M&A hậu COVID-19: (Kỳ II): Cảnh giác với các thương vụ có yếu tố Trung Quốc
Nhà nước phải có quản lý chặt chẽ, cảnh giác với những đối tượng xin đăng ký kinh doanh mới, M&A có yếu tố Trung Quốc và phải đánh giá các thương vụ này...
Đó là chia sẻ của chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới với Diễn đàn doanh nghiệp trước làn sóng lo ngại về khả năng “thâu tóm” doanh nghiệp Việt Nam giá rẻ.
- Ông nhận định thế nào về làn sóng M&A dồn dập đang diễn ra và những lo ngại “ngoại hoá” doanh nghiệp Việt?
Thực tế làn sóng mua bán – sáp nhập (M&A) doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ từ năm 2019, bắt nguồn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dòng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Khi đó, Việt Nam được lựa chọn là điểm đầu tư lý tưởng.
Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19 xu hướng M&A càng trở nên rộn ràng, sự dịch chuyển dòng đầu tư càng trở lên chắc chắn khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. Các nhà đầu tư nhận thấy không thể mạo hiểm "bỏ trứng vào một giỏ" là Trung Quốc. Do đó, họ cần chuẩn bị địa bàn để dịch chuyển.
Quan sát cho thấy, trong khoảng 20 thương vụ M&A tương đối lớn tại Việt Nam năm 2019 và gần đây chủ yếu với nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, sau đó là dòng vốn từ các nhà đầu tư Thái Lan và Trung Quốc.
Những lĩnh vực chính đang thu hút đầu tư qua M&A như logistics, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bán lẻ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, những doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này được đưa vào tầm ngắm M&A để chuẩn bị cho giai đoạn dịch chuyển cơ học các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam trong giai đoạn tới. Đây là những lĩnh vực nền tảng phục vụ cơ sở hạ tầng cho sự dịch chuyển sau này.
Mặc dù chưa có những dấu hiệu cụ thể nhưng có vẻ các "ông lớn" ở Việt Nam cũng thấy rằng nếu không tập hợp lực lượng sẽ bị thôn tính, gần đây các hãng bán lẻ đã bắt tay với nhau hay như Vinamilk đã mua lại Mộc Châu vì lo ngại này.
Tuy nhiên phải nói rõ, lo ngại lớn hơn ở dòng đầu tư từ Trung chứ không phải dòng Nhật bản, Hàn Quốc. Tại sao lại như vậy? Bởi, làn sóng M&A của nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc là để chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho sự dịch chuyển với hạ tầng đảm bảo như ăn ở, ngân hàng, hệ thống bán lẻ, logistics.
Trong khi đó, làn sóng của Trung Quốc có vẻ muốn sáp nhập để thâu tóm doanh nghiệp Việt, hoạt động sản xuất sau đó của nhà đầu tư Trung Quốc sau này sẽ tránh được mức thuế quan từ Mỹ.
- Nói như vậy những lo ngại về doanh nghiệp Việt bị nuốt chửng sau M&A là có căn cứ, hệ luỵ là gì thưa ông?
Lợi hại từ M&A hay không là do mình vì được dòng vốn ngoại đầu tư vào là rất tốt, giúp doanh nghiệp nội tăng thêm nguồn vốn, đồng thời được hưởng lợi từ kỹ thuật công nghệ, quản lý, tiếp cận thị trường toàn cầu...
Câu chuyện là chúng ta tiếp nhận và mở rộng những nguồn lực này như thế nào hay để bị “nuốt chửng” dẫn tới viễn cảnh không hay như trước đây.
Trong khi đó, lo ngại được nhắc tới nhiều hơn bởi dòng đầu tư dịch chuyển sang từ Trung Quốc có những hiện tượng sử dụng “bình phong”. Theo đó, có thể có nhiều công ty của Việt Nam mới sẽ được “mọc” ra sau đó sáp nhập với doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Mặc dù chưa có dấu hiệu cụ thể nhưng nếu thực sự thì Mỹ và các đối tác có thể sẽ đánhh thuế vào những doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc, đồng thời ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt.
- Vậy, theo ông, giải pháp để kiểm soát được tình trạng nêu trên?
Rõ ràng làn sóng M&A từ Nhật Bản và Hàn Quốc giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, công nghệ, kỹ thuật quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh…trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch COVID-19. Nếu chặn đứng dòng đầu tư này, có thể nhiều doanh nghiệp Việt sẽ “chết” trước khi bị thâu tóm như lo ngại.
Tuy nhiên, bởi nhiều doanh nghiệp Việt đang yếu ớt sau đại dịch, có nguy cơ bị thôn tính, do đó, phải có sự quản lý của nhà nước trong hoạt động M&A. Theo đó, Nhà nước phải có quản lý chặt chẽ, cảnh giác với những đối tượng xin đăng ký kinh doanh mới và M&A có yếu tố Trung Quốc, phải đánh giá các thương vụ, các nhà đầu tư có tiềm lực ra sao, lĩnh vực kinh doanh ra sao, công nghệ như thế nào…?
Đồng thời, Nhà nước chỉ nên can thiệp vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để tránh tác động đến an ninh kinh tế. Còn với những dự án kinh tế thông thường nên rộng cửa đón nhận nguồn vốn góp, chuyển nhượng từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi vì, nếu áp đặt biện pháp kiểm soát quá chặt chẽ, có thể ảnh hưởng đến mặt bằng đầu tư lâu dài.
- Đã có nhiều quốc gia đang xem xét các biện pháp hạn chế M&A, thưa ông?
Muốn cấm phải có lý do, trong WTO chỉ có căn cứ là liên quan an ninh quốc gia. Ví dụ những ngành đặc thù như viễn thông có thể cấm M&A.
Kinh nghiệm từ châu Âu và Mỹ gần đây cho thấy, các quốc gia này đã nhận thấy dòng vốn Trung Quốc đã M&A ở EU và Mỹ trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Năm 2019, vốn Trung Quốc rót 25 tỷ USD ở Mỹ và 13 tỷ USD ở EU vào những lĩnh vực như công nghệ vũ trụ, công nghệ kỹ thuât số, công nghệ viễn thông,…nhằm phục vụ cho “made in china” 2025.
Do đó, các nước này đang đưa ra danh sách những ngành liên quan an ninh quốc gia, bao gồm cả nhóm liên quan (tức doanh nghiệp nhỏ cung cấp cho các tập đoàn công nghệ lớn) để dừng M&A theo ngành, thậm chí có cơ chế can thiệp vào từng thương vụ.
- Vậy Chính phủ các nước ứng xử như thế nào với M&A mà đặc biệt là M&A từ doanh nghiệp Trung Quốc?
Trước đây M&A là bình thường nhưng gần đây châu Âu nhận thấy có yếu tố Nhà nước Trung Quốc đứng sau hỗ trợ doanh nghiệp M&A và sử dụng thực thể M&A đó phục vụ cho Nhà nước nên các nước phương Tây phải canh chừng.
Mỹ mới đây đã báo cáo liệt kê danh sách 20 công ty liên quan Huwai, nếu Quốc hội Mỹ phê duyệt thì sẽ là căn cứ pháp lý để ra lệnh phong toả và ngừng hoạt động các doanh nghiệp này tại Mỹ.
Việt Nam có thể nghiên cứu đưa ra các đạo luật bảo vệ doanh nghiệp. Theo đó, lựa chọn lĩnh vực đặc thù, những xem xét kỹ lưỡng trong các thương vụ M&A. Đây là nhiệm vụ của các bộ ngành, phải khuyến khích bảo vệ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu Việt.
Có thể bạn quan tâm
M&A hậu COVID-19: Đón sóng trong sự thận trọng
02:00, 24/06/2020
Được - mất với M&A: (Bài 1) "Bán mình" có luôn là thua thiệt?
06:00, 24/06/2020
Được - mất với M&A: (Bài 2) Cần có kiểm soát bằng nghị định của Chính phủ
06:00, 25/06/2020