“Mở van” xăng dầu cho doanh nghiệp ngoại
“Miếng bánh” thị phần của Petrolimex sẽ giảm đáng kể khi dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014 được thông qua.
Việc “mở van” cho doanh nghiệp ngoại tham gia thị trường phân phối, bán lẻ xăng dầu dù khó dẫn tới “cuộc đua” về giá nhưng sẽ cải thiện đáng kể quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ.
Động thái “mở cửa” cho nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh xăng dầu thể hiện tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ.
Thúc đẩy kinh tế tư nhân
Cụ thể, Dự thảo quy định ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.
Lý giải đề xuất này, Bộ Công Thương - giải thích, thực tế sau quá trình cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu lúc này được khẳng định là phù hợp và tính toán rất kỹ.
Thị trường xăng dầu Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng, Petrolimex vẫn độc tôn ngôi đầu với gần 50% thị phần bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, “miếng bánh” thị phần của Petrolimex sẽ giảm đáng kể khi dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014 được thông qua.
Khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, xăng dầu là lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa để doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn mạnh, xây dựng cơ sở vật chất và trấn giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu trong nước. Đến nay, sau 13 năm, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không…
Đại diện Bộ Công Thương lý giải thực tế nhiều năm qua đã có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, góp vốn vào công ty xăng dầu của Việt Nam. Chẳng hạn như tại Tổng công ty dầu Việt Nam - PVOil là 35%, Tổng công ty dầu Bình Sơn là 49%, Tập đoàn xăng dầu là 20%.
Thế nhưng quy định hiện nay chưa đầy đủ, không tạo thuận lợi cho quản lý cũng như hoạt động này diễn ra hiệu quả. Do vậy, trong nội dung sửa đổi Nghị định số 83/2014 hướng tới mở rộng sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào một số DNNN để góp phần cải thiện quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Ủng hộ quan điểm “mở cửa” trên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (BộTài chính) phân tích, trong hầu hết các hiệp định thương mại tự do đã ký trước đây, Việt Nam không mở cửa cho thị trường năng lượng vì lo ngại các doanh nghiệp nội “thất thế” ngay trên sân nhà, vô hình trung gây mất an ninh năng lượng.
Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp trong nước đã lớn mạnh, chiếm lĩnh thị phần nhưng về mô hình, hoạt động quản trị còn lạc hậu, yếu kém. Bên cạnh đó, xăng dầu sản xuất trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 80 - 90% nhu cầu, nguồn lực doanh nghiệp trong nước chưa đủ để tạo ra lượng xăng dầu dự trữ ổn định. Liên kết với doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội học tập, cải thiện quản trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Mặc khác, sửa đổi Nghị định 83/2014 sẽ bám sát mục tiêu cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân... Từ đó sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa công ty nhà nước và tư nhân.
Tăng chất lượng dịch vụ
Câu hỏi đặt ra là với việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối, bán lẻ xăng dầu dầu liệu có tăng tính cạnh tranh và kéo giá xăng dầu giảm?
Dù đưa ra quy định để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu ở khâu phân phối bán lẻ, song Nhà nước phải nắm quyền chi phối vì xăng dầu liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia.
Theo dự thảo Nghị định có 2 phương án về thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Phương án 1, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh là10 ngày và phương án 2 là15 ngày. Ở cả hai kịch bản đưa ra, nếu giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó trong khoảng 7-10%, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Nghị định 83 cũng sửa cách tính giá cơ sở xăng dầu dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ nguồn trong nước và nhập khẩu, khi cơ cấu nguồn hiện đã thay đổi với tỷ lệ xăng dầu sản xuất trong nước trên 80%. Do đó, công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn trong nước và nhập khẩu và các mức thuế, phí nhập khẩu, trong nước... để đưa vào công thức tính giá. Giá này sẽ là cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ trong nước. Như vậy có thể hình dung khó có thể kỳ vọng vào việc có giá xăng dầu cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, việc mở cửa cho doanh nghiệp ngoại tham gia vào thị trường xăng dầu sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là chất lượng sản phẩm, tính chính xác về đo lường và dịch vụ thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, ở lĩnh vực phân phối xăng dầu, Việt Nam đã thí điểm cho doanh nghiệp Nhật Bản mở trạm bán xăng tại Việt Nam, qua đó đã tạo ra một dấu ấn mới trong văn hóa cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Nhân viên bán hàng có cách phục vụ khách hàng thân thiện nên đã nhận được cảm tình của nhiều người dân. Vì vậy theo ông Hiếu, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Việt Nam về cách làm dịch vụ và thái độ phục vụ, văn hóa phục vụ khách hàng.
Trên thực tế, từ cuối năm 2017, Công ty TNHH Idemitsu Q8 đã đánh dấu hoạt động của mình tại thị trường Việt Nam thông qua việc khai trương trạm bán lẻ xăng dầu đầu tiên tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ. Với hệ thống trạm xăng dầu được thiết kế hiện đại, đội ngũ nhân viên được đào tạo theo phong cách phục vụ Nhật Bản, Idemitsu Q8 đã tạo được dấu ấn với người tiêu dùng.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương:
Thời điểm xây dựng và áp dụng Nghị định 83 khi đó thị trường xăng dầu phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Nhưng hiện tại, nguồn cung từ sản xuất trong nước chiếm 75 - 80% nên công thức tính giá cơ sở dựa trên số liệu từ nguồn nhập khẩu không còn hợp lý, phải thay đổi để phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như Việt Nam tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, nên phải tính lại công thức giá cơ sở…
Với quy định “mở cửa” thị trường bán lẻ xăng dầu tại dự thảo, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước vẫn nắm được quyền chi phối, mà lại có thêm vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị để nâng cao sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính:
Giá xăng dầu trong nước hiện nay vẫn tính theo giá cơ sở của giá nhập khẩu, không phù hợp với thực tế nữa. Ngoài ra, Liên bộ mong muốn xây dựng cơ chế giá mới phù hợp với thị trường như giá sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước, giá cho các đơn vị phân phối sản phẩm,… Tất cả những mục tiêu đó nhằm hài hòa lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.