Không phải điện một giá hay bậc thang, tối ưu phải là giá điện hai thành phần!

THY HẰNG 13/07/2020 06:00

Theo PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội biểu giá mới có tính đột phá và ưu việt nhất phải là giá điện hai thành phần thay vì một thành phần như hiện nay.

Chuyên gia cho rằng phương án điện một giá không dành cho số đông, đồng thời việc áp dụng song song hai phương án sẽ khó cân bằng tài chính cho EVN, vấn đề an sinh xã hội cũng không đảm bảo. Do đó, sẽ không giải quyết được hạn chế của cách tính giá điện hiện nay.

Phương án điện môt giá được cho là không dành cho số đông.

Phương án điện môt giá được cho là không dành cho số đông.

Khó cân bằng tài chính cho doanh nghiệp dẫn đến tăng giá

Trước hết, phân tích về phương án điện một giá mà Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu đưa ra song song với điện bậc thang hiện nay, PGS. TS Bùi Xuân Hồi cho biết, đến thời điểm này thông tin mới dừng ở mức nghiên cứu của Bộ Công Thương chứ chưa chính thức.

Ý tưởng bổ sung phương án điện một giá cho khách hàng lựa chọn song song với hình thức cũ chủ yếu xuất phát từ những lùm xùm trong quá trình triển khai giá điện bậc thang vào mùa nắng nóng hằng năm. 

Đồng thời, việc xác định điện một giá có lợi cho người tiêu dùng hơn điện bậc thang hay không còn phụ thuộc vào mức đồng giá được quy định.

Cụ thể, nếu phương án một giá điện và biểu giá lũy tiến được thực hiện song song thì các hộ tiêu dùng ít điện sẽ lựa chọn tính giá bậc thang, còn hộ sử dụng nhiều sẽ chọn phương án một giá để tránh hiệu ứng bậc thang. Tuy nhiên, nhóm khách hàng sử dụng mức sản lượng nào trở lên sẽ lựa chọn đồng giá còn phụ thuộc vào mức giá được xây dựng. Theo đó, mức giá càng cao thì hộ sử dụng càng nhiều điện sẽ không ưu tiên lựa chọn và ngược lại.

Theo tính toán, có đến 80% hộ tiêu dùng hiện nay sẽ phải trả tiền điện cao hơn hiện tại nếu lựa chọn phương án một giá, cũng đồng nghĩa là số hộ này sẽ không lựa chọn phương án mới bởi phương án một giá đương nhiên không thể thấp hơn mức giá trung bình hiện nay như lãnh đạo Bộ Công Thương nói. Nói cách khác, phương án mới được đưa ra không phục vụ cho số đông.

Nếu giá "trên trời" thì không nhiều hộ sử dụng điện lựa chọn một giá và sẽ quay về biểu giá điện bậc thang, khi đó phương án được bổ sung để tăng quyền lựa chọn cho người dân sẽ không có nhiều giá trị.

“Mặt khác, nếu đưa ra 2 loại biểu giá mà cả người tiêu dùng ít và nhiều điện đều có lợi thì rất khó cho việc cân bằng tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)”, ông Hồi nói. Khi đó, không loại trừ khả năng sẽ có nhiều đề xuất tăng giá điện được đưa ra.

Theo đó, biểu giá điện năng được thiết kế phải dựa trên nguyên tắc là phản ánh xác thực nhất chi phí cung ứng mà ngành điện đã phải trả.

Do đó, Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu được áp dụng thì đi kèm phải là toàn bộ hành lang pháp lý cho quá trình triển khai một phương thức tính giá điện mới hoàn toàn. Cụ thể là lựa chọn và thời gian thay đổi phương thức lựa chọn như thế nào để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như cân bằng tài chính cho doanh nghiệp.

Không đảm bảo mục tiêu an sinh

Tuy nhiên, nếu chỉ có một phương án là đồng giá điện thì người có thu nhập thấp cũng như người có thu nhập cao sẽ phải trả cùng mức giá. “Như vậy mục tiêu về chính sách xã hội sẽ không được thực hiện. Nếu chỉ 1 giá điện thì có 80% hộ gia đình phải trả giá cao hơn”, ông Hồi nói.

Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng phương án đồng giá điện sẽ không bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách… nếu không nghiên cứu các phương án hỗ trợ kèm theo. 

"Áp dụng đồng giá điện và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc miễn phí một phần điện tiêu thụ cho hộ nghèo, hộ chính sách là phương án hợp lý nhất hiện nay", ông Duệ nêu quan điểm. 

Nói về kinh nghiệm của các nước về đưa ra nhiều cách tính giá điện, ông Hồi cho biết, sử dụng nhiều biểu giá phù hợp cho nhu cầu từng đối tượng đã có nhiều nước áp dụng như Pháp và một số nước trong khu vực ASEAN.

Giá điện hai thành phần 

Nhưng yêu cầu chung đều phải dựa trên nguyên tắc là phản ánh xác thực nhất chi phí cung ứng mà ngành điện đã phải trả. Nói cách khác, họ đưa ra các gói sản phẩm tương ứng biểu giá khác nhau phù hợp với đặc điểm của từng hộ tiêu dùng.

“Phương án giá điện đồng giá thực chất là cào bằng chi phí, nó là phương thức ít được áp dụng do không đạt được các mục tiêu định giá như phản ánh chi phí cung ứng hay sử dụng tiết kiệm năng lượng...mà chỉ đơn giản trong cách tính”, ông Hồi nhận định. 

Theo PGS. TS Bùi Xuân Hồi, từ những nước phát triển hay đang phát triển có nhiều biểu giá điện cho khách hàng khác nhau. Nhưng chủ yếu là rất ít bù chéo. Điểm khác biệt lớn nhất giữa giá điện ở Việt Nam và các nước là chúng ta hiện chỉ có giá điện một thành phần cho điện năng tiêu dùng. Trong khi các nước là giá điện hai thành phần bao gồm phần trả cho công suất đăng ký và phần trả cho điện năng tiêu dùng.

Ông Hồi lưu ý, quá trình cung ứng điện là đồng thời hai yếu tố là công suất và điện năng chứ không đơn thuần là khía cạnh năng lượng. 

“Ví dụ hai hộ tiêu dùng cùng sử dụng 24 KWh/ngày nhưng sử dụng điện theo cách khác nhau. Có gia đình sử dụng 24KW điện trong 1 giờ sẽ được tính giá khác với hộ gia đình sử dụng 24KW trong vòng 24 giờ. Nếu giá điện một thành phần thì họ trả cùng mức hoá đơn như nhau như rõ ràng, chi phí mà các hộ này gây ra cho hệ thống điện khác nhau. Đây là hạn chế lớn nhất của hệ thống giá điện hiện hành tại Việt Nam ”, ông Hồi lấy ví dụ.

Do đó, vị Giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định cần có lộ trình cho một biểu giá mới có tính đột phá và ưu việt nhất bởi hạ tầng của ngành điện đã đủ điều kiện để cải tiến giá điện theo hướng công bằng hơn.

“Đó là thay đổi sang giá điện hai thành phần. Chứ không phải là loay hoay tính toán thay đổi số bậc trong biểu giá điện bậc thang hay xác định điện đồng giá không làm thay đổi được giá điện một thành phần, dẫn đến cứ mỗi mùa hè vấn đề giá điện lại nóng theo thời tiết”, PGS. TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.

DĐDN sẽ có bài phỏng vấn PGS TS trên số báo 57 ra ngày 15/7.

Có thể bạn quan tâm

  • NÓNG: Điện một giá ai được lợi, ai chịu thiệt?

    18:07, 08/07/2020

  • Điện một giá hay điện bậc thang lợi hơn?

    17:06, 09/07/2020

THY HẰNG