VASEP: Doanh nghiệp “hụt hẫng” vì điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ hậu COVID-19

THY HẰNG 30/06/2020 06:00

Đại diện VASEP cho biết, doanh nghiệp “hụt hẫng” vì các con số trong quy định điều kiện “doanh nghiệp phải cắt giảm 50% doanh thu”, “doanh nghiệp phải giảm 50% lao động" mới được tiếp cận gói hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) các chuỗi của doanh nghiệp thuỷ sản phải gắn với nông - ngư dân, vì vậy đại dịch COVID-19 tác động tới doanh nghiệp trong ngành đồng nghĩa kéo theo các nông-ngư dân này bị ảnh hưởng. 

Doanh nghiệp thuỷ sản là lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động, do đó, tác động của dịch COVID-19 càng nặng nề hơn.

Doanh nghiệp thuỷ sản là lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động, do đó, tác động của dịch COVID-19 càng nặng nề hơn.

Phân tách hai nhóm doanh nghiệp

Đánh giá những doanh nghiệp chịu tác động từ đại dịch này, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết phân chia thành hai nhóm doanh nghiệp. “Theo đó, một nhóm doanh nghiệp vì xác định chuỗi sản xuất gắn với nông – ngư dân mà cố gắng chèo lái để duy trì, giữ người lao động”, ông Nam chia sẻ. Tuy nhiên, cực chẳng đã, trong lúc chờ đợi nguyên liệu sản xuất và hợp đồng mới thì đã có những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Đây là nhóm doanh nghiệp thứ hai.

“Điều đáng nói, đến khi áp dụng gói hỗ trợ thì doanh nghiệp nhóm một - nhóm hi sinh nhiều thứ vì lao động lại “hụt hẫng” vì vấn đề các con số như điều kiện “doanh nghiệp phải cắt giảm 50% doanh thu”, “doanh nghiệp phải giảm 50% lao động”...mới được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng”, Phó Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh.

Ba giải pháp hỗ trợ

Do đó, đại diện VASEP đề xuất ba giải pháp tháo gỡ khó khăn về vấn đề lao động, việc làm cho doanh nghiệp thuỷ sản. Cụ thể, về bảo hiểm xã hội, ông Nam cho biết đây là nội dung gặp “va đập” nhiều nhất khi đi vào thực hiện. 

Theo đó, doanh nghiệp cho rằng sao BHXH không giống các gói hỗ trợ khác như chậm, gỉam, lùi, khoanh nộp thuế,…mà lại chỉ áp dụng cho lùi đóng BHXH vài tháng.

“Doanh nghiệp mong được giảm chứ không chỉ là giãn. Việc hoãn nộp không có nhiều ý nghĩa, việc giảm nên được thực hiện ít nhất trong giai đoạn 3 tháng chịu tác động nặng nề vừa qua. Việc miễn giảm BHXH sẽ có nhiều ý nghĩa vì ảnh hưởng trực tiếp tới quỹ lương”, Phó Tổng thư ký VASEP kiến nghị. 

Bên cạnh đó, về phí công đoàn, VASEP cho biết đã gửi kiến nghị nhiều lần. Riêng kinh phí công đoàn cũng phải được miễn giảm thay vì lùi vài tháng kèm rất nhiều điều kiện.

“Rõ ràng, doanh nghiệp và Chính phủ đang bắt tay 50% đi vay ngân hàng xã hội để trả lương trong khi quỹ công đoàn từ doanh nghiệp vẫn được “vặt” đều”, ông Nam nhấn mạnh. Đồng thời đề xuất, bài toán hỗ trợ cho doanh nghiệp có sức khoẻ phải được thực hiện từ BHXH và phí công đoàn.

Đại diện VASEP cũng cho biết đang chịu tác động lớn không chỉ về thuế mà về những cam kết trong vấn đề lao động đã được cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và những công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO).

“Đối tác sẽ quan tâm vấn đề này khiến doanh nghiệp thủy sản gặp sức ép về vấn đề lao động trẻ em bởi trong những ngành hàng thuỷ sản là ngành nhiều rủi ro với vấn đề lao động trẻ em khi có nhiều ngư dân trên biển. Do đó, đề xuất Bộ LĐ-TB&XH có bộ phận liên quan các quy định này để giải đáp cho doanh nghiệp”, đại diện VASEP kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Hỗ trợ dệt may hậu COVID-19: “Khoảng cách mênh mông” giữa chính sách và thụ hưởng

    15:24, 25/06/2020

  • Lao động ngành du lịch khó tiếp cận gói hỗ trợ

    11:14, 23/05/2020

  • Doanh nghiệp SMEs khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng vì chuẩn vay

    14:25, 14/05/2020

THY HẰNG