Thúc tiến độ giải ngân vốn ODA của TP. HCM
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. HCM về vấn đề giải ngân vốn cho các dự án ODA.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, năm 2020 do dịch COVID-19 nên tình hình kinh tế hết sức khó khăn, tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm thấp. Một trong những mục tiêu của năm nay là giải ngân vốn đầu tư công, trong đó vốn ODA.
Theo Phó thủ tướng, năm 2020, riêng các dự án ở TP. HCM chiếm 1/4 kế hoạch vốn ODA được giao. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc TP. HCM đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong việc thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công, trong đó nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, thành phố giải ngân vẫn còn thấp, chỉ đạt 1/5 kế hoạch giao vốn.
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, hiện nay thành phố có 9 dư án ODA, trong đó có 6 dự án nhóm A và 3 dự án nhóm B. Tổng vốn đầu tư của 9 dự án này là 122. 567 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 102.000 tỷ đồng, vốn đối ứng là 20.000 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, tổng hạn mức kế hoạch trung hạn vay giai đoạn 2016-2020 là 15.000 tỷ đồng, trong đó phân bổ chi tiết 90% khoảng 13.500 tỷ đồng, còn lại 10%, khoảng 1.500 tỷ đồng. TP. HCM được bổ sung thêm 5.365 tỷ đồng nâng tổng vốn nước ngoài đã cấp phát từ nguồn vốn trung ương là 20.365 tỷ đồng.
Về tình hình giải ngân vốn dự án ODA 6 tháng đầu năm 2019, kế hoạch giao vốn ODA là 15.532 tỷ đồng, trong đó ODA cấp phát từ ngân sách trung ương là 5.044 tỷ đồng, ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 10.487 tỷ đồng, vốn đối ứng của thành phố là 1.723 tỷ đồng.
“Đến hết tháng 6/2020, vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương đã giải ngân được 1.045 tỷ đồng, đạt 20,7%, vốn ODA vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của chính phủ là 555 tỷ đồng” - ông Hoan thông tin thêm.
Lý giải về việc chậm giải ngân vốn ODA, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, do một số dự án đang trình Thủ tướng để xin điều chỉnh thời gian thực hiện, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.
Đối với các tuyến Metro số 1 và Metro số 2 mới được phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc do một số gói thầu đã bị hủy và phải tổ chức đấu thầu lại. Ngoài ra, do thời gian thực hiện dự án kéo dài nên phải điều chỉnh lại.
Nguyên nhân nữa được ông Hoan chỉ ra là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều hạng mục công trình (chuyên gia, hàng hóa) bị ngưng trệ dẫn đến việc giải ngân chậm.
Từ những khó khăn trên, UBND TP. HCM kiến nghị với Chính phủ 04 nhóm vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc giải ngân vốn ODA:
Thứ nhất: Đối với những dự án sử dụng vốn trung hạn như tuyến Metro số 1, thành phố kiến nghị các bộ, ngành sớm có ý kiến về việc sử dụng đồng Yên hay Việt Nam đồng trong thanh toán.
Đối với dự án tuyến Metro số 2 cũng đang gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Sau khi tổ chức thẩm định giá lại vào năm 2020 và ban hành hệ số điều chỉnh giá và tổ chức bồi thường cho người dân lại tăng thêm 500 tỷ đồng. Thành phố vướng mắc về việc xin ý kiến Quốc Hội, Trung ương khi gói bồi thường giải phóng mặt bằng này vượt mức ban đầu.
Thứ hai: Đối với nhóm các dự án liên quan đến sử dụng vốn kích dư, thành phố kiến nghị bộ tài chính xem xét sớm có văn bản hướng dẫn, cho phép thành phố sử dụng vốn kích dư 76,8 triệu USD của dự án vệ sinh môi trườngthành phố giai đoạn 2.
Thứ ba: TP. HCM đề xuất Bộ Tài chính sớm xem xét và có văn bản điều chỉnh lịch trả nợ của hai khoản vay WB đến ngày 30/9/2027, thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung vốn cho dự án theo hồ sơ mà thành phố đã đề nghị.
Thứ tư: TP. HCM kiến nghị chính phủ sớm cho phép các chuyên gia sang Việt Nam làm việc để đảm bảo tiến độ của các dự án. Đồng thời đề xuất cho các dự án mới giai đoạn 2021 – 2025. Thành phố đã vận động được 4 dự án mới, trong đó có 2 dự án đã gửi các bộ trình Thủ tướng để xem xét phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi.
Liên quan đến các kiến nghị của TP. HCM, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, kiến nghị giải quyết cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam có thể giải quyết được ngay không chỉ riêng cho metro số 1 mà các chuyên gia của lĩnh vực khác.
Về vấn đề sử dụng tiền Yên hay tiền Đồng trong thanh toán cho tuyến metro số 1, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính sớm giải quyết dứt điểm nhằm đẩy nhanh dự án.
Phó thủ tướng kì vọng TP. HCM sẽ đưa metro chạy thử vào tháng 10/2020 và đưa vào khai thác năm 2021. Đồng thời lưu ý TP. HCM đẩy nhanh các dự án ODA đang triển khai, và đánh giá lại tính hiệu quả của các dự án ODA đã hoàn thành.
Có thể bạn quan tâm