Vì sao Chính phủ chọn chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công?
Trong bối cảnh hạn mức tín dụng cho vay các dự án BOT, BT giao thông đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này, ba dự án cao tốc Bắc – Nam có khả năng huy động vốn tín dụng khó khăn.
Ngày 19/6, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Tại báo cáo số 298/BC-CP vừa được Chính phủ gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết việc chọn chuyển đổi 3 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức PPP sang sử dụng vốn đầu tư công là Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dầu Giây – Phan Thiết có tính hợp lý cao.
Theo đó, các tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn dự án chuyển đổi hình thức đầu tư gồm: các dự án được lựa chọn chuyển đổi sang đầu tư công phải thực sự cấp thiết, cấp bách và được lựa chọn khách quan, khoa học; khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công; đảm bảo tính kết nối giao thông liên tục, đồng bộ để phát huy tối đa hiệu quả khai thác.
Chính phủ khẳng định, ngoài Dự án đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết không có nhà đầu tư qua sơ tuyển, việc lựa chọn 2 dự án đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây chuyển đổi sang đầu tư công đều bảo đảm các tiêu chí nêu trên.
Theo đó, đây là 2 dự án cần thiết, cấp bách do kết nối với cửa ngõ các trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của cả nước là Hà Nội và Tp.HCM, có nhu cầu giao thông lớn nhất trong 11 dự án thành phần. Hai dự án này cũng có yêu cầu vốn huy động tín dụng lớn nhất. Cụ thể, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 yêu cầu vốn huy động là 7.800 tỷ đồng và đoạn Phan Thiết – Dầu Giây là 9.500 tỷ đồng.
“Trong bối cảnh hạn mức tín dụng cho vay các dự án BOT, BT giao thông đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này thì các dự án có yêu cầu huy động tín dụng càng lớn thì khả năng huy động vốn tín dụng càng khó khăn”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Ngoài ra, việc lựa chọn chuyển đổi 2 dự án đảm bảo tính kết nối liên tục, phát huy tối đa hiệu quả khai thác. Đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 sau khi hoàn thành sẽ kết nối liên thông trục cao tốc từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Thanh Hóa, thúc đẩy việc triển khai xây dựng các tuyến vành đai của Tp. Hà Nội, giảm tải áp lực giao thông cho cửa ngõ Thủ đô.
Trong khi đó, đoạn Dầu Giây – Phan Thiết sẽ kết nối cùng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết tạo thành trục cao tốc liên tục từ Tp.HCM đến cảng tổng hợp Vĩnh Tân (Bình Thuận), giảm tải áp lực giao thông cho Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây – Phan Thiết hiện chỉ có 2 làn xe, đã mãn tải.
Mặc dù nhiều ý kiến ủng hộ nội dung này tại tờ trình trước đó của Chính phủ, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, việc chọn Dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây là chưa hợp lý vì 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP và đến nay có một số nhà đầu tư trong nước quan tâm.
Thực tế, quá trình sơ tuyển quốc tế và sơ tuyển trong nước, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây có 9 nhà đầu tư tham gia trong khi đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 có đến 11 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển.
Nếu Quốc hội thông qua, dự kiến các dự án này sẽ khởi công một số gói thầu từ tháng 9/2020 và khởi công toàn bộ các gói thầu trong tháng 10/2020 và tháng 11/2020.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai toàn bộ các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công trong năm 2022, riêng dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong năm 2023; hoàn thành các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao không chuyển toàn bộ 8 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công?
15:41, 01/06/2020
Nợ chồng chất, Sông Đà vẫn được đề xuất chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam
13:54, 06/06/2020
Dự thảo Luật về PPP còn nhiều điểm mờ: “Hoá giải” cao tốc Bắc - Nam bằng Luật PPP?
21:06, 27/05/2020
Vì sao không nên chuyển cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công?
12:30, 25/05/2020
"Tăng tốc"... cao tốc Bắc - Nam
05:07, 18/04/2020