VÙNG KINH TẾ HÙNG CƯỜNG: Giải nan đề để về đích sớm

LÊ MỸ 03/06/2020 05:35

Đầu bài cho “một vùng phát triển kinh tế nhưng môi trường sống trong lành” cũng chính là mục tiêu của vùng kinh tế cường thịnh trọng điểm phía Nam.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (xưa còn gọi là vùng Đông Nam Bộ, hoặc Đất đỏ miền Đông – không bao gồm Long An và Tiền Giang như quy hoạch ngày nay, và có thời điểm được mở rộng bao gồm thêm một vài địa phương khác), có đặc điểm chung về địa lý tự nhiên thuộc “vùng khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và hầu như không thay đổi trong năm. Đặc biệt có sự phân hoá sâu sắc theo mùa, phù hợp với hoạt động của gió mùa”.

TP Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính vùng và hướng tới trung tâm tài chính phát triển của khu vực, đang có nhiều áp lực trong dẫn dắt phát triển kinh tế vùng

TP Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính vùng và hướng tới trung tâm tài chính phát triển của khu vực, đang có nhiều áp lực trong dẫn dắt phát triển kinh tế vùng

Người dân địa phương gọi ngắn gọn là hầu như chỉ có 2 mùa Mưa - Khô.

Ngày nay, hậu duệ của những anh hùng “từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" gọi khí hậu tự nhiên sát gần với thực tế đời sống xung quanh hơn nữa là chỉ có 2 mùa: Khô - Ngập.

Ấy là những cư dân nói vắn tắt hình ảnh thời tiết tác động đời sống của người dân Sài Gòn - khoảng 13 triệu dân / tổng số 20 triệu cư dân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (số liệu ước ở 2019, theo thông tin tại cuộc họp của do Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trì, làm việc với TP.HCM và một số địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tháng 5/2019). 

Sài Gòn hay còn gọi là hòn Ngọc Viễn Đông, trung tâm của trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà trong quy hoạch bất động sản mở rộng, còn có tên gọi khác chung chung là “vùng Thành phố Hồ Chí Minh”, có sự trùng khít về lõi của “bát giác kim cương” với 7 tỉnh vây quanh theo cách gọi mới. Đó là những địa phương/ đô thị vệ tinh xoay quanh đại đô thị TP Hồ Chí Minh. 2 mùa Khô và Ngập theo đó cũng là vấn đề mà tất cả các địa phương vùng được "chia đều áp lực", phải đối mặt, cần khắc phục.

Chỉ nói về “mùa ngập” một cách quy ước tượng trưng, chúng ta sẽ thấy nỗi thách thức lớn lao của bài toán đô thị về phát triển hạ tầng và liên kết hạ tầng. Trong đó, ngập úng là vấn đề lớn nhất của TP HCM thì không chỉ riêng TP đã, đang và sẽ đối mặt trong hôm nay lẫn ngày mai khi xâm hạn mặn, nước biển xâm thực đất liền từ khu vực Đồng bằng Sông cửu Long ngày càng nặng nề hơn, dẫn đến những xáo trộn về kinh tế, xã hội và đặc biệt nhu cầu di chuyển dân cư lên TP lẫn vùng đông TP – tức "di cư" dần đến và dồn áp lực lên toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Áp lực sẽ ngày càng lớn theo mực nước biển dâng và tốc độ đô thị hóa đang xấp xỉ đạt 40% và gần như chưa thể "giãn dân" hay ngừng lại, sẽ khiến quá tải hạ tầng càng thêm nặng.

Làm gì để khắc phục ngập úng theo nghĩa đen, mở rộng là quá tải hạ tầng trong tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ như một bắt buộc sẽ xảy ra - không thể khác - để vượt qua và đến đích vùng kinh tế hùng cường sớm như kỳ vọng? Đó là câu hỏi thứ nhất, sơ giản nhưng là nan đề lớn lao của phát triển kinh tế vùng.

Vùng KTTĐ lớn nhất cả nước, đóng góp cho Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong tương lai gần, đây sẽ là vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á và cả Đông Á. Còn tương lai gần đó là 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa thì đó là ý chí, hành động, sáng tạo của chúng ta” - Thủ tướng Chính phủ.

Một tương lai gần hay xa hơn…

Trong đầu bài đặt ra cho mục tiêu phát triển kinh tế vùng hùng mạnh, cường thịnh, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ định hướng qua hình ảnh: “Một vùng phát triển kinh tế nhưng môi trường sống trong lành”.

Một vùng, một quốc gia muốn hùng cường, thịnh vượng, dĩ nhiên đồng nghĩa phải phát triển kinh tế. Không có thịnh vượng nào đứng chung với kém phát triển, với đói nghèo bởi đây là 2 phạm trù của một cặp đối lập. Nhưng chưa bàn về vế đó, chưa bàn đến các hệ lụy của hai phạm trù đối lập trong một vế như chênh lệch giàu nghèo cản trở phát triển kinh tế và xã hội với độ doãng ngày càng rộng; chỉ riêng môi trường sống trong lành, cũng là một bài toán khó tiếp sau của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thử nhìn ngay ở TP HCM, “TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, môi trường sống hiện nay có trong lành không? Xin được phép nói thẳng: Không!

TP chưa thể có môi trường sống trong lành khi mùa mưa được biến thành mùa ngập. Càng chưa thể trong lành khi một năm, người dân TP có 150 ngày tương đương gần nửa năm sống trong môi trường ô nhiễm quá mức. Cùng ô nhiễm môi trường còn có ô nhiễm nước. Theo đánh giá của giới chuyên môn, nước thô từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cung cấp cho TP.HCM luôn thường trực nguy cơ ô nhiễm nặng chủ yếu là do các nhà máy, xí nghiệp phát thải từ thượng nguồn. Một khi đến thở và uống nước mà còn phải âu lo, môi trường sống trong lành cư dân vùng cường thịnh tương lai ở lúc này vẫn còn xa xôi lắm!

Dù vậy, với sự bày tỏ trân trọng quyết tâm của các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ phía Nam chưa thay đổi mục tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2020 mà người đúng đầu Chính phủ thể hiện, một Hội nghị Diên Hồng cho kinh tế thời bình thường mới đã "bàn tiến chứ không bàn lùi”. Với vai trò là vùng kinh tế đầu tàu đóng góp 42% GDP cho nền kinh tế, 42% ngân sách cả nước, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 40% cả nước, vùng không thể khước từ trọng trách phát triển, phấn đấu tiến tới hùng cường. Bởi chỉ khi vùng thực sự hùng cường, Việt Nam mới có điều kiện, "đầu kéo" cho tự cường, thịnh vượng!

Kì 2: Cơ chế, chính sách "đặc thù" cho kinh tế Vùng

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng: Đưa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về đích

    Thủ tướng: Đưa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về đích "hùng cường" sớm 10 năm

    21:46, 30/05/2020

  • Thủ tướng chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm

    Thủ tướng chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm

    17:46, 26/05/2020

  • Thủ tướng phê duyệt đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển        

    Thủ tướng phê duyệt đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển        

    21:19, 19/05/2020

LÊ MỸ