Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Cơ hội vàng" để sớm tái khởi động nền kinh tế
Chính phủ quyết tâm không lùi bước trước khó khăn thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng. Việt Nam đang có “cơ hội vàng”, tái khởi động lại nền kinh tế.
Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 vào chiều ngày 2/6, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay tin mừng là sau hơn 40 ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, nhiều ca được chữa khỏi, trong đó có ca đặc biệt khó. Như ca phi công người Anh đã cử động lại được.
Ông Dũng cho biết, Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cả người dân, nhiều tờ báo lớn của thế giới đã nêu bài học đáng giá của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Sau nới lỏng giãn cách xã hội từ 23/4, Thủ tướng đã tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe, tháo gỡ, chia sẻ và khích lệ các tập đoàn lớn, các địa phương.
Đặc biệt, Người phát ngôn VPCP khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, không cắt đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.
“Kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,05% so với tháng trước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Khẳng định việc sớm kìm chế được dịch bệnh là cơ hội cực kỳ quan trọng. Khi ra ngoài đường tham gia các hoạt động, lễ hội mới thấy niềm hạnh phúc, tự hào khi Việt Nam sớm kiểm soát được dịch. Trong khi đó, nhiều nước bây giờ còn rất khó khăn vì phong tỏa, giãn cách xã hội phải dừng các hoạt động kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Việt Nam đang có “cơ hội vàng”, tái khởi động lại nền kinh tế rất sớm so với các nước trên thế giới.
Theo đó, tình hình kinh tế xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đạt được nhiều kết quả. Số liệu thống kê cho thấy, hậu giãn cách, trong tháng 5/2020, đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; IIP tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước... Điều này cho thấy, hậu giãn cách, nền kinh tế đang bắt đầu dần bình thường trở lại.
Tuy vậy, khó khăn phía trước còn rất lớn. “Lửa” COVID-19 sẽ tiếp tục thử thách sức chống chịu và khả năng bật dậy của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19 khiến đơn hàng giảm mạnh. Song tín hiệu mừng là Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu sau 5 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD. So với cùng kỳ mức độ giảm nhưng không lớn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.
Tuy nhiên, doanh thu du lịch giảm mạnh. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó, gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ lập phương án điều tiết giá thịt lợn
17:28, 02/06/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế
10:45, 02/06/2020
Phục hồi kinh tế hậu COVID-19: Chính sách cần đúng và đủ!
06:18, 01/06/2020
Thủ tướng: Đưa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về đích "hùng cường" sớm 10 năm
21:46, 30/05/2020
Trăn trở “kinh tế đêm”
05:00, 30/05/2020