VÙNG KINH TẾ HÙNG CƯỜNG: Cơ chế và chính sách đặc thù có đặc thù gì?
Đặc thù – nghĩa của từ Hán Nôm là “Riêng biệt”. Vậy cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong trọng trách về đích hùng cường đang rất cần có 2 điều riêng biệt.
Nếu được đề xuất, cần xin chữ “Quyền”!
Năm 2019, trong một Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Trung tâm Báo chí Tp HCM tổ chức, trước các ý kiến đề xuất được tháo gỡ khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp, một vị Lãnh đạo đến từ Bộ Tư pháp trả lời rằng với các ý kiến này, Trung ương đã giao quyền cho địa phương xử lý.
Ngay lập tức, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) phản pháo. Ông lấy ví dụ về trường hợp dự án của doanh nghiệp dính đất hỗn hợp, đất da beo, Thành phố (TP) không có quyền xử lý được. Và một loạt trường hợp khác cần chờ ý kiến Trung ương, các Liên bộ hay cơ quan quản lý cấp cao, hay thậm chí phải chờ sửa Luật, văn bản dưới Luật, thì mới ra được quyết định.
Cho đến gần đây nhất vào 13/5/2020, ông Lê Hoàng Châu, đại diện HOREA lại tiếp tục ký văn ban Góp ý kiến bổ sung Dự thảo Luật Đầu tư để tháo gỡ ách tắc cho các dự án có sử dụng đất, trong đó có các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Cho thấy có rất nhiều dự án mà đến tận hôm nay vẫn chưa thể tháo gỡ. Mặc dù chính quyền TP cũng đã tận tình gặp gỡ lắng nghe doanh nghiệp. Mặc dù đích thân ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND Tp HCM, cũng đã không ít lần lớn tiếng nặng nhẹ với các thuộc cấp về việc phải làm sao nỗ lực để tháo gỡ cho doanh nghiệp phục hồi, để các dự án được khởi động trở lại.
Trong những ngày khó khăn khi dịch COVID-19 còn lảng vảng xung quanh, một doanh nghiệp địa ốc kiệt quệ vì chạy đi chạy lại với thủ tục hồ sơ cả 2 năm nay mà dự án vẫn đắp chiếu, nói rằng nếu 2019 hay trước đó doanh nghiệp không bị vướng pháp lý, không dài cổ chờ các cấp được trao quyền xử lý, họ có dự án ra hàng với thị trường, có nguồn lực thu vào thì đó sẽ bệ đỡ để đi qua đại dịch. Cũng như làm được nhiều chuyện khác. Ví dụ như đóng thuế đất đai, thuế giá trị giá tăng cho Nhà nước. Và Nhà nước cũng đã nguồn thu tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp khác cũng như vậy.
Nhưng chuyện của TP HCM, có liên quan gì đến chuyện của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trọng trách trở thành hùng cường hay không? Chắc chắn là có! Bởi, TP cũng như các địa phương, được phân cấp, phân quyền và ứng xử bằng cơ chế, chính sách trong khả năng, trong quyền hạn của mình. Ở một Thành phố Trung ương đang được thí điểm cơ chế chính sách đặc thù còn khó khăn, còn bị bó buộc bởi một chữ “Quyền” như vậy, thì mở rộng ra cơ chế chính sách đặc thù cho vùng, liệu sẽ được cởi trói những vòng dây, được phát huy thêm quyền tự quyết?
Cũng một doanh nghiệp không muốn nêu tên nói rằng giả định nhiều doanh nghiệp FDI cùng muốn vào “đặt hàng” ngay một Khu công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cho Dệt may quy mô lớn phù hợp kinh tế vùng, cần sự liên kết và có ý nghĩa cung cấp cho toàn vùng, điều mà cách đây mấy năm từng có tổ chức, có nhà đầu tư lên “ý đồ” thực hiện, thì ai trong vùng hay vẫn là UBND tỉnh có địa điểm mà doanh nghiệp muốn lập đề án, sẽ tiếp nhận, phê duyệt và (hoặc) trình xin ý kiến các Bộ, ngành? Các địa phương khác trong vùng sẽ có tiếng nói và phối hợp ra sao, phân quyền thế nào để hỗ trợ, thụ hưởng dự án?
Nếu có điều kiện, xin thêm chữ “Tiền”!
Cùng Quyền là Tiền, hai thứ thiết thực không thể thiếu, hai mũi căn cơ làm đủ đầy cho cơ chế, chính sách đặc thù để điều hướng, phát triển vùng kinh tế về đích sớm hùng cường như nhiệm vụ vừa được giao.
Nhưng lại cũng vẫn chuyện TP HCM, nơi bao năm cõng tỷ lệ ngân sách lớn gần phân nửa đóng góp cả nước thì là bấy năm muốn xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để được tăng phần giữ lại, có nguồn tái đầu tư tương xứng, khả dĩ giúp Thành phố giải các bài toán khó – ít nhất là đối với hạ tầng kém hiện tại. Gần nhất, với đề xuất lặp lại từ TP HCM, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời với nội dung cơ bản gắn cùng Luật Ngân sách.
Cần có tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp đối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo hướng thiết lập cơ chế đối ứng ngân sách giữa Vùng và Trung ương, cho phép địa phương giữ lại một tỷ lệ ngân sách phù hợp để chủ động triển khai các dự án phát triển”
Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright.
Theo đó, Luật quy định, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương. Đồng thời, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương hoặc tăng tỷ lệ phần trăm nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách, để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương.
Riêng TP HCM, Bộ đề nghị TPHCM triển khai quyết liệt các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó cần tập trung phát triển nguồn thu cho ngân sách thành phố như đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý, đại diện chủ sở hữu; ban hành các khoản phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí; sắp xếp lại nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý; phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương sắp xếp nhà, đất trên địa bàn...
Nhìn chung, xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách với TP HCM là một trong những minh chứng cho sự kiên trì. Mà TP cũng không xin rót thêm, chỉ đơn giản là xin được giữ lại, đã rất khó khăn như thế. Hi vọng ở góc độ Vùng thì tình hình rồi đây sẽ khác khi đích thân Thủ tướng đã giao các cơ quan nghiên cứu đề án về cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm vấn đề ngân sách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu một gói hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương đầu tư sớm một số công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, cấp bách.
Trong khi chưa có “đặc thù” nào cho điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, hoặc nếu có cũng ở tương lai, “lõi” của bát giác kim cương vẫn phải ráng tiếp tục cõng đóng góp ngân sách lớn nghiêng lệch trong toàn vùng. Ráng mà tự cân đối.
Có thể bạn quan tâm