
Sau khi xuất hiện đại dịch COVID-19 làm "nở rộ" những cách làm mới, các dịch vụ mới, ngành nghề mới này chắc chắn sẽ có những phát triển vượt bậc sau khi đại dịch kết thúc...
LTS: Thế giới như chúng ta biết sẽ không bao giờ trở lại như cũ sau dịch COVID-19. Đại dịch sẽ được kiểm soát nhưng có thể để lại những dấu ấn đối với lối sống và cách làm việc của con người, cũng như đối với cách thức quản lý của chính phủ các nước. Khó biết được đầy đủ mức độ của những thách thức phía trước, nhưng chúng ta có thể thấy rõ một số vấn đề trong giai đoạn này… Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu mạch bài viết dự báo về những biến đổi địa chính trị trên thế giới sau đại dịch COVID-19 của Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.
Công nghệ và khoa học kỹ thuật nhằm giúp con người đối phó với các đại dịch tương tự như COVID-19 hoặc lớn hơn trong tương lai, đặc biệt trong việc giúp xã hội thích nghi và sống cùng với đại dịch, sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Cùng với tiến trình này là sự ra đời của hàng loạt những quy định, luật lệ ở cấp quốc gia, khu vực, cũng như toàn cầu để điều chỉnh các hành vi ứng xử của người dân. Còn người dân cũng không còn nhiều sự lựa chọn, mà buộc phải "hy sinh", chấp nhận một số hạn chế tự do cá nhân và phải điều chỉnh hành vi cá nhân của mình trong bối cảnh mới vì lý do sinh tồn.
Sau khi xuất hiện đại dịch COVID-19, ở trong nước và thế giới có khá nhiều bài báo nói về sự thích ứng mới, sự xuất hiện và "nở rộ" hàng loạt dịch vụ phục vụ cho nhu cầu sinh tồn của người dân và xã hội. Những cách làm mới, các dịch vụ mới, ngành nghề mới này chắc chắn sẽ có những phát triển vượt bậc sau khi đại dịch kết thúc.
Xin tổng lược các thông tin được đăng tải khá phổ biến hiện nay như sau:
Sự phát triển của Chính phủ Điện tử: Không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả ở nhiều nơi trong khu vực và trên thế giới, trước khi có đại dịch COVID-19, tiền của đổ vào lĩnh vực này khá nhiều, nhưng tiến bộ chẳng đáng là bao vì thực tế "cầu" rất thấp. Tuy nhiên, khi xảy ra đại dịch thì nhu cầu tăng cao đột biến. Đơn giản là vì các quan chức chẳng thể đi lại để gặp nhau dễ dàng như trước. Do đó, chẳng cần phải "hô hào", có cầu ắt có cung: họp trực tuyến, giải quyết công việc qua mạng trở thành cách thức hữu dụng nhất vào lúc này.
Do đó, sau khi hết dịch hoạt động của "CP điện tử" sẽ tiếp tục tăng mạnh vi nhiều lợi ích như: tiết kiệm tiền bạc chi phí cho các cuộc họp trực tiếp; hiệu quả giải quyết công việc thông qua "CP điện tử" tăng rõ rệt; hệ thống "CP điện tử" cần được sử dụng thường xuyên để hoàn thiện và sử dụng trong các trường hợp tương tự trong tương lai...
Làm việc tại nhà (Work From Home - WFH): Sau đại dịch, WFH tăng mạnh cả về phía cung và cầu. Về phía người tuyển dụng là các công ty, tổ chức, cơ quan công quyền họ buộc phải rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, hệ thống xử lý công việc nhằm đảm bảo được 2 yếu tố: Một là, cơ quan tổ chức của họ vẫn có thể hoạt động "bình thường", không bị gián đoạn ngay ở vào lúc cao điểm của dịch bệnh. Hai là, ngay kể cả lúc không có dịch thì cũng vẫn có những bộ phận hoàn toàn có thể xử lý công việc từ xa qua mạng.
WFH đáp ứng được nhiều tiêu chí của cả hai phía lao động và sử dụng lao động: (i) Tiết kiệm chi phí thuê phòng ốc và các chi phí liên quan; (ii) Người lao động có thể làm việc cho nhiều cơ quan tổ chức khác nhau cùng một lúc và có cơ hội tăng thu nhập; (iii) Quan trọng là sản phẩm cuối cùng, còn thời gian làm việc linh hoạt.
Tiếp đó là sự phát triển của hàng loạt các loại hình điện tử, trực tuyến dựa trên nền tảng internet có sẵn (tất nhiên là với tốc độ cao hơn nhiều sau này) như:
Học trực tuyến từ xa: Ở tất cả các cấp từ tiểu học, trung học đến đại học và sau đại học;
Thương mại điện tử: Sẽ phát triển mạnh do tiện lợi và giá cả hấp dẫn và TMĐT sẽ lấn át dần các loại hình thương mại truyền thống. Ngay trước khi dịch bùng phát, hàng loạt trung tâm tâm thương mại truyền thống lớn ở khắp nơi trên Trung Quốc ngày càng trở nên vắng bóng người mua do sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT. Các trung tâm thương mại truyền thống giờ chỉ còn là nơi để người dân đến tham quan, xem sản phẩm và tham khảo giá! Và xu hướng chung trên thế giới tiến theo chiều hướng đó là khó cưỡng.
Khám chữa bệnh và tư vấn tâm lý từ xa: Thực tế cho thấy trừ những trường hợp phải cấp cứu khẩn cấp, đa phần các bệnh lý thông thường đều có thể được chẩn đoán, trao đổi qua mạng giữa bệnh nhân với bác sĩ và các chuyên gia tâm lý. Điều này sẽ giúp người bệnh và các bác sĩ có thể liên lạc với nhau một cách linh hoạt, tiết kiệm chi phí.
Công nghệ sinh học: Hàng loạt các sản phẩm mới từ kết quả nghiên cứu và kết hợp giữa công nghệ sinh học với công nghệ thông tin ra đời sẽ giúp người dân cũng như các nhà quản lý phát hiện nhanh chóng người bị bệnh truyền nhiễm do dịch, virus để từ đó có các biện pháp chữa trị hoặc cách ly thích hợp. Những thiết bị này như vòng đeo tay, mũ, kính sinh học cá nhân, các máy camera sinh học được đặt khắp nơi giúp phát hiện nhanh chóng và truyền thẳng thông tin về bệnh trạng của cá nhân, hoặc những người có triệu chứng sốt, lây nhiễm ở khoảng cách gần đến thẳng bệnh viện, hoặc các trung tâm y tế để có hành động xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó là các quy trình mới nghiên cứu và sản xuất các thuốc điều trị sẽ được rút ngắn đáng kể và thời gian sẽ được tính bằng tuần hoặc tháng chứ không phải tính bằng năm như hiện nay.
Công nghệ người máy và tự động hóa: Việc sử dụng người máy và quá trình tự động hóa sản xuất, điều khiển hoạt động từ xa, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ có bước nhảy vọt. Lý do quan trọng nhất là người máy có thể hoạt động trong bất kỳ điều kiện nào mà không sợ bị nhiễm dịch, còn tự động hóa sẽ giúp lập trình và điều khiển quá trình sản xuất từ xa và xã hội không bị gián đoạn trong bất kỳ hoàn cảnh hoặc điều kiện nào.
Đại dịch COVID-19 cũng sẽ chứng kiến sự phát triển vượt trội về công nghệ xe tự động không người lái trong lĩnh vực giao thông vận tải, không chỉ xe chở khách cá nhân mà cả xe tải chở hàng hóa. Hiện nay hãng Tesla của tỷ phú Elon Musk đang đi đầu trong lĩnh vực này
Nhìn chung, trong cái khó ló cái khôn. Bệnh dịch COVID-19 đang là tác nhân chính, giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và tự động hóa.
Ngoài những thông tin chung về các thay đổi nêu trên mà mọi người ít nhiều đã biết, lĩnh vực y tế và phòng chống đại dịch sẽ có những thay đổi lớn quan trọng sau ở cả phạm vi quốc gia lẫn quốc tế:
Một là, công nghệ theo dõi (Tracking technology), chứ không chỉ là công nghệ nhận dạng, sẽ có bước phát triển vượt bậc.
Do dịch bệnh và việc người dân buộc phải đeo khẩu trang bắt buộc khi ra ngoài, đã tạo ra các hạn chế nhất định đối với các camera nhận dạng. Tuy nhiên công nghệ theo dõi, tra cứu dấu vết di chuyển theo mã số điện thoại di động (dù bật hay tắt) sẽ giúp nhà chức trách và giới chức y tế dễ dàng theo dõi những cá nhân, hoặc địa điểm mà một người dân bất kỳ đã từng tiếp xúc hoặc đến gần.
Để làm được điều này thì các cá nhân buộc phải phải đăng ký mã số điện thoại mà mình sử dụng với nhà chức trách. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cá nhân phải "tự nguyện" từ bỏ một phần quyền tự do cá nhân để đổi lại sự an toàn của mình và của cộng đồng.
Hai là, các quốc gia sẽ phải xây dựng một hệ thống "phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ" mới bên cạnh hệ thống phòng vệ quốc phòng và an ninh truyền thống mà mọi người đều biết.
Một hệ thống "phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ" sẽ được xây dựng trên một nền tảng mới, cụ thể là:
Có ngân sách đủ lớn để tập trung vào việc tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cả về lượng lẫn về chất, cũng như tổ chức lại bộ máy y tế cộng đồng sao cho hệ thống này phản ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất, và với chi phí hợp lý nhất.
Tăng ngân sách y tế để xây dựng bằng được các kho dự trữ y tế chiến lược với cơ số thuốc men, đồ dùng bảo hộ, trang thiết bị y tế cơ bản... đủ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc có đại dịch.
Các nhà hoạch định chính sách phải luôn có sẵn ý tưởng về các loại công nghệ "tam dụng", tức sử dụng cho cả ba mục đích dân sự, y tế cộng đồng, và quân sự, chứ không chỉ là công nghệ lưỡng dụng như trước đây.
Ví dụ, 1 cung văn hóa thể thao mới được xây dựng có công năng chính là phục vụ các hoạt động thể thao, giải trí trong điều kiện bình thường. Nhưng cung thể thao đó cũng có thể dễ dàng chuyển đổi công năng, được sử dụng thành đại bản doanh quân sự trong thời chiến hoặc biến thành bệnh viện dã chiến khi đối phó với bệnh dịch. Các khách sạn trong tương lai, và còn rất nhiều các ví dụ khác nữa, cũng chỉ được duyệt thiết kế khi đáp ứng được cả ba loại công năng trên.
Xuất hiện một khái niệm mới là đi "nghĩa vụ y tế cộng đồng", thay vì chỉ đi "nghĩa vụ quân sự" như trước đây. Đại dịch COVID-19 cho thấy một lỗ hổng quan trọng trong nhận thức về an ninh quốc gia hiện nay. COVID-19 cho thấy "an ninh y tế" cũng quan trọng không kém an ninh thể chế, hoặc an ninh quốc phòng.
Thực tế ở nhiều nước cho thấy loại hình đi nghĩa vụ quân sự khá phổ biến. Khi dịch bệnh xảy ra thì nhu cầu về y, bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ công tác y tế cộng đồng tăng vọt. Trong khi đó những người lính "nghĩa vụ quân sự" thuần túy lại lúng túng, hỗ trợ rất thấp cho việc phục vụ công tác y tế cộng đồng. Các loại máy thở có thể được sản xuất đại trà nhanh chóng, nhưng người biết cách sử dụng thì không thể đào tạo hàng loạt được mà phải mất một khoảng thời gian nhất định. Việc có trang thiết bị y tế không thôi cũng chưa đủ mà phải có đủ nhân sự đi kèm
Do đó, rất cần thiết phải có một hình thức tổ chức mới trong xã hội, đó là những người lính đi "nghĩa vụ vụ y tế cộng đồng". Họ không cần được đào tạo chuyên môn sâu như các bác sĩ, nhưng phải biết được các kỹ năng phục vụ y tế căn bản.
Khi có dịch bệnh xảy ra, người "lính nghĩa vụ" đó thay vì biết cách bắn súng, họ có thể biết được các kỹ năng, các cách sử dụng những thiết bị y tế thông thường như sơ cứu bệnh nhân, đo huyết áp, đo tim mạch, thay băng, khiêng cáng bệnh nhân cho đúng cách, sử dụng máy trợ thở, chăm sóc người bệnh trong giai đoạn phục hồi...
Trong "thời bình" những người lính y tế này lại là những người lính y tế dự bị và quay trở lại với công việc thường ngày của họ. Tuy nhiên, họ cần được huấn luyện hoặc tập huấn hàng năm khoảng từ 2 đến 3 tuần để cập nhật các kiến thức mới.
Xây dựng kho dữ liệu quốc gia về hồ sơ y tế cá nhân thay vì chỉ có "hồ sơ an ninh" như hiện nay. Thực tế đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, một cá nhân có thể trở thành "mối nguy" đối với an ninh quốc gia nếu như tiền sử bệnh lý của họ yếu và họ nằm trong nhóm có nguy cơ cao phát tán bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng. Do đó, bên cạnh "căn cước cá nhân", mỗi cá nhân có thể được cấp hoặc được quản lý bằng một "căn cước y tế", có xếp hạng từ 1 đến 5 chẳng hạn, về mức độ "an toàn" và khả năng phát tán bệnh ra cộng đồng.
Ba là, về mặt quốc tế, để kiểm soát sự lây lan của bệnh tật, bên cạnh visa thông thường, có khả năng xuất hiện một loại "visa y tế', dành cho người đi du lịch, làm việc ở nước ngoài, hoặc nhập cảnh sang các nước khác.
Các cá nhân đó có thể phải trải qua các trắc nghiệm hay kiểm tra sinh học xem có "đủ" các điều kiện nhập cảnh như: có tiền sử mắc bệnh truyền nhiễm, có khả năng phát tán hoặc làm lây lan virus ra cộng đồng hay không; trước khi nhập cảnh vào một nước nào đó, có đến các khu vực và các quốc gia có khả năng gây bệnh dịch cao hay không. Thậm chí các quốc gia hay các khu vực trên thế giới cũng được "vẽ" hay "định vị" lại theo thứ hạng "nguy hiểm" hoặc "an toàn" xét về mặt y tế, dịch tễ tương tự như việc "đánh dấu" một số quốc gia hay khu vực có mức độ nguy hiểm về mặt ma túy hay khủng bố.
Bốn là, các phái bộ ngoại giao ở nước ngoài cũng có thể có sự điều chỉnh về bộ máy tổ chức cho phù hợp với bối cảnh mới. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của đa phần các sứ quán hoặc phái bộ ngoại giao các nước ở nước ngoài thường có các bộ phận phụ trách các lĩnh vực như chính trị, lãnh sự, quốc phòng, thương mại, văn hóa.
Tuy nhiên, trong cơ cấu tổ chức mới có thể có chức danh mới là cán bộ chuyên trách về y tế, chuyên theo dõi và thúc đẩy hợp tác y tế song phương, bao gồm từ nghiên cứu kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh đánh giá nguy cơ rủi ro, khả năng xuất hiện và lây lan các bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch ở sở tại, kiến nghị các biện pháp ứng phó...
Phần cuối: Một thế giới hoàn toàn khác
Có thể bạn quan tâm
THẾ GIỚI HẬU COVID-19: Chủ nghĩa dân tộc và quản trị toàn cầu (Phần 6)
11:00, 20/05/2020
THẾ GIỚI HẬU COVID-19: Xu hướng "phi Trung Quốc" (Phần 5)
11:00, 19/05/2020
THẾ GIỚI HẬU COVID-19: Quan hệ "tay đôi" giữa hai siêu cường (Phần 4)
11:00, 18/05/2020
Thế giới hậu COVID-19: Một chiến dịch dân sự lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu (Phần 3)
11:00, 17/05/2020
Thế giới hậu COVID-19: Ba kịch bản của đại dịch COVID-19 (Phần 2)
05:10, 17/05/2020
Thế giới hậu COVID-19: (Phần 1) Những thay đổi hiện hữu
11:00, 15/05/2020