Cần thêm 5.000 tỷ đồng cho 3 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam nếu chuyển sang đầu tư công
3 dự án PPP Quốc hội đang xem xét, sau khi Quốc hội có chủ trương chuyển sang hình thức đầu tư công, ngành GTVT sẽ cần thêm 5.000 tỷ đồng để triển khai toàn bộ các dự án, gói thầu và cho tạm ứng.
Trong phiên thảo luận toàn thể về kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ nỗ lực đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Đẩy nhanh giải ngân vốn các dự án trọng điểm
Đề cập đến tình hình giải ngân các dự án trọng điểm của ngành giao thông mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Năm nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao giải ngân 37.500 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đến ngày 30/5, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước các tỉnh gửi về cho thấy đã giải ngân gần 12.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,8%, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Từ những kết quả này, Bộ trưởng Bộ GTVT bày tỏ niềm tin về tình hình xây dựng cơ bản của Bộ có chuyển biến tốt đồng thời cam kết sẽ cố gắng giải ngân tốt nhất.
Riêng các dự án trọng điểm quốc gia trong đó có dự đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đến thời điểm này được bố trí vốn gần 17.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018 đã giải ngân 134 tỷ đồng liên quan đến lập dự án và hồ sơ thiết kế, năm 2019 đã giải ngân gần 7.000 tỷ đồng và năm 2020 được bố trí tổng cộng hơn 8.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 2.700 tỷ đồng, chiếm 27% trên tổng vốn năm nay.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết đã tích cực phối hợp với các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như đẩy nhanh tiến độ 3 dự án đang triển khai để cố gắng giải ngân hết vốn trong năm nay.
“Tuy nhiên về 3 dự án mà Quốc hội đang xem xét, sau khi Quốc hội có chủ trương chuyển sang hình thức đầu tư công, ngành GTVT sẽ cần thêm 5.000 tỷ đồng để triển khai toàn bộ các dự án, gói thầu và cho tạm ứng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thêm
Về dự án Sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) Bộ trưởng Nguyễn Văn thể cho biết, đến thời điểm này Quốc hội và Chính phủ đã bố trí hơn 17.000 tỷ đồng, đến ngày 30/5 đã giải ngân 1.200 tỷ chiếm 7,2% trên tổng vốn đã được bố trí.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong nhiều buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành, tỉnh Đồng Nai cam kết quyết tâm sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 1.810 ha vào tháng 10/2020 hoặc trong năm nay vì có 1.210 ha là của Tổng công ty Cao su, phần còn lại tại địa phương cũng đã kiểm đếm công bố với người dân.
Loạt công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thông tin về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông các vùng miền. Theo đó, với đồng bằng sông Cửu Long, Bộ đang tập trung cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ưu tiên cho hai đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối với các tỉnh. Về trục dọc, tập trung cho đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, đường N2 từ Củ Chi xuống Kiên Giang. Đồng thời, nâng cấp QL1 hiện nay để đảm bảo lưu thông tốt và QL60, trong đó có cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh.
Riêng các trục ngang của đồng bằng sông Cửu Long, có 4 cái dự án Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu là: QL62, QL30, trong đó kết nối Đồng Tháp với Trà Vinh, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ và Sóc Trăng đi song song với QL91 và cao tốc từ Kiên Giang qua Bạc Liêu. “Tất cả các dự án này hiện đang chuẩn bị đầu tư và sẽ báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội để xem xét”, Bộ trưởng cho biết.
Về khu vực Đông Nam bộ, Bộ Giao thông vận tải cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu cao tốc song song với QL22 nối Thành phố Hồ Chí Minh với Tây Ninh, đường cao tốc nối Biên Hòa với Vũng Tàu và một số dự án trọng điểm như QL20, đặc biệt là những công trình kết nối với sân bay quốc tế Long Thành. Tất cả những dự án này đã được triển khai nghiên cứu và sắp tới cũng sẽ trình Quốc hội, Chính phủ để xem xét.
Riêng khu vực miền Trung và Tây nguyên, ngoài 651 km hiện nay đang nghiên cứu, đấu thầu, Bộ GTVT cùng Bộ Kế hoạch đầu tư sẽ tham mưu Chính phủ và Quốc hội triển khai thêm 700 km còn lại, để kết nối từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, như vậy sẽ có một tuyến đường cao tốc khoảng 1.700 km.
Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu và sẽ triển khai một số dự án kết nối với Tây Nguyên, trong đó hiện dự án đang có vốn là QL24, QL20 và QL19.
Tại khu vực Hà Nội sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xây dựng đường vành đai 4, vành đai 5 của thành phố kết hợp với nhiều tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Về khu vực phía đông của thành phố, sẽ tập trung hoàn thành cao tốc Hà Nội - Hữu Nghị - Chi Lăng, Vân Đồn - Móng Cái, Đồng Đăng - Trà Lĩnh và đặc biệt là đường ven biển của khu vực đồng bằng Bắc bộ đang triển khai.
Về khu vực phía Tây Bắc, sẽ nghiên cứu cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và nghiên cứu 3 dự án dọc theo biên giới đó là QL279, QL37 và QL4.
Có thể bạn quan tâm
Hàng loạt dự án trọng điểm của ngành giao thông… “chậm tiến độ”
15:40, 11/06/2020
Phát triển hạ tầng giao thông: Nhìn từ láng giềng
11:00, 09/06/2020
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ: Làm rõ cơ chế thu phí, thu giá
06:06, 05/06/2020
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Còn nhiều quy định “cải lùi”?
11:15, 04/06/2020
5 sửa đổi đáng chú ý của Luật Giao thông đường bộ
12:10, 02/06/2020