Đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp sau dịch COVID-19
Thủ tướng đã có nhiều quyết sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng vẫn có tình trạng bị nhũng nhiều, gây phiền hà, không tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh, trong tình trạng dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều người lao động mất việc làm, thất nghiệp, nguồn thu ngân sách quốc gia sụt giảm nghiêm trọng.
Thủ tướng rất quan tâm nhưng doanh nghiệp vẫn khó
“Thủ tướng đã có nhiều quyết sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng vẫn có tình trạng bị nhũng nhiều, gây phiền hà, không tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt khó khăn”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.
Đại biểu cho biết vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Không ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu, nhưng đề xuất, kiến nghị xin cấp giấy phép xuất khẩu chưa được quan tâm giải quyết.
“Trong lúc đó các doanh nghiệp gặp khó khăn, vay vốn ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư mua sắm phương tiện, dây chuyền, thiết bị để phục vụ cho sản xuất, nhưng hàng hóa sản xuất không được xuất khẩu, hàng hóa tồn kho quá lớn, vốn liếng doanh nghiệp tồn động, nguy cơ phá sản”, Đại biểu Phương nhấn mạnh.
Vẫn theo phản ánh của Đại biểu, không ít doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời, một số dự án khác, vay vốn xây dựng kế hoạch đầu tư, có doanh nghiệp cơ bản hoàn thành từ năm 2019 nhưng do vướng mắc Luật Quy hoạch, nay Luật đã có Nghị quyết hướng dẫn của Quốc hội, nhưng đến nay vẫn dừng chờ, làm chậm tiến độ, không được giải quyết.
Trong lúc đó nguồn điện quốc gia thiếu, doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc nguy cơ nợ nần, phá sản, các địa phương lại không hoàn thành thực hiện kế hoạch mục tiêu trong nhiệm kỳ, nguồn thu ngân sách.
Do đó, Đại biểu đề nghị phải có sự vào cuộc kiểm tra nguyên nhân các doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần, phá sản để phát hiện liệu có cá nhân, tổ chức nào gây khó khăn, cản trở dẫn tới doanh nghiệp phá sản hay không và tập trung xử lý.
Đại biểu cũng cho biết, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Đoàn đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị nhưng tiến độ vẫn chậm, đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia.
Tránh doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận hỗ trợ
Cũng đề cập tới vấn đề doanh nghiệp, Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng thời kỳ hậu COVID-19 chứng kiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu cú sốc lớn, không ít phải dừng hoạt động.
Do đó, Đại biểu cho rằng dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
“Đề xuất Chính phủ nghiên cứu, có thêm các chính sách, các gói cho vay với ưu đãi, lãi suất hấp dẫn hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn. Cùng với đó, cần các có thêm ưu đãi gia hạn các khoản nợ, giảm lãi các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả…”, Đại biểu kiến nghị.
Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng năm 2020 có nhiều biến động lớn như đại dịch COVID-19 cùng thiên tai, hạn hán, Chính phủ cần sớm giải ngân gói hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch cũng như các ngành liên quan đến xuất khẩu, đặc biệt là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế tài nguyên tạo cơ hội cho tiêu cực và nhũng nhiễu
04:50, 02/05/2020
"Thẳng thắn nêu tên bộ ngành, địa phương gây nhũng nhiễu doanh nghiệp"
09:48, 23/12/2019
Thủ tướng: Cần loại bỏ cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp
00:00, 24/12/2019
Đà Nẵng kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu với dân
13:15, 12/12/2019
Đại biểu Quốc hội chất vấn: Đuổi việc công chức nhũng nhiễu sao khó quá?
16:01, 07/11/2019