Kinh tế vỉa hè: (Kỳ 2) Nghiên cứu thành lập Công ty quản lý và khai thác vỉa hè

ĐÌNH ĐẠI thực hiện 25/06/2020 06:00

Đó là đề xuất của TS Dư Phước Tân – TP Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM khi trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp.

Theo ý kiến cá nhân, TS Dư Phước Tân cho rằng, quan điểm của Thành phố trong thời gian qua, nhìn chung là không nên thu phí vỉa hè của người dân và nên tạo điều kiện cho người dân sử dụng tạm một phần vỉa hè để kinh doanh, nhưng phải đảm bảo trật tự và vệ sinh sạch sẽ (áp dụng theo Quyết định số 74/2008). Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển hiện nay thì việc thu phí sử dụng một phần vỉa hè là cần thiêt.

- Mới đây, TP. HCM lại bàn về cách quản lý vỉa hè. Một trong những ý tưởng đó là "muốn sử dụng phải có giấy phép và trả phí", quan điểm của ông cũng như của Viện về vấn đề này như thế nào?

Cách đây mấy năm, Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM cũng đã có đề tài nghiên cứu về vấn đề này, tập hợp nhiều chuyên gia cùng nghiên cứu và Viện đã ủng hộ quan điểm phải thu phí sử dụng vỉa hè, đề xuất thành lập Công ty quản lý và khai thác vỉa hè, vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, đất vỉa hè là đất công cộng, chức năng của vỉa hè, về cơ bản, có thể nhận diện 4 chức năng bao gồm: Làm lối đi riêng cho người đi bộ (tối thiểu là 1,5 m); Chứa đựng hạ tầng và tiện ích đô thị, để bố trí hệ thống cấp điện, đường cáp quang, đường ống cấp nước, cống thoát nước, đặt cột điện, cột chiếu sáng công cộng, các biển quảng cáo và trồng cây xanh; Làm lối ra vào các công trình ở dọc phố và phải bảo đảm bố trí được vào các điểm tiếp cận các công trình giao thông khác như cầu vượt và hầm dành cho người đi bộ và chức năng không gian công cộng đô thị, là nơi để mọi người có thể lui tới, nhìn ngắm người qua lại hoặc đi lại tản bộ trò chuyện. Tuy nhiên, chưa thấy có chức năng sử dụng vỉa hè để kinh doanh hay buôn bán hàng rong.

Người dân vô tư sử dụng phần vỉa hè trước nhà và đẩy người đi bộ xuống dưới lòng đường.

Người dân vô tư sử dụng phần vỉa hè trước nhà và đẩy người đi bộ xuống dưới lòng đường.

Do vậy, việc mặc định vỉa hè trước nhà là thuộc sở hữu của chủ nhà là không đúng. Trong lúc chủ các căn hộ sống trong hẻm không hề có diện tích vỉa hè công cộng để sử dụng như những chủ hộ thuộc căn hộ mặt tiền đường. Về nguyên tắc công bằng, nếu chủ hộ mặt tiền muốn sử dụng tạm một phần diện tích trên vỉa hè (đất công cộng), họ phải có nghĩa vụ chi trả một khoản phí nào đó hàng tháng để có nguồn thu bảo trì cho chính vỉa hè họ đang sử dụng.

Thứ hai là khi thu phí, người dân sẽ không sử dụng tràn lan mà sử dụng tiết kiệm, có chọn lọc và hiệu quả, họ sẽ không dám lấn chiếm vì về nguyên tắc là phải trả tiền mới được sử dụng, nếu lấn chiếm sẽ vi phạm pháp luật và sẽ bị chế tài xử phạt.

Theo quan điểm cá nhân tôi, thu phí sử dụng vỉa hè là hợp lý và phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay của nhiều nước trên thế giới. Nhiều người cho rằng, thu phí vỉa hè là tận thu, ảnh hưởng đến sinh kế của người nghèo. Tôi không cho là như vậy, bởi những người bán hàng rong, buôn thúng, bán bưng mới là những người nghèo. Với những đối tượng này, thành phố sẽ có những chính sách riêng dành cho họ. Còn những hộ có mặt tiền phố để kinh doanh, sử dụng chỗ để xe cho khách hàng hoặc cho gia đình, thì phần lớn không phải là người nghèo.

Vấn đề ở đây là chúng ta đang bàn đến chuyện làm sao để quản lý vỉa hè cho hiệu quả, người dân vừa được phép kinh doanh, vừa mang lại nguồn thu cho nhà nước về lâu dài, vừa đảm bảo được trật tự và mỹ quan đô thị.

 - Vậy ông có đề xuất giải pháp nào và kế hoạch triển khai ra sao, thưa ông?

Theo tôi, thành phố nên xem xét đến việc thành lập công ty quản lý và khai thác vỉa hè đô thị. Tùy vào tính pháp lý mà có thể thành lập Công ty cổ phần hoặc là Trung tâm trực thuộc Sở GTVT hoặc các quận, huyện. Công ty này có thể tận dụng đơn vị hiện có là công ty công ích của các quận, huyện hoặc là giao cho tư nhân làm.

Công ty này có trách nhiệm phối hợp chính quyền địa phương tổ chức thu phí sử dụng vỉa hè; quản lý, duy tu, bảo dưỡng... và phối hợp với các công ty về hạ tầng khác trong đô thị trong việc cải tạo chỉnh trang đô thị. Đồng thời, Công ty còn được giao trách nhiệm giám sát việc lấn chiếm vỉa hè của các hộ dân mà không đăng ký nộp phí, có thể tiến hành xử phạt trực tiếp, khi hộ dân vi phạm hợp đồng sử dụng nhiều hơn diện tích nộp phí… Như vậy, trật tự vỉa hè sẽ được đảm bảo hơn mà không cần lực lượng chức năng nhà nước phải ra tay, giảm được một phần nhân lực trong bộ máy chính quyền… 

Đồng thời nên tổ chức thí điểm từ địa bàn nhỏ, sau đó nhân rộng ra, nếu đạt được kết quả như mong đợi. Với nguồn thu không nhỏ từ thu phí sử dụng vỉa hè (chúng tôi đã ước tính có thể thu được tổng kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trên toàn địa bàn thành phố, chỉ tính đối với những vỉa hè trên các tuyến đường có khả năng cho phép sử dụng kinh doanh tạm thời).

Với nguồn thu như vậy, công ty quản lý và khai thác vỉa hè sẽ thuê các chuyên gia nghiên cứu văn hóa trục đường, phát triển kinh doanh vỉa hè, phù hợp kinh nghiệm quản lý vỉa hè của các nước phát triển, giúp các tuyến đường thành phố ngày càng mỹ quan, hấp dẫn.

Để thực hiện được phương án trên, trước hết thành phố cần xem xét, chọn ra một địa bàn phù hợp để làm thí điểm, tránh sự xáo trộn trong dân. Cần nghiên cứu tiền khả thi để thành lập công ty hoặc Trung tâm quản lý và khai thác vỉa hè. Thành phố lập danh sách và công bố những tuyến đường nào được phép sử dụng tạm một phần vỉa hè để các hộ có thể đăng ký sử dụng kinh doanh, để xe và ký hợp đồng nộp phí hàng tháng.

Đối với những vỉa hè trên những tuyến đường không đủ rộng thì phải nghiêm cấm triệt để việc kinh doanh trên vỉa hè. Như vậy, người dân sẽ chấp nhận nguyên tắc là nếu hộ dân nào không đăng ký sử dụng tạm và nghiêm túc đóng phí vỉa hè hàng tháng, họ sẽ không được phép sử dụng vỉa hè, cho dù là vỉa hè có diện tích rộng hay hẹp. Công ty sẽ tổ chức nhận đăng ký từ người dân và sẽ tiến hành ký hợp đồng cho phép sử dụng tạm vỉa hè trong thời gian đóng phí.

Trong quá trình thực hiện, chắc chắn sẽ phát sinh những tình huống không lường trước. Vì vậy, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các chính sách để làm sao đảm bảo được sự công bằng, vừa đảm bảo nguồn thu, vừa đảm bảo công tác duy tu, bảo dưỡng vỉa hè, vừa đảm bảo việc kiểm tra, xử phạt, chế tài, tạo lập trật tự vỉa hè một cách hiệu quả.

- Vậy còn giải pháp đối với hàng rong thì sao, thưa ông?

Đối với hàng rong vì đây là những người buôn bán lưu động, nay họ bán chỗ này, mai họ lại bán chỗ khác, khi người này đi thì người khác đến, nên rất khó quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền đối với đối tượng này, chúng ta cũng có thể làm theo cách mà nhiều nước đang làm, mà gần chúng ta nhất là Bangkok, Thái Lan.

Giới chức Thái Lan tập trung những người bán hàng rong về những con phố đã được quy hoạch và tất nhiên là họ cũng phải trả phí thuê chỗ. Nhưng đổi lại, họ được kinh doanh hợp pháp, được tập huấn về vệ sinh anh toàn thực phẩm và một tuần 1-2 lần được đơn vị cho thuê chỗ dọn dẹp sạch sẽ, làm vệ sinh khu vực buôn bán.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế và cũng chỉ áp dụng được ở những tuyến phố điểm có phục vụ hoạt động du lịch. Giải pháp căn cơ và lâu dài hơn, theo tôi là cần tìm ra một hình thức kinh doanh thay thế. Người dân thích mua hàng rong là do tính tiện dụng của nó là mang hàng đến tận các ngõ, ngách, vào đến tận nhà để bán. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, khi người dân chỉ cần ngồi nhà có thể mua được mọi thứ mình muốn thì hàng rong sẽ dần bị thu hẹp và tiến tới xóa bỏ.

Xin cảm ơn ông!

Kỳ 3: Phải hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế vỉa hè: (Kỳ 1) Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới

    Kinh tế vỉa hè: (Kỳ 1) Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới

    15:30, 23/06/2020

  • Kinh tế vỉa hè

    Kinh tế vỉa hè

    15:40, 14/04/2017

ĐÌNH ĐẠI thực hiện