Đón “sóng” FDI: Chọn lọc đầu tư công nghệ tương lai
Nếu như trước đây chúng ta xúc tiến đầu tư đại trà thì giờ là xúc tiến đầu tư có địa chỉ, chú trọng những khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai.
Ba yếu tố để chúng ta có thể thành công trong thu hút FDI hiệu quả hơn. Thứ nhất, việc thẩm định cấp giấy đăng ký kinh doanh về đầu tư nước ngoài, trừ những lĩnh vực như dầu khí, bảo hiểm ngân hàng là do Thủ tướng và các cơ quan chuyên ngành quyết định. Còn lại các uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất quyết định.
Vì thế, biện pháp quan trọng nhất là nâng cao năng lực của các bộ phận tham mưu bao gồm các sở ban ngành của tỉnh, cơ quan của ban quản lý để tham mưu cho các ban quản lý biết cách lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư phù hợp định hướng mới đã được Nghị quyết 50 của Bộ chính trị về đầu tư nước ngoài nêu rất rõ.
Nghị quyết 50 đã vừa lưu ý đến các yếu tố lợi ích kinh tế, vừa lưu ý đến an toàn, an ninh quốc gia và có một ý gần đây nhiều người nói là sự thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước. Tất cả điều này đã được Nghị quyết 50 và Chỉ thị số 1, số 2 của Thủ tướng chính phủ vào đầu năm và sắp tới đây sẽ có một nghị quyết mới về đầu tư nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chuyển dịch. Tất cả những điều đó phải được kiểm duyệt nghiêm minh nhất.
Yếu tố thứ hai đó là lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài của chúng ta có các khối. Tôi thấy chúng ta không cần lo lắm về khu vực châu Á, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc và các nhà đầu tư từ các nước ASEAN cũng như là từ Trung Quốc lục địa và gần đây là cả Ấn Độ. Giờ chúng ta đã biết họ và chúng ta biết cách làm ăn với họ. Và, 2 bên đã hiểu nhau.
Gần đây có thông tin quan trọng là trong 67% các doanh nghiệp định chuyển ra khỏi Trung Quốc thì 42% là định chuyển sang Việt Nam. Do đó chúng tôi cho là không có vấn đề gì nhiều.
Điều chúng ta cần mà theo nghị quyết 50 của Bộ Chính trị là chúng ta cần những khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, robot, như big data, fintech…Tất cả điều này chúng ta cần phải tiếp cận được Châu Âu và Mỹ. Nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được.
Vì vậy, vấn đề hiện nay là xúc tiến đầu tư gọi là có định hướng tránh những xúc tiến đầu tư chung chung với định hướng như sắp tới là phải xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Nếu như trước đây chúng ta xúc tiến đầu tư đại trà thì giờ là xúc tiến đầu tư có địa chỉ- người ta cần mình và mình cần người ta. Hai bên gặp nhau.
Yếu tố thứ ba, phải cải cách nhanh hơn, đồng bộ hơn để tránh tình trạng trên ấm, dưới lạnh; tránh tình trạng nơi ấm, nơi lạnh; tránh tình trạng thủ trưởng rất nhiệt huyết nhưng công chức cứ bình bình.
Nói như thế có nghĩa là cả bộ máy phải chuyển động, cả bộ phận công chức phải chuyển động, cả đội ngũ doanh nghiệp phải chuyển động để cho những người lao động phải tham gia một cách tích cực vào cuộc cải cách này, và có như vậy chúng ta mới có thể thành công.
Có thể bạn quan tâm
Đón “sóng” đầu tư FDI: Thận trọng chọn lọc "đại bàng, chim sẻ"
05:00, 01/07/2020
Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú: Doanh nghiệp Việt cần có "nghệ thuật" trong nhận vốn đầu tư FDI
03:14, 01/07/2020
Đón "sóng" đầu tư FDI: Khả năng hấp thụ phụ thuộc vào Việt Nam
16:00, 30/06/2020
Việt Nam vượt các nước Đông Nam Á về sức hút vốn FDI
11:00, 29/06/2020
Dòng chảy FDI vào các nền kinh tế đang phát triển châu Á sẽ giảm gần một nửa
11:00, 18/06/2020