Đại biểu Quốc hội cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp bị "rình rập" qua M&A
Theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc, hiện nhiều lĩnh vực đang đứng trước nguy cơ bị rình rập qua mua bán sáp nhập doanh nghiệp trực tiếp là tiền của người nước ngoài và qua tay tiền người Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận hội trường sáng 16/6, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chúng ta cần phải xác định việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp này không phải là hỗ trợ cho doanh nhân mà bản chất nó là hỗ trợ sinh kế của người lao động, khu vực mang lại nhiều việc làm cho người lao động nhất để lựa chọn phạm vi áp dụng.
Đại biểu cũng cho rằng không thể hỗ trợ hết doanh nghiệp, cần xác định đúng đối tượng theo quy định của luật về doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Hỗ trợ doanh nghiệp là hỗ trợ nền kinh tế, an sinh, công ăn việc làm, cho sinh kế của người dân. SME là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất, nên đó là hỗ trợ cho người lao động chứ không phải doanh nhân. Nếu xác định như vậy thì ta sẽ dành nhiều nguồn lực hơn", Đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp theo quy mô, Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo lĩnh vực, cụ thể là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng, lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế để giúp họ vượt qua khó khăn tạm thời. Bởi sự phát triển của những doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực này có ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước.
Do vậy, song song với việc ban hành Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; chúng ta cũng cần ban hành ngay phương án để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực trọng điểm và tiềm năng đang gặp khó khăn như hàng không, du lịch... để giúp nền kinh tế phát triển ổn định, lâu dài.
Đặc biệt, Đại biểu đoàn Thái Bình cũng cảnh báo thêm là hiện nhiều lĩnh vực đang đứng trước nguy cơ rình rập qua mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Không chỉ trực tiếp là tiền của người nước ngoài mà là qua tay tiền người Việt Nam, mua bán những lĩnh vực nhạy cảm. Vì vậy, nếu không cứu doanh nghiệp thì khu vực tư nhân khó tồn tại.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp đã được ghi âm, ghi chép lại đầy đủ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình; đồng thời giao Ủy ban Tài chính- Ngân sách và các cơ quan có liên quan hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Băn khoăn tiêu chí đối tượng thụ hưởng
10:50, 16/06/2020
Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Bao nhiêu doanh nghiệp sẽ có lãi để hưởng?
15:15, 13/06/2020
Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Băn khoăn tiêu chí doanh nghiệp dưới 100 lao động
05:30, 12/06/2020
Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Phải sàng lọc đối tượng hỗ trợ
15:40, 11/06/2020