Kinh tế vỉa hè: (Kỳ 3) Phải hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân

ĐÌNH ĐẠI 26/06/2020 06:00

Thu phí sử dụng vỉa hè, theo giới chuyên gia là cần thiết và hợp xu hướng phát triển hiện nay. Tuy nhiên, việc thu phí phải dung hòa được giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của nhân dân.

Phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã ghi lại ý kiến của một số hộ dân có mặt tiền đường kinh doanh cũng như những người buôn bán hàng rong trên một số tuyến phố của TP. HCM. Hầu hết người dân được hỏi đều cho rằng họ chưa được nghe về Dự thảo quy định này, nhưng nếu thành phố chủ trương thực hiện thì họ sẽ chấp hành. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều ý kiến phản đối về Dự thảo này, những ý kiến phản đối đều cho rằng, vỉa hè trước mặt tiền nhà dân, thu phí sử dụng là bất hợp lý.

Phải hài hòa lợi ích

Anh Nguyễn Văn Tuyến, có cửa hàng kinh doanh tại đường Trường Chinh, quận 12, TP. HCM cho biết, anh chưa nghe nói đến quy định này, chắc do vẫn còn là Dự thảo nên chính quyền chưa phổ biến đến người dân. Anh Tuyến cho rằng, nếu là chính sách của thành phố thì cần phải nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện để tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đồng thời phải làm sao để hài hòa được lợi ích của người dân và Nhà nước.

Tuyến đường Trường Chinh, Q.12, TP. HCM có vỉa hè rất rộng, nhưng hầu như đều bị lấn chiếm, khiến không gian cho người đi bộ bị hạn chế.

Tuyến đường Trường Chinh, Q.12, TP. HCM có vỉa hè rất rộng nhưng hầu như đều bị lấn chiếm, khiến không gian cho người đi bộ bị hạn chế.

“Mới nghe qua thì tôi thấy cũng có vẻ hợp lý, nếu thành phố thực hiện thì gia đình tôi sẽ chấp hành. Lâu nay nhà tôi cũng sử dụng một phần vỉa hè trước cửa để trưng bày hàng hóa, thỉnh thoảng cũng bị các anh bên trật tự đô thị nhắc nhở. Giờ nếu tốn thêm vài trăm nghìn một tháng nhưng được sử dụng hợp pháp thì cũng hợp lý” - anh Tuyến chia sẻ.

Tuy nhiên, anh Tuyến cho rằng nếu đã làm thì phải đồng bộ, nghĩa là hộ nào kinh doanh mặt tiền đường có sử dụng vỉa hè đều phải trả phí như nhau, tránh tình trạng người chấp hành, người không và đương nhiên những người chấp hành chủ trương thì thường sẽ chịu thiệt.

“Tôi thấy hầu như nhà ai kinh doanh mặt tiền đường cũng tận dụng vỉa hè trước nhà để trưng bày hàng hóa hoặc để xe cho khách, nên nếu phải trả phí thì ai cũng phải trả. Nhiều người họ cứ ì ra và không chịu chấp hành, như vậy là không công bằng” - anh Tuyến nói.

Tương tự, chủ một shop thời trang trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP. HCM (yêu cầu không nêu tên) cho rằng, chị cũng hơi bất ngờ khi nghe thông tin này, chị nói mặt bằng này là chị đi thuê, mỗi tháng cả vài chục triệu. Năm nay do ảnh hưởng của COVID-19 nên doanh thu giảm rất nhiều, nếu thêm khoản phí vỉa hè nữa thì lại thêm gánh nặng (chị sử dụng một phần vỉa hè để cho khách để xe).

“Mặc dù không vui lắm, nhưng nếu Nhà nước thực hiện thì mình cũng phải chấp hành thôi chứ không thể làm khác được. Điều tôi quan tâm là giá thuê có hợp lý không và nhà nước dựa vào yếu tố nào để tính giá thuê, rồi giá cào bằng hay tính theo quận, huyện?” - chị chủ shop đặt hàng loạt câu hỏi.

Không như anh Tuyến và chị chủ shop thời trang, chị Nguyễn Thị Như Nguyệt, chủ một cửa hàng cũng nằm trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình thì phản đối và không đồng tình. Chị Nguyệt cho rằng, vỉa hè trước nhà mình là mình đương nhiên được phép sử dụng. Từ trước đến giờ vẫn vậy, tự dưng giờ lại đòi thu phí.

“Tôi không đồng ý với chính sách này, nhà mặt tiền có giá đắt hơn rất nhiều lần so với nhà trong hẻm. Vì vậy, chúng tôi đương nhiên là được sử dụng phần diện tích vỉa hè trước nhà, miễn là chúng tôi không xây dựng gì trên đấy là được. Chúng tôi kinh doanh đã phải đóng thuế rồi, giờ lại đòi thu phí vỉa hè nữa thì không hợp lý” - chị Nguyệt lý giải.

Người dân vô tư sử dụng vỉa hè trước nhà và coi đó như là tài sản riêng của mình.

Người dân vô tư sử dụng vỉa hè trước nhà và coi đó như là tài sản riêng của mình.

Không riêng gì chị Nguyệt mà rất nhiều người cùng có suy nghĩ, nhà mặt tiền phải mua giá cao hơn nhà trong hẻm, nên đương nhiên là được sử dụng luôn phần vỉa hè trước nhà mình. Đây là môt suy nghĩ không đúng, sắp tới đây sẽ phải thay đổi.

Ở kỳ trước, TS Dư Phước Tân – Trưởng phòng Nghiên cứu Quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cũng đã cho rằng: “Việc mặc định vỉa hè trước nhà là thuộc sở hữu của chủ nhà là không đúng. Trong lúc chủ các căn hộ sống trong hẻm không hề có diện tích vỉa hè để sử dụng như căn hộ mặt tiền đường. Về nguyên tắc công bằng, nếu chủ hộ mặt tiền muốn sử dụng tạm một phần diện tích trên vỉa hè (đất công cộng), họ phải có nghĩa vụ chi trả một khoản phí nào đó hằng tháng để có nguồn thu bảo trì cho chính vỉa hè họ đang sử dụng”.

Mong hết cảnh vừa bán vừa chạy

Chị Tuyết, một người bán chè dạo ở khu vực Q.1, TP. HCM nói với phóng viên rằng, nghề của chị là phải đẩy xe đi khắp hang cùng, ngõ hẻm thì mới mong bán hết hàng, chứ nếu ngồi một chỗ thì chắc là sẽ ế. Chị kể, vợ chồng chị từ vùng quê Quảng Ngãi dắt díu nhau vào Sài Gòn mưu sinh cũng được gần 30 năm và cũng là ngần ấy năm chị mưu sinh với xe chè dạo này.

“Ngày nào cũng vậy, cứ 10 giờ sáng là tôi đẩy xe chè từ Thủ Đức lên đây để bán cho bà con. Tôi chỉ đứng mỗi điểm chừng một tiếng đồng hồ rồi lại đi chỗ khác. Nghề bán dạo này mà ngồi một chỗ sẽ không bán hết xe chè này đâu”. Chị nói rồi chỉ tay vào xe chè với những nồi chè mới chỉ vơi đi 1/3.

Khi phóng viên hỏi, nếu sắp tới đây thành phố tập trung những người bán hàng rong như chị vào bán ở những tuyến phố cố định theo giờ và phải trả chi phí thuê mặt bằng thì chị nghĩ sao?

Nhuj7ng4 người bán hàng rong tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ mong muốn thành phố quy hoạch cho một khu vực để buôn bán để không còn cảnh vừa bán, vừa chạy.

Những người bán hàng rong tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ mong muốn thành phố quy hoạch cho một khu vực buôn bán để không còn cảnh vừa bán, vừa chạy.

Chị Tuyết trầm ngâm một lát rồi nói: “Nếu như vậy thì rất khó cho những người bán hàng rong như chúng tôi. Tôi không quan trọng vấn đề phải trả chi phí thuê chỗ, mà chỉ sợ ngồi một chỗ sẽ không bán được hàng”.

Mặc dù có vẻ lo lắng, nhưng chị Tuyết cũng cho rằng, thành phố đã đưa ra chính sách đó thì chắc sẽ phải nghiên cứu rất kỹ trước khi thực hiện. Nếu được cấp mặt bằng để buôn bán thì chị sẽ không phải nơm nớp lo sợ, vừa bán, vừa canh trật tự đô thị tới đuổi.

Còn anh Huy, một người bán hàng rong trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1 lại tỏ ra khá hào hứng với thông tin này. Anh Huy cho biết, ở đây đông du khách nên buôn bán cũng đắt hàng, nhưng vì không được phép nên các anh cứ phải vừa bán, vừa canh, thấy bóng dáng trật tư đô thị từ xa là các anh lại ôm hàng chạy.

“Biết là vi phạm nhưng không làm sao được, vì đó là cuộc sống, là miếng cơm manh áo nên vẫn phải bán. Chúng tôi rất mong thành phố quy hoạch cho một khu vực trên Phố đi bộ này để buôn bán. Chúng tôi sẵn sàng trả phí thuê chỗ và đầu tư xe đẩy đạt tiêu chuẩn để phục vụ khách du lịch. Hy vọng dự án này được thông qua, chúng tôi sẽ có chỗ bán hàng hợp pháp và sẽ không còn cảnh vừa bán vừa chạy nữa” - anh Huy chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế vỉa hè: (Kỳ 2) Nghiên cứu thành lập Công ty quản lý và khai thác vỉa hè

    Kinh tế vỉa hè: (Kỳ 2) Nghiên cứu thành lập Công ty quản lý và khai thác vỉa hè

    06:00, 25/06/2020

  • Kinh tế vỉa hè: (Kỳ 1) Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới

    Kinh tế vỉa hè: (Kỳ 1) Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới

    15:30, 23/06/2020

  • Kinh tế vỉa hè

    Kinh tế vỉa hè

    15:40, 14/04/2017

ĐÌNH ĐẠI