Phát triển du lịch an toàn sau khi mở cửa

THY HẰNG 08/07/2020 06:00

Việt Nam có lợi thế là một trong những quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh, do đó, du lịch có cơ hội khởi sắc trở lại. Việc tái khởi động du lịch sớm sẽ giúp chúng ta có lợi thế của người đi trước.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, khi mở cửa đường bay quốc tế, Việt Nam nên đón du khách ở những thị trường an toàn, xác định những quốc gia kiểm soát dịch tốt và chọn lọc các đường bay quốc tế đến Việt Nam để vừa thu hút khách vừa kiểm soát dịch bệnh.

xác định những quốc gia kiểm soát dịch tốt và chọn lọc các đường bay quốc tế đến Việt Nam

Việt Nam cần xác định những quốc gia kiểm soát dịch tốt và chọn lọc các đường bay quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Quốc Tuấn

Với những thị trường đã đảm bảo an toàn, Việt Nam vẫn phải xây dựng tiêu chí để kiểm soát tốt dịch bệnh, vì với một đường bay, chúng ta có thể đón du khách từ các thị trường trung chuyển vào Việt Nam. "Để an toàn nhất, chúng ta nên ưu tiên khai thác các chuyến bay thẳng từ điểm an toàn đến Việt Nam", ông Thắng cho hay.

Đây thực tế cũng là đề xuất của ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital. Theo đó, ông Don Lam đề xuất Chính phủ có thể khởi động lại du lịch là hợp tác với các khu nghỉ dưỡng và hãng hàng không phù hợp để cung cấp trải nghiệm du lịch an toàn cho hành khách, cho phép du khách một lần nữa tận hưởng du lịch trong khi giảm thiểu rủi ro liên quan đến virus. Ví dụ, du khách có thể tránh phải cách ly và ở tại các khu nghỉ mát được chỉ định với sự an tâm rằng tài sản họ đang ở về cơ bản đã được niêm phong khỏi virus.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp góp ý, Việt Nam cần tạo cho du khách quốc tế ấn tượng về điểm đến an toàn từ khâu vận chuyển, lưu trú đến ăn uống, qui trình thủ tục. Ngành du lịch cần liên kết chặt chẽ với ngành y tế để Việt Nam có thể đón khách quốc tế an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

"Chúng ta có thể xem xét đến những du khách sang Việt Nam chỉ để nghỉ dưỡng, không có nhu cầu đi lại nhiều. Ví dụ, đa số du khách Nga sang Việt Nam chỉ nghỉ dưỡng và tắm biển, khách Hàn Quốc thường thuê cả chuyến bay để sang Việt Nam chơi gofl và chỉ ở trong khoảng 2-3 ngày", Giám đốc Hanoitourist nói.

Lý giải về điều này, ông Phùng Quang Thắng cho biết các du khách này thường chỉ ở trong một khu vực nhất định, nên những điểm lưu trú, nghỉ dưỡng của họ giống như nơi cách li. Những nhân viên phục vụ tại đó sẽ phối hợp với ngành Y tế để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cũng nhận định, một điểm lưu trú có thể chỉ đón riêng từng chuyến bay để đảm bảo an toàn. "Một chuyến bay thường có 300 – 350 khách, rất phù hợp với khu nghỉ dưỡng có khoảng 150-200 phòng nghỉ", ông Thắng nói thêm. 

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cần làm nổi bật thông điệp về điểm đến an toàn. Yếu tố an toàn kết hợp với sự ưu việt về giá cả và sự chuyên nghiệp về dịch vụ sẽ tạo thành một sản phẩm có tính thuyết phục mạnh mẽ để khách quốc tế quyết định đến Việt Nam.

"Sản phẩm du lịch dành cho khách quốc tế sẽ khác so với trước đây. Đa số khách nước ngoài sang Việt Nam thường thích khám phá, trải nghiệm cuộc sống và văn hóa địa phương. Tuy nhiên, lúc này tạm thời chỉ nên tập trung đẩy mạnh du lịch nghỉ dưỡng để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân địa phương", ông Thắng nhận xét.

Có thể bạn quan tâm

  • Khách nội địa “phá băng” du lịch sau COVID-19 

    14:30, 07/07/2020

  • Đề xuất miễn, giảm thị thực tại cửa khẩu cho khách quốc tế khi mở cửa trở lại

    16:00, 29/06/2020

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 06/07: Thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19

    17:59, 06/07/2020

  • Doanh nghiệp du lịch đối phó với “khủng hoảng COVID - 19”

    11:00, 05/07/2020

THY HẰNG