Cơ hội kết nối doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp FDI bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu, đây sẽ là cơ hội kết nối các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt.
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là ngành quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò như nguồn đầu vào cho hoạt động sản xuất và thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước. Trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ thị trường nhập khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp FDI thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất.
Đây được xem là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam khẳng định giá trị của mình, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI đa quốc gia này. Từ đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, gia tăng giá trị xuất khẩu và chuyển giao công nghệ.
Theo ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP),các doanh nghiệp nước ngoài đang đánh giá cao năng lực cung ứng của các doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong SHTP có kế hoạch mở rộng sản xuất. Đây là tín hiệu đáng mừng vì hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng của họ đang có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam.
“Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, Chính phủ đã đề ra ba giải pháp đột phá như: đột phá về thể chế, đột phá về nhân lực chất lượng và phát triển hạ tầng công nghệ. Trong giải pháp đột phá về hạ tầng công nghệ, Chính phủ lại chú trọng đẩy mạnh đột phá trong ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động” - ông Nguyễn Anh Thi cho biết.
Ông Nate Easter - Phó chủ tịch Điều hành Công ty TTi Việt Nam cho biết, hiện TTi có nhà máy tại Bình Dương sản xuất dụng cụ điện, phụ kiện, dụng cụ cầm tay, thiết bị điện dùng ngoài trời và tự chăm sóc sàn xe (DIY). Hiện nay, có khoảng 38% nhà cung ứng nội địa tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm của TTi Việt Nam. Theo kế hoạch tháng 10 năm nay, TTi sẽ triển khai dự án xây dựng một nhà máy và một trong tâm nghiên cứu tại SHTP.
“Với sự hỗ trợ to lớn từ SHTP và chính quyền địa phương, chúng tôi rất vui khi chọn SHTP để xây dựng nhà máy mới nhất của mình tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chúng tôi khi tiếp cận vào nhóm các nhà cung cấp lớn tài năng và có chất lượng cao cũng như sự cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ và chính quyền trong việc hỗ trợ tối đa các kế hoạch phát triển của TTI hiện tại và tương lai tại SHTP” - ông Nate Easter chia sẻ thêm.
Lãnh đạo TTi hy vọng trong 2 năm tới, công ty sẽ khoảng 200 doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho TTi, nâng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm của TTi tại Việt Nam lên 60% trong năm 2020 và đạt 80% vào năm 2021 và giá trị xuất khẩu đạt 4,5 tỉ USD vào thị trường EU và Hoa Kỳ.
Ngoài ra, đại diện TTi cũng kỳ vọng, các nhà cung ứng của Việt Nam phải cung ứng sản phẩm có chất lượng, giao hàng nhanh, ổn định cao và không ngại phát triển. Vì TTi muốn tạo ra những chuỗi cung ứng là những nhà cung cấp nội địa với tham vọng tỷ lệ nội địa hoá lên đến 80%.
Có thể bạn quan tâm